Mất hiệu ứng MSCI, dòng tiền có chùn bước?

Mất hiệu ứng MSCI, dòng tiền có chùn bước?

(ĐTCK) Ngày 21/6, MSCI đã công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường. Trong đợt công bố danh mục này, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh mục xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Vì sao TTCK Việt Nam chưa nâng hạng?

Việc TTCK Việt Nam chưa lọt vào danh mục thị trường mới nổi theo xếp hạng của MSCI trong đợt công bố này không quá bất ngờ. Bởi theo những tiêu chí để được nâng hạng thì Việt Nam vẫn còn thiếu một vài yếu tố. Trong đó, giới hạn sở hữu nước ngoài và vấn đề hạn chế quyền của nhà đầu tư nước ngoài là mối quan tâm của MSCI khi đánh giá thị trường.

Thực tế, đã 2 năm trôi qua kể từ khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép nới room cho nhà đầu tư nước ngoại lên 100%, mới chỉ có 19 doanh nghiệp thực hiện nới room, con số rất nhỏ so với hơn 700 cổ phiếu niêm yết.

Hơn nữa, việc công bố thông tin bằng tiếng Anh cũng được nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng và cần được quan tâm hơn. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền bình đẳng về thông tin đối với nhà đầu tư nước ngoài, giúp các quỹ đầu tư ngoại tiếp cận thị trường dễ dàng hơn và có những đánh giá xác thực hơn trong quá trình đầu tư.

Chưa kể, vấn đề tự do hóa thị trường ngoại hối là một trở ngại lớn và không thể đạt được trong một thời gian ngắn và đây là trở ngại chính yếu với nâng hạng thị trường.

Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), những vấn đề nêu trên tuy chưa thể giải quyết ngay, nhưng có thể được cải thiện dần với sự hợp tác và nỗ lực của các cơ quan quản lý và các thành viên tham gia thị trường.

MSCI sẽ ghi nhận những cải thiện đáng kể mà họ quan sát được, đồng thời hỗ trợ tư vấn về những thay đổi cần thiết. Trong đó, thị trường chứng khoán phái sinh sắp được ra mắt trong thời gian tới đây cũng được kỳ vọng sẽ giúp hoàn thiện hơn thị trường chứng khoán Việt Nam, cung cấp cho nhà đầu tư thêm nhiều công cụ phòng ngừa rủi ro cũng như đầu tư sinh lời và tác động tích cực tới quá trình đánh giá nâng hạng.

Tuy nhiên, trong những đánh giá chi tiết, có một điểm MSCI ghi nhận có sự thay đổi theo hướng tích cực đối với Việt Nam là khả năng chuyển nhượng. Nhưng MSCI vẫn giữ nguyên quan điểm cần tiếp tục cải thiện.

Một điểm MSCI đánh giá có phần tiêu cực hơn so với kỳ đánh giá năm 2016, đó là mục Quyền bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, ngoài việc giữ nguyên nhận xét giống như trong năm 2016, MSCI đưa thêm quan điểm: “quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nói riêng”. Tuy nhiên, nhà quản lý TTCK Việt Nam không cho là như vậy.

Cũng trong kỳ đánh giá này, MSCI đã quyết định đưa chứng khoán Trung Quốc vào các chỉ số thị trường mới nổi nhờ những cải thiện tích cực của thị trường chứng khoán nước này, bao gồm chương trình kết nối hai sở giao dịch chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải.

Theo SSI, mấu chốt giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc được nâng hạng là mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối. Tín hiệu có thể thấy trước đó là đồng Nhân dân tệ được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công nhận là một đồng tiền trong rổ SDR vào tháng 9/3016.

Đồng VND gần như không thể được IMF cho vào rổ SDR. Nhưng nếu thị trường ngoại hối thực sự thông thoáng hơn, chắc chắn, MSCI sẽ thay đổi quan điểm với Việt Nam.

Những thay đổi đó nếu được ghi nhận trong đánh giá hàng năm sẽ có tác động đến kỳ vọng được nâng hạng và có ảnh hưởng ngay đến dòng vốn nước ngoài mà không chờ đến khi Việt Nam được nâng hạng.

Dòng tiền vào thị trường không ảnh hưởng

Trong suốt thời gian qua, hầu hết các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ tại Việt Nam đều dự báo là thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thể được thêm vào danh sách xem xét nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong năm 2017 này.

Ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maritime (MSI) cho rằng, công bố mới này không tác động nhiều đến chỉ số chứng khoán trong nước cũng như dòng tiền vào thị trường. Nếu có cũng chỉ là tâm lý nhà đầu tư hoặc một nhóm nhỏ các nhà đầu tư đã mua vào cổ phiếu trước đó để tận dụng cơ hội nâng hạng thị trường.

“Việc MSCI đưa ra các đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là một cơ hội cho các cơ quan chức năng, thành viên thị trường và các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện và điều này sẽ giúp thị trường phát triển bền vững về dài hạn” ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, dòng vốn vào thị trường phụ thuộc vào nền tảng kinh tế vĩ mô và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang phục hồi ổn định, cùng với các chính sách cải cách môi trường kinh doanh là nền tảng cho các doanh nghiệp tăng trưởng.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, gắn IPO với lên sàn chứng khoán. Thị trường chứng khoán Việt Nam vì thế vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại.

Tin bài liên quan