Mừng giao dịch ngoại, lo thanh khoản nội

Mừng giao dịch ngoại, lo thanh khoản nội

(ĐTCK) Cuối tuần trước, khối NĐT nước ngoài quay lại mua ròng, khiến nhiều NĐT nội kỳ vọng khối ngoại sẽ giải ngân theo chu kỳ trong quý II, từ đó giúp thị trường hồi phục. Tuy nhiên, thanh khoản của thị trường vẫn đang ở mức thấp, thậm chí có dấu hiệu yếu đi.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cho biết, nhóm NĐT bán ra cổ phiếu mạnh nhất trong giai đoạn tháng 3 vừa qua là các quỹ ETF. Hai quỹ VNM và FTSE bị NĐT rút vốn với tốc độ nhanh, dẫn đến các quỹ này liên tục phải bán ra chứng khoán và giá chứng chỉ quỹ giảm xuống dưới giá trị tài sản ròng.

Trong vòng 1 tuần qua, đà giảm giá chứng chỉ quỹ của cả hai quỹ ETF đã chững lại và thị giá quay lại trạng thái cao hơn giá trị tài sản ròng. Các quỹ bắt đầu phát hành trở lại chứng chỉ quỹ, nhưng khối lượng khá khiêm tốn.

Ông Lâm dự báo, hoạt động của khối NĐT nước ngoài sẽ cân bằng trong thời gian tới. Theo ông Lâm, đợt rớt điểm trong tháng 3 khiến TTCK Việt Nam quay trở lại vùng P/E dưới 12 lần, mức hấp dẫn nếu so với các thị trường trong khu vực. Nhìn ở góc độ này, khả năng tìm kiếm cơ hội giải ngân trở lại của khối ngoại trong thời gian tới là khá cao, nhưng giá trị mua ròng tạm thời có thể ở mức thấp, nhất là khi một bộ phận NĐT nước ngoài kỳ vọng tỷ giá sẽ điều chỉnh trong ngắn hạn.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia chiến lược thị trường, CTCK MB (MBS) nhận định, NĐT nước ngoài mua ròng trở lại đã phần nào hỗ trợ thị trường hồi phục. Các cổ phiếu vốn hóa lớn và blue-chip trong rổ chỉ số VN30 có mức giảm giá mạnh nhiều trong thời gian qua do hoạt động bán ròng của các quỹ ETF đã dừng đà giảm và tăng trở lại. Sự tăng giá của nhóm cổ phiếu này góp phần chính vào sự hồi phục của các chỉ số. Tuy nhiên, việc khối ngoại giảm bán và mua trở lại mới chỉ nhen nhóm và chưa đủ cơ sở để khẳng định tính bền vững.

Theo ông Ngọc, về cơ bản, khi Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ khiến dòng tiền tại Mỹ ở các quỹ ETF bị rút về. Ngược lại, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 1.100 tỷ euro có thể sẽ kích thích dòng tiền tại châu Âu đầu tư vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Thực tế, đã có dấu hiệu cho thấy dòng tiền đầu tư từ châu Âu tăng lên tại các thị trường Ấn Độ, Indonesia và Philippines, nhưng chưa nhận thấy dòng vốn này đổ vào Việt Nam, NĐT cần theo dõi thêm.

TTCK Việt Nam đã có tín hiệu hồi phục, kể từ phiên 2/4 đến nay, số phiên tăng điểm nhiều hơn giảm điểm, nhưng mức tăng khá yếu, thanh khoản chưa cao. Hai phiên giao dịch đầu tuần này, thanh khoản có hiện tượng suy giảm. Thực tế này cho thấy, sự hạn chế của dòng tiền vẫn là vấn đề đối với thị trường trong ngắn hạn, rất có thể thanh khoản sẽ ở mức thấp trong những phiên còn lại trong tuần.

Cũng cần nhấn mạnh, thanh khoản thị trường đã yếu từ đầu năm 2015 đến nay, chứ không chỉ trong giai đoạn gần đây. Việc thanh khoản yếu có nguyên nhân chính đến tự sự giảm sút giao dịch của khối NĐT trong nước. Một phần dòng tiền có thể bị chia sẻ vào một số kênh đầu tư khác như bất động sản hiện đã sôi động hơn. Bên cạnh đó, hoạt động phát hành thêm cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết, các DNNN tiến hành cổ phần hóa và hoạt động thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng tác động đến dòng tiền trên TTCK.

Ông Ngọc cho hay, các chỉ số chứng khoán đang hình thành một vùng dao động hẹp với thanh khoản thấp. Diễn biến giao dịch giằng co, các chỉ số sau khi hồi phục nhẹ kể từ đầu tháng 4 đang có dấu hiệu chững lại, có khả năng sẽ điều chỉnh giảm. Hiện tại, NĐT nên duy trì trạng thái cân bằng giữa cổ phiếu và tiền mặt, chờ đợi sự cải thiện của tính thanh khoản.

Về mức thanh khoản thấp của thị trường, ông Lâm cho rằng, triển vọng ngắn hạn của thị trường chưa rõ rệt, kỳ vọng của NĐT nhìn chung ở mức không cao, việc hạn chế giao dịch để tiết giảm chi phí cũng là điều dễ hiểu.

Tin bài liên quan