Nhiều cơ hội hợp tác đã mở ra ngay tại Diễn đàn M&A 2015

Nhiều cơ hội hợp tác đã mở ra ngay tại Diễn đàn M&A 2015

Môi trường pháp lý cho M&A đã mở rộng

(ĐTCK) Diễn đàn M&A thường niên lần thứ 7 với chủ đề “Chờ đón sự bùng nổ” được tổ chức chiều 6/8 với sự tham dự của 500 đại diện các DN, tổ chức đầu tư lớn trên thị trường. 

Diễn đàn năm nay có sức hấp dẫn đặc biệt khi diễn ra ngay sau khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực, với những quy định tạo môi trường pháp lý công khai, minh bạch hơn, thuận lợi cho hoạt động M&A. Những chính sách mới sẽ tác động đến hoạt động M&A trong thời gian tới như thế nào đã được các diễn giả trình bày tại phiên 1 với chủ đề “Đối thoại chính sách”. 

“Sẽ giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại nhiều ngành, lĩnh vực”

Ông Đặng Huy Đông,Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành sửa đổi Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN theo hướng: thứ nhất, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước, thậm chí Nhà nước có thể không nắm giữ cổ phần nếu đó là DN mà NĐT quan tâm. Thứ hai là giảm bớt ngành nghề Nhà nước cần nắm giữ cổ phần.

Có một số ngành nghề, lúc đầu cơ quan quản lý e ngại tư nhân tham gia sẽ không đảm bảo được chất lượng như dịch vụ công, nhưng thực tế cho thấy, có những địa phương như Hà Nam quyết định cổ phần hóa 100% công ty nước và sau cổ phần hóa, chất lượng nước tốt hơn, giá thành không tăng. Từ đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo, ở đâu mà NĐT quan tâm thì “mở”, với điều kiện phải đạt tiêu chuẩn và mức giá Nhà nước ban hành, nhằm tránh đảo lộn mức sống người dân. Về cơ bản, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều tăng trưởng tốt, Nhà nước bán vốn cao hơn giá sổ sách, chứng tỏ hàng hóa bán ra là rất tiềm năng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang theo dõi sát tình hình thực hiện 2 luật mới. Về điều kiện gia nhập thị trường, quan trọng là minh bạch và làm rõ các thủ tục. Chúng tôi cố gắng lập danh mục ngành nghề có điều kiện gia nhập thị trường, NĐT có thể tra cứu quyền tiếp cận thị trường ở các ngành nghề khác nhau thông qua công ty luật một cách tường minh, chứ không phải đi hỏi ở các bộ, ngành khác. Hiện nay, văn bản hướng dẫn 2 luật trên đang được trình Chính phủ ban hành, nhưng không vì thế mà cản trở việc gia nhập thị trường của DN. Chúng tôi theo dõi hoạt động đăng ký kinh doanh hàng ngày và nhận thấy sự hưởng ứng rất tích cực của NĐT với luật mới, khi tỷ lệ đăng ký kinh doanh tăng tới 66% so với trước đó.

“Ba thay đổi lớn của luật liên quan đến M&A”

Ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
 

Có 3 thay đổi lớn sẽ tác động đến hoạt động M&A tại Việt Nam. Thứ nhất là sự an toàn cho các khoản đầu tư theo Luật Doanh nghiệp mới sẽ được cải thiện. Việt Nam hiện xếp hạng 116/188 quốc gia về mức độ bảo vệ NĐT, nhưng với luật mới thì thứ hạng này của Việt Nam sẽ tăng lên tương đương các nước ASEAN 6, tức có thể tăng 50 bậc, xếp vị trí 60 - 70 trong bảng xếp hạng nếu các nước khác không có thay đổi. Điều này có tác động mạnh mẽ tới niềm tin của NĐT vào Việt Nam.

Thứ hai, Luật Doanh nghiệp mới không hạn chế thực hiện M&A, sáp nhập các công ty khác loại hình như luật cũ, tức một công ty cổ phần có thể sáp nhập với một công ty TNHH, mà không cần thực hiện thêm bước chuyển đổi loại hình DN.

Thứ ba là sự thay đổi trong Luật Đầu tư, xét về thủ tục thì M&A dễ dàng, đơn giản hơn so với việc NĐT nước ngoài thành lập DN mới. Chẳng hạn, một NĐT nước ngoài thành lập DN phải thực hiện ít nhất 30 thủ tục, nhưng theo luật mới, khi mua cổ phần, góp vốn dưới 51%, không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì họ không phải làm thủ tục đầu tư, mà chỉ cần thực hiện đăng ký thay đổi thành viên. Thủ tục đơn giản hơn sẽ kích thích hoạt động M&A.

“Thúc đẩy DNNN cổ phần hóa và niêm yết trên sàn”

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính
 

Vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, tiến độ cổ phần hóa DNNN còn chậm. Thực tế, do nhiều DN chưa chuẩn bị kỹ cho việc thu hút NĐT chiến lược. Do vậy, Chính phủ đã có giải pháp để DN bán cổ phần thành công và nhất là việc định giá DN, cụ thể giá trị DN tính theo giá trị thị trường. Khi cổ phần hóa, DN được phép tái cơ cấu về tài chính như công nợ, thua lỗ đều được xử lý, đưa về giá trị thực và chỉ bán giá trị thực.

Quan trọng hơn, NĐT cần nắm được phương án sản xuất - kinh doanh của DN, đây là điểm yếu của các DNNN và các đơn vị tư vấn thường phân tích đơn giản, không đưa ra những đánh giá tiềm năng trong tương lai của DN. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Chính phủ về minh bạch thông tin của DNNN. Những NĐT lớn, NĐT chiến lược được phép đến DN để tìm hiểu thực tế hoạt động DN. Bộ Tài chính sẽ giám sát tài chính và công khai chỉ tiêu tài chính, tình hình kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, đưa DN đã cổ phần hóa lên niêm yết nhằm tăng tính thanh khoản cũng như tạo điều kiện để Nhà nước thoái vốn hoặc giảm tỷ lệ sở hữu.

Bộ Tài chính cũng sẽ yêu cầu các DN xây dựng phương án đấu giá phù hợp hơn, đồng thời quy chế đấu giá phải công khai và thực hiện đấu giá qua sàn giao dịch, chứ không phải đấu giá tại DN.

Tin bài liên quan