Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành Sở GDCK Hà Nội (HNX)
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan.
Nếu như trước đây, việc thu hút càng nhiều doanh nghiệp lên sàn càng tốt thì hiện nay, điều chúng tôi mong muốn nhất là dần nâng chất lượng các doanh nghiệp trên sàn.
Tại HNX, năm 2017 là năm thứ 4 thực hiện đánh giá chất lượng công bố thông tin, quản trị của doanh nghiệp niêm yết, chúng tôi đã có những đổi mới và nâng dần tiêu chí nhằm thúc đẩy nhận thức và hành vi liên quan đến quản trị công ty của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở đã ban hành Quy chế tạo lập thị trường và khuyến khích, tạo điều kiện để các công ty chứng khoán thành viên tham gia tạo lập thị trường trên HNX.
Liên quan đến hoạt động đấu giá, năm qua, Sở đã tổ chức 44 phiên đấu giá cổ phần, trong đó chủ yếu là đấu giá thoái vốn nhà nước (chiếm tỷ lệ 73%). Tổng khối lượng trúng giá đạt hơn 259 triệu cổ phần, tương ứng tổng giá trị bán được đạt hơn 4.573 tỷ đồng.
Một trong những kết quả quan trọng năm qua là TTCK phái sinh chính thức được đưa vào vận hành an toàn, ổn định và đã đạt được những kết quả khả quan ban đầu. HNX sẽ nghiên cứu, cải tạo tốt hơn về chỉ số VN30, xây dựng thêm một chỉ số cho TTCK phái sinh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, HNX sẽ phối hợp chặt hơn với HOSE, nhằm thực hiện liên thông thị trường để triển khai các sản phẩm mới.
Mấy năm gần đây, HNX rất tâm huyết với việc hoàn thiện hệ thống trái phiếu doanh nghiệp chuyên biệt. Hiện HNX đã trình UBCK Đề án để báo cáo Bộ Tài chính về công việc này.
Chúng tôi hy vọng, năm 2018, mô hình tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được định hình rõ nét để trong tương lai gần, thị trường vốn Việt Nam sẽ phát triển thêm mảng việc này.
Ông Nguyễn Đức Chi.
SCIC sẽ tiếp tục thực hiện Quyết định số 1001/QĐ-TTg/2017 của Thủ tướng Chính phủ trong việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch cụ thể cho năm 2018 và sẽ công bố vào đầu năm.
Đối với những trường hợp doanh nghiệp phải thoái vốn nhà nước nhưng chưa thực hiện được trong năm 2017 sẽ tiếp tục triển khai trong quý I/2018.
Hầu hết doanh nghiệp mà SCIC đang quản lý phần vốn nhà nước có quy mô vừa và nhỏ, chỉ còn khoảng 20 - 30 doanh nghiệp có giá trị vốn lớn. Các doanh nghiệp này, một số đã niêm yết và đang được xem xét để cân nhắc thoái vốn nhà nước vào thời điểm thuận lợi.
Năm 2018, SCIC sẽ tiếp tục tương tác với TTCK với trách nhiệm minh bạch cao nhất. Bên cạnh sự minh bạch, điều chúng tôi đang trăn trở là định hình những tiêu chí đánh giá sự thành công trong các thương vụ thoái vốn.
Nhiều người nói rằng, việc thoái vốn cần phải thu về giá trị tối đa cho Nhà nước mới là thành công, nhưng cũng có những quan điểm cho rằng, bán được ở mức giá phù hợp là thành công.
Tôi cho rằng, trong việc thoái vốn nhà nước, trước hết phải có người bán, có người mua, là những điều kiện tối thiểu để tạo nên cung cầu thị trường.
Thứ hai, cần bán được ở một mức giá hợp lý, phù hợp với thời điểm thị trường và tương lai phát triển của doanh nghiệp. Hợp lý ở đây được nhìn cả trên giác độ của người mua và người bán để sau khi thoái vốn, các nhà đầu tư mới cùng tham gia vận hành doanh nghiệp được ổn định và phát triển. Đó là những giá trị dài hạn mà chúng tôi rất muốn hướng đến.
Để thuận lợi cho công tác thoái vốn năm 2018, tôi mong các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, UBCK xem xét, sửa đổi sớm một số điểm vướng mắc kỹ thuật cho các dòng chảy vốn từ nhà đầu tư đến với doanh nghiệp được thông suốt hơn.
Ông Dương Ngọc Tuấn.
Trong năm 2017, VSD đã triển khai 2 nhiệm vụ quan trọng. Thứ nhất, VSD đã phối hợp với Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các thành viên thị trường triển khai chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ (TPCP) từ ngân hàng thương mại (hiện là ngân hàng BIDV) sang NHNN.
Đây được coi là bước tiến mới trong hoạt động đổi mới Hệ thống thanh toán giao dịch chứng khoán theo thông lệ quốc tế.
Thứ hai, chúng tôi đã triển khai thành công hoạt động bù trừ thanh toán cho TTCK phái sinh, trong khi vẫn thực thi an toàn các hoạt động thanh toán trên thị trường cơ sở. Giá trị thanh toán trên thị trường cơ sở năm 2017 khoảng 3,5 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với năm 2016.
Năm 2018, VSD sẽ triển khai hệ thống gia dịch với sản phẩm chứng quyền có tài sản đảm bảo (CW). Đối với sản phẩm phái sinh, hợp đồng tương lai chỉ số, trái phiếu chính phủ, VSD sẽ chuẩn bị nhằm sẵn sàng về hạ tầng công nghệ để triển khai khi thống nhất được danh mục sản phẩm. Bên cạnh đó, VSD đang triển khai hạ tầng công nghệ, khi quy định pháp lý đủ là triển khai.
Một mảng việc lớn cần làm trong năm 2018 là triển khai sản phẩm quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Đây là sản phẩm mới, nhưng đã thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư.
VSD sẽ phối hợp với ngân hàng và doanh nghiệp trong ngành để chuẩn bị về hạ tầng và quy chế với mong muốn góp sức đưa vào vận hành sản phẩm này trong năm 2018.
Ông Nhữ Đình Hòa.
Theo tôi, TTCK năm 2017 phát triển ngoài dự báo. Bên cạnh những con số thành tích thì hiện tượng xấu giảm đi nhiều. Năm 2016, nhiều cổ phiếu bị làm giá, đẩy giá, sau đó lao dốc. Năm 2017, tình trạng này giảm nhiều. Đây là sự thành công của nhà quản lý trong kiểm tra, giám sát thị trường.
Công tác huy động vốn của thị trường trong năm 2017 đã đạt con số kỷ lục. Bên cạnh thoái vốn của Nhà nước, việc huy động vốn cho các doanh nghiệp niêm yết là rất thành công. Riêng với thoái vốn SAB, còn nhiều chuyện phải bàn về các văn bản pháp lý.
Cùng một câu chuyện thoái vốn nhưng có nhiều văn bản pháp lý quy định về cách làm. Tôi mong rằng, những việc này cần sớm được xử lý để các cuộc bán vốn năm 2018 được thông suốt hơn, giảm áp lực cho đơn vị tư vấn và đơn vị chủ sở hữu vốn.