Nét vẽ mới về room

Nét vẽ mới về room

(ĐTCK) Tuần qua, liên quan đến tỷ lệ đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam (room), nhà đầu tư tiếp nhận 2 nét vẽ mới: HSC dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch nới room sau gần 2 năm đắn đo, cân nhắc và thông báo của MBG về việc đưa room về 0%, theo các quy định pháp lý hiện hành.

Điểm ấn tượng ở MBG - CTCP Đầu tư phát triển xây dựng và thương mại Việt Nam, DN niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội nằm ở chỗ đây là DN đầu tiên trên TTCK Việt Nam thông báo việc giảm room về 0%.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Dương Quang Đông, Phó tổng giám đốc MBG cho biết, yếu tố chính khiến Công ty đưa room về 0% là ở chỗ DN có những ngành nghề kinh doanh chịu sự hạn chế của nhà đầu tư nước ngoài, như mua bán cây trồng, xuất nhập khẩu nông lâm sản, mua bán sản phẩm thuốc lá, thuốc lào… 

Khi DN trình hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất việc phát hành tăng vốn, nhà quản lý đã yêu cầu DN cần tuân thủ quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP, Thông tư 123/2015 và căn cứ vào ngành nghề kinh doanh hiện hành để thực hiện việc đưa room về 0%. Được biết, MBG dự kiến sẽ phát hành 12,8 triệu cổ phiếu, trong đó 0,8 triệu cổ phiếu là để trả cổ tức, còn 12 triệu cổ phiếu bán cho cổ đông hiện hữu, với giá 10.000 đồng/CP.

Điều oái oăm là, thị giá hiện hành của MBG chỉ có 4.800 đồng/CP và mức giá quanh 5.000 đồng này đã duy trì gần 1 năm nay, sau thời “hoàng kim” diễn ra khoảng 5 tháng, MBG duy trì ở giá 20 -25.000 đồng (từ tháng 11/2015 kể từ khi Công ty lên sàn). Trong khi sàn đầy hàng MBG bán ở giá dưới 5.000 đồng, muốn mua chỉ cần 1 giây đặt lệnh, Công ty lại đặt ra giá bán 10.000 đồng/CP cho cổ đông hiện hữu và lại giảm room về 0% cho nhà đầu tư nước ngoài trong đợt phát hành tới. Cơ hội cho sự thành công từ đợt phát hành của MBG có vẻ trở nên mong manh hơn.

Bên cạnh nét vẽ mới về chặn room của MBG thì việc HSC - CTCK hàng đầu tại Việt Nam - dự kiến trình phương án nới room đến cổ đông trong đại hội ngày 24/4 tới, cũng là một diễn biến nhiều người không ngờ đến. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Phải chăng HSC đã tìm ra cách để vượt qua 3 nỗi e ngại lớn nhất khi nới room gồm việc vay vốn ngân hàng/việc mua các mã cổ phiếu có sự hạn chế của nhà đầu tư nước ngoài, việc xử lý thuế?

Sở dĩ câu hỏi được đặt ra với HSC là bởi gần 2 năm nay, kể từ khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP ra đời, HSC là CTCK mạnh mẽ nhất trong việc nêu ra các bất cập của chính sách nới room và kiến nghị sự thay đổi pháp lý, bởi quy định các chủ thể có sở hữu từ 51% vốn ngoại trở lên thì được đối xử như nhà đầu tư nước ngoài tạo ra nhiều điểm vướng cho DN nào dám nới room.

Thực tế, HSC cũng như nhiều chuyên gia, nhiều chủ thể đã nêu kiến nghị, nhưng quy định pháp lý vẫn còn nguyên nút thắt cũ. Trong mong muốn tăng thanh khoản, cải thiện khả năng huy động vốn khi cần thiết, HSC “đành” chấp nhận những hạn chế trong hoạt động kinh doanh sẽ phát sinh khi nới room. Điều tựa cho HSC là ở chỗ, SSI đã nới room lên 100% ngay từ khi Nghị định 60 có hiệu lực (năm 2015), mà hoạt động vẫn trơn tru, hiệu quả. Có lẽ vì thế, mà HSC chọn cách cứ bước đã, chờ pháp luật sửa dần dần…

Sự loay hoay từ phía các DN tạo ra những nét vẽ mới quanh chủ điểm về room, nhưng câu chuyện thị trường chờ đợi nhất không phải đến từ phía DN. Điều thị trường chờ đợi là lời giải cho bài toán hút vốn ngoại vào Việt Nam được viết bởi các văn bản pháp lý, ở đó có quy định gỡ được nút thắt về room, về nâng hạng thị trường. 

Tin bài liên quan