Hơn 2 tỷ USD vốn ngoại
Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 47.000 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và trái phiếu. Tính riêng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), năm 2017, nhà đầu tư ngoại mua ròng hơn 23.000 tỷ đồng và trong 25 ngày đầu tiên của năm 2018, khối ngoại mua ròng 7.500 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.
Con số thống kê này không bao gồm 5 tỷ USD tiền mua cổ phần của nhà đầu tư trong thương vụ mua cổ phần Sabeco và các khoản giao dịch mua cổ phần đấu giá các tổng công ty lớn diễn ra trong tuần qua.
Những con số trên cho thấy sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại và được cho là động lực góp phần giúp thị trường tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2017 và đầu năm 2018 vừa qua.
Phân tích chi tiết hơn số liệu giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, 2 kênh lớn mà nhà đầu tư đổ vào là thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp trong nước và các quỹ đầu tư chỉ số (ETF). Dòng vốn ngoại đổ vào các doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, dầu khí…, tạo động lực quan trọng hỗ trợ chỉ số VN-Index tăng cao.
Xu hướng tiếp tục tăng
Mọi năm, trước Tết Âm lịch là thời điểm Ngân hàng Nhà nước thường phải bơm ròng tiền ra thị trường và càng gần thời điểm nghỉ tết, bơm ròng ra thị trường càng lớn.
Theo dữ liệu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tuần trước khi nghỉ Tết Âm lịch năm 2017, lượng bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước là 93.482 tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO) và sau kỳ nghỉ tết thì hút ròng trở lại.
Năm 2018, quy luật cũ đã bị phá vỡ. Tuần từ 1 - 5/1/2018, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 15.465,8 tỷ đồng từ thị trường. Tuần sau đó, số tiền hút ròng từ thị trường đạt 17.399,6 tỷ đồng và đến tuần từ 15 - 19/1/2018, số tiền hút ròng là 7.333,4 tỷ đồng.
Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước đạt 54,5 tỷ USD ở thời điểm giữa tháng 1/2018, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh cùng với việc hút ròng tiền lớn của cơ quan này cho thấy, có dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư ngoại và hiệu ứng của dòng vốn này không chỉ đối với thị trường chứng khoán mà còn lan rộng ra cả nền kinh tế.
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong hơn 20 ngày đầu năm 2018, ông đã đón tiếp 13 lượt nhà đầu tư nước ngoài sang tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam. Đây là số lượt tiếp nhà đầu tư ngoại rất lớn so với thông thường. Lượt đăng ký gặp gỡ của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên cho thấy, nhiều khả năng khối ngoại sẽ tiếp tục rót vốn vào Việt Nam.
Nhiều nguồn tin cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặc biệt quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam. Một số người phụ trách quản lý danh mục các quỹ toàn cầu cho hay, họ thậm chí còn bị nhà đầu tư chất vấn rằng, tại sao không tăng tỷ lệ đầu tư vào Việt Nam.
“Trong chuyến công tác tới Hàn Quốc, rất nhiều nhà đầu tư đã gặp tôi, giơ ngón tay cái lên và nói rằng: Việt Nam’s Number 1 (Việt Nam là số 1) khi biết tôi đến từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước”, một nguồn tin chia sẻ.
Theo một chuyên gia tài chính, năm 2017 vừa qua, dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản đổ mạnh vào Việt Nam và với những thông tin mà ông có được, năm 2018, nhà đầu tư Trung Quốc có thể sẽ dẫn đầu dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam bằng với định giá các thị trường chứng khoán trong khu vực. Các giai đoạn trước, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam thường thấp hơn từ 15 - 20%. Một số ý kiến nhận xét, đây là một trong những dấu hiệu tích cực cho thấy vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam đã cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, khả năng Việt Nam được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI trong 2 năm tới được cho là một trong những lý do chính giúp vốn ngoại có thể tiếp tục chảy mạnh vào thị trường Việt Nam.
Vốn ồ ạt vào liệu có ồ ạt ra?
Có ý kiến cho rằng, nếu loại bỏ yếu tố dòng vốn ngoại lớn từ các thương vụ M&A thì dường như thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang được kích thích bởi dòng vốn nóng từ các quỹ đầu cơ cũng như các nhà đầu tư cá nhân.
“Họ vào ồ ạt như thế nào thì có thể sẽ ra ồ ạt như thế đó”, giám đốc một công ty quản lý quỹ cảnh báo.
Ý kiến khác cho biết, dòng vốn chủ yếu đổ vào các quỹ ETF, vốn giao dịch tập trung vào các mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn và định giá thị trường đang được đẩy lên phần lớn là nhờ các mã vốn hóa lớn này. Đây có thể là một trong những yếu tố gây rủi ro cho tính bền vững của thị trường trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, một số chuyên gia cảm thấy e ngại khi đánh giá tác động của dòng vốn ngoại, là việc các nhà đầu tư ngoại đầu cơ thông tin Việt Nam có thể được nâng hạng. Thực tế tại một số thị trường cho thấy, giai đoạn trước đây, khi thị trường chứng khoán được nâng hạng thì giá cổ phiếu tăng mạnh, vốn ngoại đổ vào ồ ạt. Nhưng hiện nay, vốn ngoại có xu hướng đổ dồn vào các thị trường chuẩn bị được nâng hạng và chốt lời khi chính thức được nâng hạng.
“Kịch bản này có thể sẽ xảy ra ở Việt Nam, tức là khi tin ra thì bắt đầu giảm giá. Vì thế, việc chậm được nâng hạng có thể là tin vui, chứ chưa hẳn đáng suy nghĩ như nhiều ý kiến đưa ra”, tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ nói.
Bên cạnh những ý kiến quan ngại về tác động của dòng vốn nóng khi vốn ngoại chảy ồ ạt vào thị trường chứng khoán, nhiều ý kiến khác cho rằng, dòng vốn ngoại không hẳn nóng, khi ranh giới giữa vốn đầu tư gián tiếp và trực tiếp đang khá mong manh.
“Vốn đổ vào qua thị trường chứng khoán lớn, nhưng trong nhiều trường hợp mà Vinamilk, DIG là những ví dụ, thì vốn đầu tư trực tiếp đã vào thông qua kênh đầu tư gián tiếp. Những dòng vốn này vào nền kinh tế và sẽ ở lại cùng chúng ta lâu dài. Do đó, nếu trừ đi các khoản đầu tư phục vụ mục tiêu M&A thì vốn đầu tư gián tiếp không phải quá lớn và sẽ không ảnh hưởng sốc đến thị trường”, chuyên gia phân tích của một công ty chứng khoán nhìn nhận.
Về quan ngại dòng vốn ngoại ồ ạt chảy vào có dẫn đến kịch bản như giai đoạn 2007 - 2008, khi nền kinh tế không hấp thụ hết, ảnh hưởng không nhỏ tới lạm phát, tăng trưởng kinh tế, một chuyên gia kinh tế cho rằng, khi vốn ngoại đổ ồ ạt chảy vào nền kinh tế, nguy cơ này là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, sức khỏe nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã rất khác so với giai đoạn 10 năm về trước, khả năng hấp thụ vốn mới tốt hơn rất nhiều.
Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện đạt mức kỷ lục, nhưng so với nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế thì tương quan không lớn. Trong khi đó, một điểm rất tích cực là đầu tư công của Chính phủ đã được siết chặt theo hướng hiệu quả, góp phần làm giảm nợ công cũng như nguy cơ lạm phát.
“Quy mô nền kinh tế lớn, sức khỏe tốt hơn và số dư tiền gửi lớn của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại do đầu tư công bị quản chặt hơn là những yếu tố giúp chúng ta tự tin về việc giảm nguy cơ lạm phát so với giai đoạn trước”, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.