Nhiều “ông chủ” thực sự không xuất hiện với tư cách người lãnh đạo cao nhất ngân hàng

Nhiều “ông chủ” thực sự không xuất hiện với tư cách người lãnh đạo cao nhất ngân hàng

Mục sở thị sở hữu cổ phần của chủ tịch các nhà băng

(ĐTCK) Những tưởng người ngồi ghế Chủ tịch HĐQT thường là người nắm tỷ lệ lớn cổ phiếu của các nhà băng, song thực tế các ông chủ thực sự lại thường đứng phía sau, chứ không trực tiếp nắm quyền điều hành ngân hàng.

Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2016 của các ngân hàng cho thấy, tại Kienlongbank, tuy Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng không nắm cổ phiếu nào, nhưng con trai ông là Võ Quốc Lợi hiện giữ tỷ lệ 4,68% cổ phần của Kienlongbank. Ngoài ra, còn có 3 thành viên HĐQT khác của Kienlong bank là Phạm Trần Duy Huyền, Bùi Thanh Hải, Nguyễn Thụy Quỳnh Hương nắm giữ tỷ lệ lần lượt 4,72%, 4,33% và 4,41% cổ phần của ngân hàng này.

Tại Saigonbank, tân Chủ tịch HĐQT ông Trần Quốc Hải không nắm cổ phần nào của Ngân hàng. 4 thành viên HĐQT còn lại, tỷ lệ cổ phần của 2 người bằng 0% và 2 người còn lại chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, 0,0186 - 0,0988% cổ phần của Saigonbank.

Tại Eximbank, ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch HĐQT không nắm cổ phần nào, theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2016 vừa được nhà băng này công bố. Đối tác chiến lược nước ngoài của Eximbank là Tập đoàn SMBC nắm 15% cổ phần Eximbank; Vietcombank nắm 8,19% cổ phần Eximbank.

Tại Sacombank, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2016 của Ngân hàng cho thấy, Chủ tịch HĐQT, ông Kiều Hữu Dũng không nắm cổ phiếu nào của Sacombank. Trong khi đó, gia đình ông Trầm Bê (thành viên HĐQT Sacombank) nắm 9,51% cổ phần của nhà băng này (có 2 con trai là Trầm Trọng Ngân, Trầm Khải Hòa, con gái Trầm Thuyết Kiều và con rể Lê Trọng Trí). Hai Phó chủ tịch HĐQT nắm lần lượt 1,192% và 0,007% cổ phần Sacombank.

Không chỉ ở những ngân hàng trên, tại nhiều nhà băng, người ngồi ghế Chủ tịch cũng chỉ là người làm thuê. Tại Đông Á Bank, giai đoạn 2014 - 2015, đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ngân hàng là TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tại Đại hội đồng cổ đông ngày 21/7/2015, ông Kiêm xin từ nhiệm và Đại hội đã bầu ông Võ Minh Tuấn vào vị trí Chủ tịch HĐQT. Nguyên chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Phạm Hữu Phú, người đảm nhiệm vị trí này từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2014 cũng không nắm cổ phiếu nào của Sacombank. Ông Phú được Eximbank cử sang Sacombank làm đại diện phần vốn sở hữu, được bầu vào HĐQT. Ở thời điểm đó, Eximbank nắm tỷ lệ 9,73% cổ phần tại Sacombank.

Trong khi đó, ở một số nhà băng khác, chủ tịch HĐQT là người nắm tỷ lệ cổ phần nhất định của ngân hàng. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2016 của ACB, tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy là 3,07%. Hai thành viên HĐQT là ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy nắm tỷ lệ cổ phần tại ACB lần lượt 1,76% và 1,17%. Hai cổ đông nước ngoài là Standard Chartered và Quỹ Dragon Capital nắm lần lượt 6,23% và 6,81% cổ phần của ACB.

Tại VPBank, Chủ tịch HĐQT - ông Ngô Chí Dũng nắm 4,13% cổ phần của Ngân hàng. Hai Phó chủ tịch HĐQT của Ngân hàng là Bùi Hải Quân và Ngô Bằng Giang nắm giữ lần lượt 1,43% và 0,13% cổ phần VPBank. Trưởng Ban kiểm soát của VPBank là Nguyễn Quỳnh Anh nắm tỷ lệ 3,63% cổ phần ngân hàng này. Ngoài ra, còn có 2 cổ đông tổ chức là Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Việt Hải và CTCP Đầu tư Việt Hải nắm tỷ lệ cổ phần tương đối lớn của VPBank, lần lượt 2,29% và 1,99%.

Tại VIB, tính đến 31/12/2015 ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng nắm giữ gần 24,2 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 4,99% vốn điều lệ của VIB. Cổ đông chiến lược nước ngoài là Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) và CTCP Đầu tư và Thương mại hệ thống Quốc tế (Nettra) nắm giữ lần lượt 20% và 15% cổ phần tại VIB.

Sau đợt tăng vốn từ 3.098 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng trong năm qua, đến cuối năm 2015, ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT VietA Bank nắm 15,82 triệu cổ phiếu, tương đương 4,52% vốn ngân hàng này. Hiện Tập đoàn Việt Phương là cổ đông lớn nhất tại VietA Bank.

Chủ tịch HĐQT thường là người đại diện theo pháp luật, song Chủ tịch cũng chưa hẳn đã là người nhiều vốn nhất. Pháp luật hiện hành chỉ quy định Chủ tịch HĐQT do HĐQT bầu ra, mà không hề nói người được bầu đó là ai, có phải là người nhiều vốn nhất hay không. Sở hữu nhà băng tại Việt Nam, vì thế rất đa dạng, nhiều “ông chủ” thực sự không xuất hiện với tư cách người lãnh đạo cao nhất ngân hàng.        

Tin bài liên quan