Giá điện giờ cao điểm vẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Giá điện giờ cao điểm vẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Méo mặt với giá điện, doanh nghiệp thủ đô đòi điều chỉnh

Hơn 100 doanh nghiệp tại Hà Nội đã kiến nghị điều chỉnh giá điện giờ cao điểm buổi sáng để khuyến khích sản xuất.

Trong 1 tháng qua, Sở Công thương Hà Nội đã nhận được nhiều kiến nghị của các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện phản ánh về các bất hợp lý gây khó khăn trong quá trình thực hiện giá điện mới theo Thông tư 05.

 

Công ty Xi măng Sài Sơn cho biết, việc tăng giá điện và cách tính theo giờ cao điểm hiện nay khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và đề nghị giảm số lượng giờ cao điểm hàng ngày đi 1h và có thể tính thêm giờ cao điểm vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật.

 

Công ty Xuất nhập khẩu DHA bày tỏ, mỗi ngày, do sản xuất 1 ca nên Công ty có 3 tiếng sản xuất trong giờ cao điểm. Tiền điện sẽ phải tăng thêm 40%. Hàng tháng, Công ty chi khoảng 100 triệu đồng tiền điện, tăng thêm 40 triệu đồng/tháng và cả năm mất thêm 500 triệu đồng. Công ty hiện sử dụng trên 2.000 lao động nữ, nên không thể chuyển sản xuất vào ban đêm.

 

TIN LIÊN QUAN

* Cục Điều tiết điện khuyên doanh nghiệp sản xuất vào... Chủ nhật

* Chi phí DN tăng 2,26-22,6% do giá điện mới

* Gỡ khó giá điện cho doanh nghiệp: Phải chờ qua 1/4

* EVN nói gì về Giờ cao điểm  tính giá điện?

* Sẽ kiểm tra tác động của Giờ cao điểm  tính giá điện

* Giá điện Giờ cao điểm: Sẽ tháo gỡ cho từng đối tượng

* Doanh nghiệp lo đối phó với giá điện tăng

* Tính giá điện mới: lượng điện tiêu thụ tính theo 7 bậc

Trong khi đó, báo cáo Bộ Công thương sau khi kiểm tra 10 doanh nghiệp tại Tiền Giang, Long An và Hà Nội, Cục Điều tiết điện lực khẳng định, tác động của cơ chế giá điện giờ cao điểm tới các doanh nghiệp sản xuất là không lớn.

 

Các doanh nghiệp có thể khắc phục bằng việc tổ chức lại sản xuất, bố trí ca làm việc vào ngày Chủ nhật hoặc giờ thấp điểm, cơ quan này khuyến nghị.

 

Ông Phạm Trung Sơn, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội lại có ý kiến ngược lại với đánh giá trên. Ông Phạm Trung Sơn vẫn khẳng định, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn đều kêu việc tăng giá điện có ảnh hưởng lớn, đặc biệt là cơ chế giá điện giờ cao điểm buổi sáng.

 

Ông Sơn nói, nếu doanh nghiệp phải dừng 2 tiếng buổi sáng để tránh giờ cao điểm thì sẽ giảm sản lượng sản xuất, giảm năng suất lao động rất lớn. Còn theo lời khuyên của Cục Điều tiết điện lực là bố trí lại sản xuất vào giờ thấp điểm, ngày nghỉ, việc khắc phục này cũng rất khó khả thi. Công nhân chỉ có thể đi làm sớm hơn một chút.

 

Còn nếu chuyển hoạt động sản xuất tập trung vào ca 3, ban đêm thì chi phí sản xuất còn tăng lớn hơn. Giờ ca 3 tuy giá điện thấp nhất nhưng năng suất lao động khó đạt được, người lao động sẽ rất vất vả, chưa kể, kéo theo việc doanh nghiệp phải có chính sách trả thêm tiền làm ca 3, chế độ bồi dưỡng ăn uống, đi lại cho công nhân.

 

Tỷ trọng các doanh nghiệp sản xuất 1 ca của Hà Nội là rất lớn, khoảng 60% trên địa bàn. Ông Sơn cho hay, trước đây, do khủng hoảng kinh tế, thị trường bị thu hẹp, các doanh nghiệp cũng đã phải tổ chức lại sản xuất, tính toán kỹ để giảm giá thành, trụ vững trước khó khăn.

 

Cơ chế giá điện cao điểm sáng nếu có tránh được sang giờ khác thì vẫn làm giá thành sản phẩm tăng lên. Tại Hà Nội, các doanh nghiệp cơ khí, dệt may, da giầy là tác động lớn nhất. Ví dụ như cơ khí Xuân Hoà, Việt Tiệp, giày Thượng Đình, Thuỵ Khuê, Dệt 19-5, ông Sơn kể.

 

Theo ông Phạm Trung Sơn, Nhà nước nên bỏ giờ cao điểm buổi sáng mà nên áp dụng giờ cao điểm toàn bộ vào buổi tối như trước đây là hợp lý.

 

Sở Công thương đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét những khó khăn này, có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.