Mở room không phải là chiếc “chìa khóa vàng” hút vốn ngoại

Mở room không phải là chiếc “chìa khóa vàng” hút vốn ngoại

(ĐTCK) Năm 2015, Nghị định 60/2015/NĐ-CP ra đời cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room) vào các doanh nghiệp (DN) không chịu hạn chế đầu tư lên đến 100%.

Quy định này được kỳ vọng là bước đi đột phá nhằm tăng sức hút của vốn ngoại vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Tuy nhiên, sau 2 năm thực thi cho thấy, mở room không phải là chiếc “chìa khóa vàng” hút vốn ngoại.

Điều quan trọng là chính bản thân DN cần xây dựng cho mình sức hấp dẫn từ nội lực với dòng vốn khắt khe này.

Mở room, chỉ là điều kiện cần

Ngày 19/5/2017, Công ty cổ phần Chứng khoán TP. HCM (HCM) đã hoàn tất các thủ tục mở room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% vốn điều lệ.

Cũng trong phiên giao dịch này, khối ngoại đã mua ròng thêm 233.000 cổ phiếu HCM, đưa tỷ lệ sở hữu vượt 49%, góp phần khiến thị giá tăng trần, thiết lập đỉnh cao nhất từ khi niêm yết đến nay.

Như vậy, sau gần 2 năm Nghị định 60/2015/NĐ-CP đi vào thực hiện, HCM là DN mới nhất trong số gần 30 DN đã trình và được Đại hội cổ đông thông qua phương án nới room. HCM cũng là 1 trong số gần 20 DN đã hoàn tất các thủ tục mở room.

Nghị định 60 được xem là bước đi đột phá, kỳ vọng giúp TTCK Việt Nam tăng sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế, đồng thời đáp ứng một tiêu chí quan trọng để nâng hạng thị trường lên mới nổi như hầu hết các thị trường phát triển hơn trong khu vực.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực thi, số lượng DN chính thức mở cửa cho dòng vốn ngoại vào “thoải mái” còn rất nhỏ so với số DN có cổ phiếu giao dịch trên sàn (xem đồ thị). Riêng năm 2016, dù có hàng chục DN lớn mở room, khối ngoại vẫn bán ròng tới 7.828 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Bên cạnh một số vướng mắc pháp lý, nhất là việc nhiều DN vướng ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chưa thể nâng room, thì một thực tế phải kể đến là số DN trên TTCK thực sự có sức hút dòng vốn ngoại hiện nay không nhiều.

Đây có lẽ là lý do cốt lõi khiến Ban lãnh đạo tại đa số DN không mặn mà với việc mở cửa đón vốn ngoại. Ở các DN này, sở hữu nước ngoài chưa có hoặc rất thấp, mở nữa cũng bằng không.

Hơn 700 DN đang niêm yết hiện nay mới có gần 20 DN đã hoàn tất mở room. Tuy nhiên, 20 DN tiên phong này không phải vốn ngoại đều hào hứng, mà thực tế có chưa đầy 10 DN được nhà đầu nước ngoài mua vượt 51%, tức mở room đem lại hiệu quả gia tăng dòng vốn ngoại.

Đối với nhóm DN chưa mở room, thống kê cho thấy, hiện có chưa đầy 35 mã có tỷ lệ sở hữu khối ngoại đang kín (hoặc còn dư lại không đáng kể). Nhiều DN tuy đã hoàn tất mở room như FTS, VHC, NVT, PAN…, nhưng tỷ lệ sở hữu nước ngoài chưa từng vượt mốc 51%. Việc mở room tại những DN này được xem là bước đi trước đón đầu, chuẩn bị nền tảng để vốn ngoại có thể tham gia bất cứ lúc nào, hơn là đem lại ý nghĩa trong ngắn hạn.

Tại sao TTCK Việt Nam được đánh giá là có sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư nước ngoài khi nền tảng vĩ mô ổn định, định giá cổ phiếu hấp dẫn hơn so với nhiều thị trường trong khu vực (Malaysia có chỉ số P/E là 19,5 lần, Indonesia là 24,5 lần, Philippines là 21,3 lần…), nhưng số DN được khối ngoại rót vẫn hạn chế? Câu trả lời nằm ở sức hấp dẫn từ nội lực của DN.

Vốn ngoại không chọn chảy vào DN “thường thường”

5 tháng đầu năm 2017, khối ngoại tập trung mua vào một số cổ phiếu nhất định, thay vì trải rộng, qua đó tạo khoảng cách lớn tại nhóm này so với thị trường chung.

Những cái tên trong danh sách dẫn đầu như VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, CTD của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons, VJC của Vietjet… đều là những DN đầu ngành, nền tảng tài chính tốt, thương hiệu, đội ngũ nhân sự mạnh.

Trong khối DN đã kịch room 51% nhưng chưa thể thực hiện mở rộng do còn vướng mắc ngành nghề kinh doanh như FPT, REE, PNJ…, chỉ cần hở room là tiền ngoại nhanh chóng tràn vào lấp đầy trở lại. Họ sẵn sàng mua với giá cao hơn thị giá để được sở hữu các mã lớn. Rõ ràng, với những DN này, khối ngoại ưa thích không phải vì room, mà vì nội lực của DN.

Trả lần trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây về những khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu M&A tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc M&A của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt chia sẻ, nhà đầu tư nước ngoài vốn thận trọng và đòi hỏi sự minh bạch rất cao.

Việc hệ thống sổ sách kế toán của DN không đầy đủ sẽ làm kéo dài thời gian thực hiện thẩm định để đạt đến sự tin cậy và thúc đẩy quyết định rót vốn.

Mở room không phải là chiếc “chìa khóa vàng” hút vốn ngoại ảnh 2

Nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến các tài sản hữu hình như nhà xưởng, máy móc thiết bị mà còn quan tâm đến các giá trị vô hình như trình độ quản lý, hệ thống vận hành, đội ngũ nhân sự… của bên bán. Chỉ khi DN đủ tiêu chuẩn, vốn ngoại mới chọn lựa chảy vào.

Trong khi đó, trên TTCK Việt Nam, mức độ tuân thủ pháp luật và sự minh bạch của nhiều DN còn yếu. 5 tháng đầu năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt nhiều DN vi phạm công bố thông tin, các Sở Giao dịch chứng khoán cảnh báo tình trạng DN có báo cáo tự lập chênh lệch số liệu lớn với báo cáo kiểm toán. Thị trường cũng tồn tại một số nghi án về việc "rút ruột" công ty.

Nhiều báo cáo dù đã được kiểm toán nhưng sau đó vẫn xuất hiện sai sót trọng yếu, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của DN. Mùa đại hội đồng cổ đông 2017, một lần nữa câu chuyện lãnh đạo DN chưa quan tâm đến quyền và lợi ích, đối xử công bằng với cổ đông, những đại hội tổ chức cho đủ thủ tục hay những trả lời chất vấn “cho có”… không phải hiếm gặp. Nhà đầu tư nội còn khó tin nhau, còn để đạt được niềm tin của khối ngoại, các DN cần phải cố gắng nhiều.

Mở room không phải là chiếc “chìa khóa vàng” hút vốn ngoại ảnh 3

Việc mở room sẽ tạo điều kiện pháp lý giúp DN tìm kiếm đối tác nước ngoài để nâng cao năng lực về vốn, về quản trị và vấn đề công nghệ. Tuy nhiên, đây mới là một nửa vấn đề. Sự phấn khích của thị trường nhanh chóng qua đi nếu việc mở room tại các DN không sớm đem lại lợi ích thực tế, tức thu hút được dòng vốn ngoại.

Cái gốc vẫn là chính bản thân DN phải chuẩn, phải chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của người mua mới có thể khiến cho cổ phiếu “đắt hàng”. Nếu “điều kiện đủ” này không đáp ứng được thì mở room dù được hỗ trợ đến đâu cũng trở nên không giá trị.

Theo bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư SSIAM, DN chỉ thực sự hấp dẫn khi xây dựng được lợi thế cạnh tranh bền vững, thị phần lớn, năng lực quản trị tốt, tình hình tài chính vững mạnh, có khả năng hoạt động ngay cả trong điều kiện thị trường không thuận lợi, có sự minh bạch và có trách nhiệm với môi trường, xã hội.

Còn ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Stoxplus nhận xét, nới room chưa hẳn là giải pháp hấp dẫn vốn ngoại, nếu DN đó chỉ có quy mô nhỏ với tiềm năng tăng trưởng bình thường.

Nhà nước, cơ quan quản lý có thể hỗ trợ những thủ tục pháp lý, những vướng mắc, môi trường cạnh tranh, tuy nhiên để thực sự thu hút vốn ngoại thì room mới là điều kiện kỹ thuật, tự thân DN phải có sức hấp dẫn từ nội lực, có khả năng đem đến giá trị cho các cổ đông hiện hữu và cổ đông tương lai.

Tin bài liên quan