Margin kiểu “không cho chơi với ông hàng xóm”

Margin kiểu “không cho chơi với ông hàng xóm”

(ĐTCK) Hơn một tháng kể từ khi Thông tư 07/2016/TT-BTC chính thức có hiệu lực, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về câu chuyện dòng tiền trên TTCK sẽ chững lại vì quy định “CTCK không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc khách hàng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba”.

Chia sẻ với ĐTCK, lãnh đạo cấp cao một CTCK có uy tín trên thị trường cho biết, nhìn bề mặt, tưởng chừng quy định này không ảnh hưởng tới dòng tiền margin trên thị trường, khi đa phần nguồn vốn cho vay ký quỹ đến từ vốn tự có của CTCK. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn vốn đến từ ngân hàng lại có vai trò khá quan trọng.

Ngoài việc bổ sung nguồn vốn vay cho thị trường và hỗ trợ cho CTCK trong một số nghiệp vụ hợp tác cho vay khác, chẳng hạn như bảo lãnh thanh toán cho NĐT với các giao dịch trong ngày, thì phần nhiều hơn cả trong câu chuyện là việc TTCK Việt Nam thường có sự “nhạy cảm” quá lớn đối với bất kỳ quy định nào liên quan đến dòng tiền, dù cho việc ban hành đó đến từ phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay Ngân hàng Nhà nước.

"Việc cấm CTCK dùng tiền, tài sản của mình hoặc khách hàng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba, ở đây có thể hiểu chính là các ngân hàng thương mại, giống như kiểu cấm chơi với ông hàng xóm vì nhà ông hàng xóm đang có chuyện này, chuyện nọ".

Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi nhìn lại lịch sử của TTCK. Chẳng hạn, vào năm 2008, khi VN-Index liên tục lập đỉnh và dòng tiền đang ào ạt đổ vào TTCK thì việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố siết chặt chính sách tiền tệ đối với bất động sản, chứng khoán khiến chỉ số này lao dốc không phanh, mất gần 60% điểm số chỉ trong vòng vài tháng.

Đến năm 2009, sau khi thị trường khởi sắc phần nào nhờ NHNN hạ lãi suất cơ bản từ 8,5%/năm xuống 7%/năm cùng lúc với Chính phủ tung ra gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4%/năm thì một lần nữa, chỉ số chứng khoán Việt Nam lại mất trên 30% giá trị trong vòng 2 tháng khi lãi suất cơ bản được tăng trở lại. Gần 4 năm sau, kịch bản này lặp lại, VN-Index “đánh rơi” gần 100 điểm khi NHNN ban hành Thông tư 36/2014, trong đó có quy định hạ trần tỷ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trên tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng từ 20% xuống còn 5%.

Trở lại câu chuyện của Thông tư 07/2016, sau khi có nhiều ý kiến lo ngại về tác động tiêu cực với TTCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có lời giải thích trấn an tâm lý nhà đầu tư, giúp thị trường ít biến động. Thế nhưng, nếu để ý kỹ hơn, có thể thấy, kể từ khi Thông tư 07 có hiệu lực, thanh khoản của thị trường và diễn biến của hai chỉ số chứng khoán chính gần như chững lại. Trong khi thanh khoản chỉ quẩn quanh mức 2.000 tỷ đồng/phiên, thì VN-Index cũng không tìm ra được “động lực” để vượt qua ngưỡng tâm lý 580 điểm, dù 2 tháng trước đó, chỉ số này đã tăng trưởng khá đều đặn.

Một số ngân hàng lớn đã dừng giải ngân các khoản hợp tác cho vay ba bên với NĐT và CTCK để đảm bảo tuân thủ Thông tư 07. Và để giữ mình trong bối cảnh TTCK trầm lắng, cả nhà đầu tư và CTCK sẽ phải hạ tỷ lệ margin xuống mức tối thiểu để hạn chế những rủi ro không cần thiết.

Điều này, nhìn dưới góc độ của CTCK sẽ bất lợi nhiều hơn có lợi, bởi với phần lớn CTCK trên thị trường, nguồn sống chủ yếu vẫn là từ nghiệp vụ môi giới. Trong đó, thu nhập từ cho vay margin đóng góp trung bình gần 40% doanh thu của các CTCK. Tuy nhiên, đó là con số trung bình của tất cả 80 CTCK còn đang hoạt động, còn nếu ngoại trừ một số CTCK tập trung vào hoạt động tư vấn và thu xếp vốn như VCBS, FPTS, TCBS, SSI…, tỷ lệ này sẽ phải cao hơn rất nhiều. Khảo sát của ĐTCK, tại nhiều CTCK, doanh thu từ hoạt động cho vay margin chiếm đến 80 - 90% tổng doanh thu.

Mục tiêu của cơ quan quản lý khi ban hành Thông tư 07, dưới góc nhìn của một chuyên gia chứng khoán, là lành mạnh hóa hoạt động cho vay margin, nhưng dường như cách làm này có phần đi ngược lại với “khẩu vị” rủi ro của thị trường.

“Việc cấm CTCK dùng tiền, tài sản của mình hoặc khách hàng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba, ở đây có thể hiểu chính là các ngân hàng thương mại, giống như kiểu cấm chơi với ông hàng xóm vì nhà ông hàng xóm đang có chuyện này, chuyện nọ”, vị chuyên gia ví von.

Trong bối cảnh thị trường hiện tại, dòng tiền margin vẫn là yếu tố chính quyết định thanh khoản của thị trường. Trong khi đó, thanh khoản lại là một trong những tiêu chí để Việt Nam có thể được công nhận trở thành thị trường mới nổi trong Bảng xếp hạng của MSCI. Do đó, quản margin sao cho minh bạch, hợp “khẩu vị” thị trường để CTCK không phải làm chui, làm giấu và thúc đẩy dòng chảy vốn theo tín hiệu thị trường  là điều mà các cơ quan quản lý cần phải xem xét vào thời điểm này.

Tin bài liên quan