Nới room là để đón bắt cơ hội hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài

Nới room là để đón bắt cơ hội hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài

Mục sở thị những doanh nghiệp đầu tiên nới room

(ĐTCK) Thực hiện quy định nới room tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP hiện còn không ít vướng mắc, khiến nhiều doanh nghiệp e ngại. Tuy nhiên, thực tế tại những doanh nghiệp đã áp dụng tỷ lệ room tối đa 100% cho thấy, chưa thấy bất tiện nào phát sinh.

Chưa thấy “mặt trái”

“Sau hơn 3 tháng thực hiện nới room lên 100%, mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế tại CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ thay đổi nào so với trước khi nới room. Gần đây, nhà đầu tư nước ngoài liên hệ làm việc với Ban lãnh đạo Công ty để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tăng so với trước, nhưng chúng tôi không khẳng định được đó có phải do tác động của việc VHC nới room hay không”, Tổng giám đốc VHC, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm chia sẻ. Theo bà Tâm, sau khi nới room, số lượng cổ phiếu VHC được nhà đầu tư ngoại giao dịch tăng lên, nhưng không đáng kể.

Thực tế, VHC chưa cảm nhận được “mặt trái” của quy định nới room (nếu có) cũng là điều dễ hiểu, bởi chốt ngày 23/5, nhà đầu tư nước ngoài mới sở hữu 31,32% cổ phần của VHC. Trong khi đó, theo quy định của Luật Đầu tư, khi nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, thì doanh nghiệp sẽ được đối xử như nhà đầu tư nước ngoài trong các hoạt động về đầu tư, đăng ký kinh doanh...

“VHC nới room là để đón bắt cơ hội hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai, chứ hiện tại, với việc Chủ tịch HĐQT Công ty sở hữu 50% vốn điều lệ, thì khả năng để VHC trở thành nhà đầu tư nước ngoài là chưa diễn ra”, bà Tâm nói và cho biết, hiện nhà đầu tư nước ngoài duy nhất tham gia HĐQT VHC là Red River Holding.

Trả lời câu hỏi, liệu Chủ tịch HĐQT VHC cũng như các cổ đông Việt Nam khác hiện có sẵn sàng thoái vốn để mở đường cho Công ty trở thành nhà đầu tư nước ngoài, bà Tâm cho rằng, điều này tùy thuộc vào quyết định của các cổ đông.

Đối với CTCP Everpia (EVE) - doanh nghiệp hiện có tỷ lệ room nước ngoài trên 51%, ông Lee Jae Eun, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc EVE cho hay, mọi hoạt động của Công ty, từ quyết toán thuế, thủ tục triển khai dự án, cho đến hoạt động xuất nhập khẩu… đều diễn ra giống như khi nhà đầu tư nước ngoài sở hữu dưới 51% cổ phần.

“Chúng tôi chưa thấy có bất kỳ sự thay đổi, hay sự bất tiện nào phát sinh kể từ sau khi Công ty áp dụng tỷ lệ nới room lên 100%. Ngược lại, sau khi nới room, thanh khoản cổ phiếu của Công ty tăng tích cực, tính đại chúng của EVE gia tăng với số lượng nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh”, ông Lee Jae Eun nói.

“Chọn rồi thì chấp nhận...”

Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA) nhìn nhận như vậy khi trả lời câu hỏi, AAA đã tiên lượng được rủi ro khi nới room lên 100% hay chưa, nhất là khả năng bị đối xử kém ưu đãi hơn so với nhà đầu tư trong nước khi Công ty trở thành nhà đầu tư nước ngoài.

“Tuy đã nới room lên 100%, nhưng đến nay chúng tôi chưa đánh giá chi li AAA sẽ được gì, mất gì khi cổ đông ngoại sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên. Nếu e ngại nhà đầu tư ngoại thâu tóm, hay Công ty bị đối xử như nhà đầu tư nước ngoài, thì nới room có ích gì?”, ông Dương nói và chia sẻ góc nhìn: nới room hay không là do cổ đông quyết định. Khi vốn trong tay của họ, muốn bán cho ai là quyền của họ. Đến một thời điểm nào đó, khi nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ của AAA trở lên, thì việc doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về đầu tư áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài theo luật định là chuyện đương nhiên, chẳng có gì phải quan ngại.

Xuất phát từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trước khi cổ phần hóa (bán cổ phần cho nhà đầu tư Việt Nam đến 51% để đủ điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM), ông Lee Jae Eun cho biết, khi cổ đông ngoại sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, EVE sẵn sàng tuân thủ các quy định như nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy, do nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, nên sự đối xử của hệ thống luật pháp giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ngày càng ít có sự khác biệt, thậm chí nhiều lĩnh vực sẽ không còn sự phân biệt này trong thời gian tới.

“Tôi nghĩ, bất kể doanh nghiệp hay nhà đầu tư nước ngoài nào vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh, thì cần được đối xử như doanh nghiệp trong nước, vì họ tạo ra công ăn việc làm, đóng thuế tại Việt Nam. Hơn nữa, họ hoạt động trong những lĩnh vực Nhà nước không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì có gì phải phân biệt, đối xử đâu là doanh nghiệp trong nước, đâu là doanh nghiệp nước ngoài”, ông Lee Jae Eun nói.           

Tin bài liên quan