Chỉ cần 1 phiên mất trần, các cổ phiếu này sẽ có nguy cơ rơi vào chuỗi ngày giảm sàn ngược trở lại

Chỉ cần 1 phiên mất trần, các cổ phiếu này sẽ có nguy cơ rơi vào chuỗi ngày giảm sàn ngược trở lại

Mốt đầu tư: Săn cổ phiếu doanh nghiệp “rũ bùn đứng dậy...“

(ĐTCK) Không phải cứ cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, thanh khoản cao mới được nhà đầu tư chú ý, năm 2017 có lẽ là năm của những cổ phiếu mà doanh nghiệp phát hành đã từng ở trong hoàn cảnh khó khăn và đang bắt đầu trở lại.

Câu chuyện HAG – HNG

Từ mức giá thấp nhất khoảng 4.960 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2017, cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã có lúc đạt tới mức giá 10.250 đồng/cổ phiếu (trong phiên giao dịch ngày 23/3/2017) và hiện đang giao dịch ở mức xấp xỉ 9.300 đồng/cổ phiếu.

Đây có lẽ là một cổ phiếu gây ấn tượng lớn cho thị trường, bởi việc tăng giá diễn ra trong bối cảnh chỉ trước đó vài tháng, thị trường còn không thể hiểu HAGL sẽ phục hồi bằng cách nào.

Thế nhưng, dù đã đạt được mức tăng rất ấn tượng trong nửa đầu năm, đà tăng của HAG có vẻ như chưa sẵn sàng dừng lại, khi ngày 11/7/2017, Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) ra báo cáo phân tích với dự báo mức giá hợp lý của HAG là 17.420 đồng/cổ phiếu.

Nếu mức định giá của HSC là chuẩn xác, HAGL sẽ đạt mức tăng giá 251,2% tính từ đầu năm 2017.

Dự án bất động sản của HAG tại Myanmar

Điều gì tạo nên sự kỳ vọng về con sóng thần tăng giá này?

Theo HSC, nhiều khả năng HAGL sẽ báo lãi trở lại trong 6 tháng đầu năm nay, với doanh thu 2.467 tỷ đồng, lãi 217 tỷ đồng trước thuế. Cùng kỳ năm trước, tập đoàn này ghi nhận số lỗ 1.198 tỷ đồng. Cũng theo HSC, doanh thu của HAGL đóng góp chủ yếu từ mảng trái cây (riêng chanh leo khoảng 500 tỷ đồng), bất động sản tại Myanmar, cao su và chăn nuôi.

Dự phóng cả năm 2017, HSC ước tính, HAGL có thể chạm mức 6.963 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế 427 tỷ đồng. Báo cáo của HSC cho thấy, định giá HAG dựa trên việc đánh giá tác động từ tái cấu trúc nợ, bán một số tài sản, nhưng quan trọng hơn là đóng góp của mảng trái cây đã bắt đầu cho doanh thu.

Cổ phiếu HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai cũng có đợt tăng giá tương tự HAG, do HAGL là công ty mẹ sở hữu Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai, còn Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai sở hữu mảng trái cây và các mảng nông nghiệp khác.

Trên thực tế, câu chuyện phục hồi của HAGL đã được râm ran từ đầu năm 2017 ở một số nhóm nhà đầu tư. Trước đó, một số nhà đầu tư đã có cuộc làm việc với doanh nghiệp để tìm hiểu về thực trạng tái cấu trúc nợ cũng như hoạt động kinh doanh mảng trái cây.

Điểm thú vị là, dù khá hào hứng với câu chuyện hồi phục của Công ty, nhưng với những con số ước tính trên trời cho hiệu quả các mảng kinh doanh cũ mà HAGL đã từng công bố, nhà đầu tư lại tỏ ra thận trọng với những ước tính khả quan về mảng trái cây của doanh nghiệp.

Nhiều nhóm nhà đầu tư cho biết, để đi đến quyết định đầu tư, họ đã phải đi thăm trực tiếp vùng trồng nguyên liệu của HAGL, xem hoạt động thu mua, qua cửa khẩu để… đếm xe bán hàng của doanh nghiệp, qua chợ bên Trung Quốc để xác minh giá bán, giao dịch hàng của HAGL…

Với việc truyền tai nhau của giới đầu tư, HAGL được đánh giá là một trong những “big game” (cuộc chơi lớn) của năm 2017 về sự trở lại của một doanh nghiệp. Vẫn có sự phân hóa sâu sắc giữa các nhóm nhà đầu tư: nhà đầu tư nghi ngờ đứng ngoài cuộc theo dõi và nhà đầu tư sau khi tham quan trực tiếp doanh nghiệp đã quyết định bước vào cuộc chơi lớn.

Cần thời gian để trả lời xem liệu đặt niềm tin vào HAGL giai đoạn này có thực sự là quyết định đúng đắn hay không, nhưng diễn biến giá và thanh khoản cổ phiếu HAGL cho thấy dường như, thị trường đang nghiêng về khả năng phục hồi của Công ty.

OGC, PVX, PVL…

1.900 đồng/cổ phiếu là mức giá thấp nhất mà nhà đầu tư có thể có, nếu mua PVX vào ngày đầu tháng 5/2017. Còn kết thúc phiên giao dịch ngày 12/7, giá PVX là 2.700 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 42,1%. Nhưng, đà tăng của PVX có vẻ như vẫn chưa dừng lại, khi kết thúc phiên, cổ phiếu này dư mua hơn 14 triệu, dù đã khớp tới hơn 10 triệu cổ phiếu.

Tương tự như vậy, cổ phiếu PVL của Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí đầu năm 2017 chỉ có mức giá trong khoảng 2.100 - 2.300 đồng/cổ phiếu, đến nay, đã có thời điểm chạm mức 4.900 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 133% so với mức giá thấp nhất. Diễn biến giao dịch của PVL khá thất thường khi có chuỗi 7 phiên tăng giá liên tục (với 6 phiên trần) trước khi giảm sàn liên tục, để rồi lại quay trở lại tăng trần.

Với cổ phiếu OGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương, 12 phiên tăng trần liên tiếp kể từ ngày 23/6 đến hết ngày 10/7, đưa cổ phiếu tăng từ mức 1.430 đồng/cổ phiếu lên 3.130 đồng/cổ phiếu, đủ để khiến bất kỳ nhà đầu tư nào bỏ lỡ cơ hội cũng cảm thấy nuối tiếc. Mặc dù đến hết ngày 12/7, OGC đã có 2 phiên giảm sàn, nhưng cổ phiếu này vẫn mang lại mức sinh lời rất lớn cho những nhà đầu tư đã theo OGC từ trước con sóng và nắm giữ.

“Đại chiến” PVL kết thúc: Trong rác có vàng?

Cổng vào Dự án Tháp Kim Cương của PVL

Câu chuyện với hai doanh nghiệp xây lắp mang thương hiệu ngành dầu khí có lẽ nằm ở tài sản của các công ty, khi cả hai đều sở hữu các dự án bất động sản có giá trị và trong các năm qua, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã trở nên rất bi bét.

Kỳ vọng về một cơ hội tái cấu trúc với sự tham gia của ông lớn mới, với hy vọng phục hồi được hotạt động kinh doanh, biến tài sản đang có thành dự án sống và ra tiền là điều khiến các cổ phiếu này trở thành cái rốn của Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội, dù ai là người tham gia tái cấu trúc, tái cấu trúc bằng cách nào, khi nào có thể thực hiện tái cấu trúc… vẫn là một ẩn số mà các nhà đầu tư thậm chí chưa có chút thông tin nào.

Tương tự đó, câu chuyện của OGC cũng là điều thú vị. Thông tin bán Ngân hàng Ocean Bank cho đối tác nước ngoài khiến nhà đầu tư hào hứng, bởi OGC đã trích lập dự phòng cho khoản này.

Và lịch sử thương vụ bán dự án Nam Trần Duy Hưng với mức lợi nhuận rất lớn đã khiến nhà đầu tư kỳ vọng, OGC có thể sẽ có một cuộc hồi sinh từ trong gian khó, bởi nhiều tài sản đang hạch toán giá thấp, rất có thể sẽ được bán lại cho đối tác bên ngoài với mức giá đủ hời.

Thị trường kỳ vọng như thế, dù chưa nắm được chính xác những tài sản nào có thể bán và phần sở hữu tại Ocean Bank đã bị Ngân hàng Nhà nước tuyên bố mua 0 đồng từ năm 2015!

Sự hấp dẫn của các cổ phiếu này, với đa số nhà đầu tư, mới đơn thuần nằm ở khẩu vị thích cảm giác mạnh. Chỉ cần sau 1, 2 phiên tăng trần, với những tin đồn xuất hiện về khả năng tái cấu trúc, thâu tóm… được rỉ tai, nhà đầu tư ồ ạt mua bán, với kỳ vọng về một khả năng siêu lợi nhuận, mà có thể chưa cần xác minh tin đồn. Đây là lý do chỉ cần 1 phiên mất trần, các cổ phiếu này sẽ có nguy cơ rơi vào chuỗi ngày giảm sàn ngược trở lại, với mức độ bán ra ồ ạt không kém lúc đặt lệnh mua vào trong đợt tăng giá trước đó.

Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tin đồn… thường đúng. Chỉ có một điều, với các thông tin về hoạt động có thật đó, hiệu quả kinh tế thực sự mà doanh nghiệp sẽ đạt được là bao nhiêu lại ít khi chuẩn xác, mà đây mới là yếu tố giúp cổ đông mua vào cổ phiếu không bị … hớ.

Tin bài liên quan