Việt Nam cần nhiều hơn những DN tư nhân
 có tầm cỡ

Việt Nam cần nhiều hơn những DN tư nhân có tầm cỡ

Muốn vững hội nhập, Việt Nam cần có nhiều DN lớn

(ĐTCK) Hai dự thảo đặc biệt quan trọng mới được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra lấy ý kiến góp ý của nhân dân là Dự thảo báo cáo chính trị và Dự thảo báo cáo phát triển kinh tế - xã hội, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. 

Hai điểm mới đáng chú ý là việc xác định giai đoạn 2015-2020, tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển khối DN tư nhân và xác định sẽ đẩy mạnh hoạt động và nâng cao hiệu quả của TTCK, thị trường trái phiếu để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.

Thúc đẩy DN tư nhân, tạo dựng thương hiệu Việt

Quan điểm xuyên suốt trong bản Dự thảo phát triển kinh tế xã hội 2015-2020 là sẽ tiếp tục đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý, phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển các DN Việt Nam, nhất là khối DN tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Mục tiêu cụ thể được đặt ra trong 5 năm tới là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân/năm đạt 6,5-7%. Đến năm 2020, GDP bình quân trên đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD.

Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 32-34%... Về con đường, giai đoạn 2015-2020 sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại, trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển hiệu quả các loại thị trường, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và quản lý giá phải theo cơ chế thị trường.

Trong việc phát triển DN, báo cáo phân ra 4 loại hình là DN Nhà nước; DN tư nhân; DN có vốn đầu tư nước ngoài và khối kinh tế hợp tác. Các khối này có mục tiêu phát triển cụ thể, trong đó khối DN tư nhân sẽ được khuyến khích để hình thành các DN lớn, thương hiệu mạnh trong nền kinh tế.

Theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì chỉ có DN Việt Nam mới tạo ra thương hiệu Việt Nam. “Điều đáng tiếc là hiện nay chúng ta chưa có nhiều DN mạnh, tạo dựng thương hiệu lớn trên trường quốc tế”, Bộ trưởng nói. 

DN, doanh nhân phải hiểu rõ về hội nhập

Sau 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu, trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình (GDP/người 2015 đạt khoảng 2.200 USD). Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lịch sử khi đã và sẽ hội nhập sâu hơn với nền kinh tế toàn cầu. Với việc chính thức tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bộ trưởng cho rằng, cơ hội lớn đã mở ra nhưng song hành cũng không ít thách thức.

“Hội nhập như con dao hai lưỡi, nếu DN Việt Nam không cạnh tranh được, chúng ta sẽ tụt hậu sâu hơn”, ông nói và cho rằng, chấp nhận hội nhập là chấp nhận vào một sân chơi, phải cạnh tranh, phải có thua, có thắng. Trên bình diện quốc gia, Việt Nam chọn lựa hội nhập để mở rộng thị trường, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để hội nhập, Việt Nam đã và sẽ phải sửa hệ thống pháp lý để tương thích với nền kinh tế thế giới, phù hợp với cam kết Việt Nam đã và sắp ký kết. Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp ở và nhiều dự án luật khác đang hiện thực hóa tinh thần này.

Muốn vững hội nhập, Việt Nam cần có nhiều DN lớn ảnh 1

Ở tầm vi mô, theo Bộ trưởng, điều quan trọng nhất là các DN, doanh nhân phải được thông tin đầy đủ về cơ hội và thách thức từ hội nhập, bởi nếu không biết, DN có thể mất thị trường ngay trên sân nhà. Một số ý kiến lo ngại, mở cửa hội nhập sẽ khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam mạnh mẽ hơn, sẽ “lấn át” DN trong nước, có thể dẫn đến lợi bất cập hại.

Tuy nhiên, trong quan điểm của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, muốn bước vững trong hội nhập, Việt Nam không thể chọn lựa cách hạn chế vốn đầu tư nước ngoài, hạn chế sự phát triển của khối DN FDI, mà cần thúc đẩy kinh tế tư nhân, tạo dựng những DN Việt Nam lớn mạnh trên thương trường.

“Nền kinh tế cần bước vững trên hai chân, nội lực và ngoại lực. Việt Nam chưa tạo dựng được khối DN tư nhân trong nước đủ mạnh, nên trong thời gian tới, bước chân này phải bước nhanh hơn”, Bộ trưởng nói.

Khảo sát mới đây của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với các DN niêm yết cho thấy, chỉ có 1% các DN nói rằng họ không quan tâm đến hội nhập, còn lại các DN đang toan tính việc ứng phó với hội nhập theo nhiều cách khác nhau. 61% DN cho rằng, để hội nhập được, DN cần có chiến lược dài hạn, trong khi có 10% DN cho rằng, để hội nhập được, DN rất cần sự hỗ trợ của địa phương, của quốc gia. Nhiều DN mong muốn, hội nhập giúp họ có khả năng huy động được vốn, hiểu rõ đối thủ cạnh tranh và thị trường nước ngoài…

Hầu hết DN niêm yết đã sẵn sàng tâm thế hội nhập, nhưng hiện trạng DN Việt Nam còn rất nhỏ bé (toàn TTCK Việt Nam hiện chỉ có 10 DN có vốn hóa trên 1 tỷ USD – xem bảng). Thực tế này cho thấy, để DN và nền kinh tế Việt Nam dùng “con dao hai lưỡi” - hội nhập - thành công cụ có ích, thực hiện được các mục tiêu lớn giai đoạn 2015-2020 như kế hoạch nói trên, là bài toán đầy thách thức của tương lai.

“Việt Nam cần tạo dựng nhiều DN tầm cỡ”

Muốn vững hội nhập, Việt Nam cần có nhiều DN lớn ảnh 2

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

 Tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các DN Việt Nam có cơ hội mang sản phẩm của mình ra nước ngoài tiêu thụ, mở rộng thị trường, mở rộng cơ hội phát triển. Các DN và cả nền kinh tế cũng đồng thời được tiếp cận cơ hội huy động những dòng vốn mới. Tuy nhiên, nếu huy động được vốn từ nước ngoài, chúng ta cần nhiều DN trong nước, cần nhiều DN tầm cỡ để triển khai đầu tư, biến nguồn vốn đó thành lợi nhuận, thành giá trị gia tăng cho đất nước. Nhìn lại chặng đường nhiều năm qua có thể thấy, không dễ gì Việt Nam có được DN lớn như Vingroup, đủ sức hấp thụ dòng vốn lớn và triển khai các dự án lớn. Tuy nhiên, Việt Nam cần tạo dựng nhiều hơn những DN lớn như vậy, mới có thể vững thế hội nhập và duy trì đà tăng trưởng tốt trong tương lai.

Nhìn vào ngành nông nghiệp, ngành lợi thế nhất và còn yếu kém nhất của Việt Nam có thể thấy, sản xuất trong ngành rất nhỏ lẻ, các DN mới đang ở bước bán cái mình có, chứ chưa thực sự bán cái thị trường cần. Đây chính là lĩnh vực Việt Nam cần thu hút các dòng vốn lớn để cải thiện nền sản xuất nông nghiệp hiện có, làm sao sản phẩm sản xuất tại Việt Nam là những sản phẩm thế giới cần. Theo quan điểm như vậy, tôi cho rằng, chúng ta cần đổi mới tư duy, theo đó DN thuộc sở hữu của ai không quan trọng, quan trọng hơn là DN đó có tạo ra nhiều việc làm tại Việt Nam không và sản xuất ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam cạnh tranh được trên thị trường quốc tế hay không.

Tôi tin khi chúng ta đặt ra mục tiêu đúng, có cách làm đúng, Việt Nam sẽ thu hút được nguồn lực từ bên ngoài (vốn, công nghệ, thị trường...). Nền kinh tế không còn phụ thuộc vào các dòng vốn ưu đãi, mà đón nhận các dòng vốn mới, chắc chắn ICOR (chỉ số đánh giá số vốn đầu tư cần có để tăng thêm 1 đồng tổng sản phẩm trong nước GDP) sẽ giảm và nền kinh tế sẽ bền vững hơn.

Tin bài liên quan