Masan, FPT, Vinamilk...: Những đế chế “tỷ đô”

Masan, FPT, Vinamilk ... - “những con tàu tỷ USD” đang đặt mục tiêu trong tương lai không xa sẽ được công nhận trên toàn cầu và trở thành niềm tự hào của Việt Nam thông qua việc tạo dựng một mô hình kinh doanh thành công độc đáo ở châu Á.

1. Cách đây 20 năm, “con tàu” Masan rời “bến” để bắt đầu cuộc hành trình của mình bằng việc kinh doanh thực phẩm tại thị trường Đông Âu. Trong nhiều năm qua, Masan gọi đây là “Masanship”, biểu trưng cho niềm đam mê, nhiệt huyết và tầm nhìn của họ.

Vào những ngày đầu của Masan, nhóm người cùng nhau thành lập công ty là những thanh niên Việt vừa giành được học bổng đi du học ở Đông Âu. Họ có cơ hội được chứng kiến một thế giới thay đổi nhanh chóng và không muốn chỉ khoanh tay đứng nhìn, hoặc an nhiên tận hưởng làn sóng tự do hóa kinh tế đang xảy ra xung quanh. Họ muốn trở thành nhân tố dẫn dắt sự thay đổi để kiến tạo giá trị, và trở thành những doanh nhân.

.

Tuy đạt được sự thành công ở nước ngoài, nhưng những thành tích của Masan vào thời điểm ấy vẫn còn thiếu một điều gì đó, chỉ mang chút ít tự hào nho nhỏ. Masan không quên những nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn của người Việt Nam nơi quê nhà. Năm 2002, Masan tung ra nhãn hàng nước chấm Chin-su ở thị trường nội địa, đặt bước chân nhỏ đầu tiên trong cuộc hành trình vạn dặm phục vụ gần 90 triệu người tiêu dùng Việt và theo đuổi những mục tiêu  lớn hơn. Kể từ đó, Masan đã dẫn dắt sự thay đổi trong nhiều thị trường khác nhau, từ mảng thực phẩm và đồ uống đến chuỗi giá trị đạm động vật của Việt Nam, thậm chí cả thị trường vonfram toàn cầu.

Sau 20 năm, Masan Group đã trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam, tập trung kinh doanh hàng tiêu dùng, với vị thế dẫn đầu thị trường trong nhiều ngành hàng. Mục tiêu năm 2020 của Masan là “được công nhận trên toàn cầu, trở thành niềm tự hào của Việt Nam thông qua việc tạo dựng một mô hình kinh doanh thành công độc đáo ở châu Á”.

Đối với Masan, thành công nghĩa là đạt được giá trị vốn hóa thị trường bằng 10% GDP (tương đương khoảng 20 tỷ USD) vào năm 2020. Mục tiêu này có vẻ ảo tưởng, nhưng cách đây 10 năm Masan đã đặt ra mục tiêu 1 tỷ USD và đã đạt được trong năm 2011, còn mục tiêu 5 tỷ USD, thì năm 2015, Masan cũng đã đạt được qua giao dịch với Singha (Singha là công ty thành viên của Tập đoàn Boon Rawd Brewery, một hãng bia lớn nhất tại Thái Lan với 59% thị phần trên thị trường bia Thái).

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan cho rằng, mục tiêu này không quá “dại khờ”, mà chỉ là cách nhìn khác biệt. Bởi lẽ, trong khi nhiều người vẫn xem Việt Nam là một nước nghèo, thì Masan lại nhìn Việt Nam như một đất nước rất giàu về nguồn tài nguyên, nguồn nhân lực.

2. “Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” là chủ đề chính tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, diễn ra hồi đầu năm 2016. Có mặt tại đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT càng tin vào con đường mà FPT đang đi. Theo ông, FPT may mắn được tham gia ngay từ giai đoạn kiến tạo của cuộc Cách mạng này. FPT đã và đang hợp tác với những tập đoàn công nghệ dẫn dắt cuộc cách mạng số và ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu, đặc biệt là trong mảng công nghệ S.M.A.C và Internet vạn vật.

.

Năm 2016, FPT đổi mới để tăng trưởng theo mô hình tổ chức theo hướng của các tập đoàn toàn cầu. “Cá nhân tôi vừa phấn khích với những đổi mới đang diễn ra và đích tập đoàn toàn cầu ngày một gần hơn, nhưng cùng với đó là những thách thức vô cùng lớn từ yêu cầu của khách hàng, năng lực cạnh tranh, quản trị quy mô lớn. Song chúng tôi hiểu thách thức đó và quyết chí vượt qua. Tôi tin vào sức mạnh từ việc phát huy tối đa tiềm lực của mỗi người FPT”, ông Trương Gia Bình gửi thông điệp niềm tin tới các cổ đông của FPT.

Cùng với đó, quá trình hội nhập của Việt Nam đang ngày càng ngấm sâu vào tư duy của các doanh nhân. Thaco Group là một ví dụ. Năm 2016 là năm thứ 2 của chiến lược phát triển 3 năm 2015 - 2017, chuẩn bị cho hội nhập khu vực ASEAN vào năm 2018 của Thaco. Thaco phải kiến tạo những giá trị cơ bản cho hội nhập, với mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành với sản xuất và kinh doanh ô tô là chủ đạo và là doanh nghiệp Việt có vị trí hàng đầu trong khu vực.

3. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), dù là doanh nghiệp tỷ USD nhiều năm nay, nhưng bước vào năm 2016, trong tiến trình tiếp tục đổi mới và hội nhập của kinh tế Việt Nam, đặc biệt, khi Hiệp định TPP có hiệu lực, sẽ mở ra nhiều cơ hội và tất nhiên là cũng không ít thách thức. Vinamilk buộc phải trở thành công ty sữa số một trên thị trường Việt Nam trong khoảng thời gian ít nhất là 5 năm tới.

Doanh số tại thị trường quốc tế cũng phải chiếm 50% so với doanh thu nội địa trong vòng 5 năm tới. Ngoài ra, Vinamilk sẽ là một công ty kinh doanh đa ngành nghề hoạt động trên nền tảng các lợi thế cạnh tranh sẵn có trong 2 - 3 năm tới.

Tuy nhiên, muốn có tên trên bản đồ thế giới, Vinamilk buộc phải có mặt trong bảng 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm cao từ lãnh đạo và nhân viên của Vinamilk.

4. Người Việt có thu nhập chỉ bằng 1/10 thu nhập của người Mỹ, nhưng phải chấp nhận rất nhiều dịch vụ có mức giá tương đương; Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, nhưng lại trồng những giống cà phê có giá trị thấp và uống cà phê có chất lượng tệ nhất; Nước mắm là “quốc hồn, quốc túy” của Việt Nam, nhưng ở nước ngoài, chúng ta chỉ có thể tìm thấy các nhãn hiệu không phải của Việt Nam.

Có lẽ chính bởi những bất cập đó, khi trở thành nỗi đớn đau đã tạo nên động lực mạnh mẽ cho thế hệ doanh nhân mới nổi của Việt Nam, bởi nhận ra được sự bất cập, mới có thể tạo nên sự hợp lý và phải biết đớn đau mới có thể òa vỡ trong hạnh phúc.

Tin bài liên quan