Mục tiêu vốn hóa 70% GDP và hơn thế

Mục tiêu vốn hóa 70% GDP và hơn thế

(ĐTCK) Ngày 28/10/2016, sàn chứng khoán (UPCoM) sẽ có thêm 231,8 triệu cổ phiếu của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco vào giao dịch. Với vốn điều lệ 2.318 tỷ đồng, giá trị sổ sách gần 25.000 đồng/cổ phiếu, dự báo lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ năm 2016 đạt 36,6%, cổ phiếu Habeco chắc chắn sẽ có giá gấp vài lần mệnh giá. 

Giả sử, cổ phiếu này giao dịch tại giá 4x, thì riêng việc Habeco lên sàn sẽ làm gia tăng 10.000 tỷ đồng vốn hóa thị trường cổ phiếu tại Việt Nam.

Người “anh em” với Habeco - Sabeco cũng dự kiến niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM vào tháng 12 tới. Sabeco lên sàn, dự kiến sẽ “đóng góp” thêm 70.000 tỷ đồng vốn hóa vào thống kê chung của TTCK, nếu giá giao dịch trên sàn tiếp tục cao như mức giá hiện nay trên thị trường tự do.

Sau Habeco, Sabeco, với hiệu lệnh của Chính phủ song hành cùng các văn bản pháp lý buộc DN đại chúng phải lên sàn, gắn với quy chuẩn minh bạch và trách nhiệm giải trình, trong tương lai gần, sẽ có hàng loạt DN lớn như các ngân hàng cổ phần, các tổng công ty..., đưa cổ phiếu lên TTCK. Chỉ cần đưa Mobifone lên sàn, vốn hóa TTCK sẽ tăng thêm hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD, góp phần làm thay đổi diện mạo TTCK Việt Nam nếu xét trên chỉ tiêu này.

Tính đến ngày 21/10/2016, vốn hóa TTCK đạt 1.623 nghìn tỷ đồng, tương đương 38,2% GDP tính theo năm 2015. Sự chuyển động lên sàn của các DN cho thấy, mục tiêu đưa vốn hóa thị trường cổ phiếu lên mức 70% GDP vào năm 2020 trong Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đang được Chính phủ trình Quốc hội sẽ không khó đạt được. Ngoài mục tiêu này, trong Tờ trình của Chính phủ lên Quốc hội, phần về tái cơ cấu thị trường tài chính, Chính phủ có thêm một điểm xin ý kiến là có nên đặt các mục tiêu định lượng trong điều hành mức lãi suất cho vay trung bình hoặc lãi suất cho vay tại Việt Nam cần có tính cạnh tranh so với ASEAN hay không?

Thị trường chờ đợi các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về đề xuất trên để hình dung bức tranh thị trường đến năm 2020. Chia sẻ với Người quan sát quanh câu chuyện định vị mục tiêu của TTCK, ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM cho rằng, bên cạnh quy mô, một TTCK hiệu quả là thị trường hội tụ ít nhất 2 yếu tố: tính dễ dàng trong huy động vốn và tính hiệu quả về mặt chi phí khi DN huy động vốn trên đó.

Ở hai điểm này, TTCK Việt Nam còn yếu và thiếu những yếu tố cơ bản, rất cần được nhìn thẳng vào thực tế để có giải pháp trên con đường đến năm 2020. Chẳng hạn, để DN dễ dàng huy động vốn, TTCK cần thu hút được lực lượng nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và chuyên nghiệp, trong khi hiện nay 99% nhà đầu tư là các cá nhân. Để tăng tính minh bạch và hiệu quả khi DN huy động vốn, yếu tố không thể thiếu là công ty định mức tín nhiệm. Tuy nhiên, chủ điểm này đã nhiều năm bàn thảo, Việt Nam vẫn chưa có công ty định mức tín nhiệm nào...

Vốn hóa thị trường cổ phiếu 70% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP là những mục tiêu định lượng trong Đề án tái cấu trúc nền kinh tế đến năm 2020. Bên cạnh chỉ tiêu vốn hóa, những khoảng hở của TTCK đang rất cần được nhìn nhận rõ và lấp lại bằng các mục tiêu cụ thể trong mong muốn 5 năm tới, TTCK sẽ là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ lực tại Việt Nam.

Tin bài liên quan