Danh mục cổ phiếu OTC của nhiều CTCK vẫn khó “lộ sáng” với quy định mới - Ảnh: Hoài Nam

Danh mục cổ phiếu OTC của nhiều CTCK vẫn khó “lộ sáng” với quy định mới - Ảnh: Hoài Nam

"Món nợ chục năm" với công ty chứng khoán: Bộ Tài chính trả nợ nửa vời

(ĐTCK) Sau nhiều năm thị trường chờ đợi, quy định về trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán chưa niêm yết (OTC) cũng được Bộ Tài chính ban hành. Tuy nhiên, cơ chế mới này đã bộc lộ không ít bất ổn.

Đã có hướng dẫn dự phòng giảm giá cổ phiếu OTC với CTCK

Cách đây 5 năm, khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 228/2009 hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng công nợ khó đòi, dự phòng giảm giá chứng khoán…, đã loại CTCK, công ty quản lý quỹ (QLQ) ra khỏi các đối tượng được trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán.

Lý do là các CTCK, công ty QLQ được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán, việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán thực hiện theo quy định riêng...

Việc nhiều năm nay, Bộ Tài chính không ban hành văn bản hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC áp dụng cho CTCK, công ty QLQ đã khiến các doanh nghiệp này đối mặt với không ít phiền toán, rủi ro trong hoạt động.

Tuy nhiên, một phần bất cập trên sẽ được giải quyết khi Thông tư 146/2014 hướng dẫn chế độ tài chính đối với CTCK, công ty QLQ, vừa được Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 21/11 tới và được áp dụng kể từ năm tài chính 2014.

Theo quy định mới, mức dự phòng giảm giá chứng khoán được tính theo công thức: mức dự phòng giảm giá chứng khoán = số lượng chứng khoán bị giảm giá tại thời điểm lập báo cáo tài chính x (nhân) với giá chứng khoán hạch toán trên sổ kế toán – (trừ) đi giá chứng khoán thực tế trên thị trường… Đối với chứng khoán niêm yết, chứng khoán đăng ký giao dịch, thì mức giá căn cứ để trích lập dự phòng là giá giao dịch của ngày gần nhất thời điểm trích lập.

Đối với chứng khoán chưa niêm yết và chưa đăng ký giao dịch (OTC), Thông tư 146/2014 quy định: giá chứng khoán làm cơ sở để trích lập dự phòng là mức giá giao dịch trung bình theo báo giá của 3 CTCK có giao dịch tại thời điểm gần nhất, nhưng không quá một tháng tính đến ngày trích lập dự phòng. Trường hợp chứng khoán không có giao dịch thực tế phát sinh trong khoảng thời gian trên, thì không thực hiện trích lập dự phòng.

Để đảm bảo tính trung thực, khách quan của việc trích lập dựa trên báo giá của 3 CTCK, Thông tư 146/2014 quy định: người quản lý, điều hành của CTCK được lựa chọn báo giá và người quản lý, điều hành của CTCK/công ty QLQ nhận báo giá không phải là người có liên quan theo quy định của Luật Chứng khoán.

Cũng theo quy định mới, thời điểm trích lập dự phòng đối với CTCK, công ty QLQ là cuối kỳ kế toán khi lập báo cáo tài chính quý, năm.

Vẫn còn khoảng “mờ”

Việc cho phép trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC, được kỳ vọng sẽ minh bạch khối tài sản, mà như ý kiến của chính những người trong cuộc (CTCK) là hiện có giá trị không nhỏ (tính theo giá trị sổ sách) tại nhiều CTCK. Tuy nhiên, việc Thông tư 146/2014 quy định: trường hợp chứng khoán OTC không có giao dịch thực tế phát sinh, thì không thực hiện trích lập dự phòng..., nhiều chuyên gia quan ngại, sẽ khó làm “lộ sáng” khối tài sản này.

Theo ý kiến của một số CTCK, với quy định: chứng khoán OTC không có giao dịch thực tế phát sinh, thì không thực hiện trích lập dự phòng, sẽ tiếp tục thừa nhận một thực tế, chỉ một phần danh mục chứng khoán OTC được trích lập dự phòng, còn một phần sẽ không được trích lập, do không phát sinh giao dịch.

Trong khi đó, thực tế trong danh mục chứng khoán OTC của nhiều CTCK hiện tại có không ít chứng khoán đã “chết” thanh khoản từ nhiều năm nay, nên theo quy định sẽ không được trích lập. Điều đồng nghĩa danh mục chứng khoán OTC tiếp tục là khối tài sản tiềm ẩn rủi ro, đe dọa tác động tiêu cực đến sức khỏe an toàn tài chính tại CTCK. Đây là bức xúc lâu nay của cổ đông tại các CTCK, NĐT…

Với trường hợp chứng khoán OTC không có giao dịch thực tế phát sinh, lẽ ra, Bộ Tài chính nên cho phép trích lập dự phòng dựa trên giá trị sổ sách của doanh nghiệp mà CTCK đang nắm giữ cổ phiếu, thay vì không được trích lập như quy định mới.

Ở một khía cạnh khác, Thông tư 146/2014 đặt ra yêu cầu chứng khoán OTC không có giao dịch thực tế phát sinh, thì không được trích lập dự phòng. Câu hỏi đặt ra là hiểu thế nào là “giao dịch thực tế phát sinh”?

Với quy định thiếu rõ ràng này, rất có thể sẽ tạo kẽ hở cho CTCK lách luật bằng cách tạo ra các giao dịch ảo, để có cơ sở trích lập dự phòng, phản ánh “méo mó” bức tranh tài chính tại CTCK, tiềm ẩn rủi ro cho cổ đông, NĐT.

Tin bài liên quan