Theo quy định, các công ty chứng khoán có thể cung cấp mức cho vay bằng 2 lần nguồn vốn chủ sở hữu

Theo quy định, các công ty chứng khoán có thể cung cấp mức cho vay bằng 2 lần nguồn vốn chủ sở hữu

Margin đang chững lại

(ĐTCK) TTCK tăng mạnh luôn đi kèm với margin tăng và theo đó rủi ro cũng tăng. Nhiều công ty chứng khoán cho biết, hoạt động margin sau khi tăng cao nay đã chững lại.

Margin trong tầm kiểm soát

Về tình hình hoạt động margin chung trên thị trường hiện nay, ông Lê Quang Huy, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, lượng margin hiện tại trên thị trường không biến động nhiều so với thời điểm cuối năm 2016 và không đáng lo ngại khi hầu hết các CTCK đã kiểm soát tốt hơn hoạt động này, danh mục margin cũng được các công ty rà soát kỹ.

Nhiều CTCK cho biết, tỷ lệ margin tại công ty hiện đã giảm so với thời điểm đầu năm. Tổng margin trên thị trường hiện nay tương đương, thậm chí giảm nhẹ so với mức đỉnh trong tháng 10/2016. 

Theo ông Huy, dư nợ margin hiện tại của BSC tương đương với thời điểm cuối năm 2016 (hơn 480 tỷ đồng). Trong đó, số lượng cổ phiếu cơ bản vẫn chiếm tỷ lệ margin cao, bản thân BSC cũng như các CTCK khác rà soát danh mục cổ phiếu có chọn lọc hơn trước.

Nằm trong Top CTCK có dư nợ margin lớn, Công ty Chứng khoán  ACB (ACBS) cho biết, dư nợ margin hiện tại của ACBS đang ở mức 1.450 tỷ đồng. Theo ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc ACBS, so với thời điểm “đỉnh” margin (quý III/2016) thì dư nợ margin tại Công ty hiện giảm khoảng 500 tỷ đồng. Tình trạng này cũng tương tự đối với nhiều CTCK trong Top 10.

Thời gian vừa qua, một số CTCK đã phải thực hiện giải chấp khi cho vay một số mã đầu cơ, nhất là với công ty cho khách hàng vay ký quỹ tại thời điểm cổ phiếu có thị giá cao và phải mất nhiều thời gian mới hoàn thành việc giải chấp. Đơn cử trường hợp cổ phiếu CDO của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị đã “rơi” không phanh từ mức giá gần 40.000 đồng/CP (tháng 12/2016) xuống 4.400 đồng/CP (ngày 15/3), khiến cả CTCK lẫn nhà đầu tư phải “đau đầu” để xử lý.

Tuy vậy, xét tổng thể chung của thị trường, hoạt động margin vẫn được đánh giá là an toàn. Với cơ chế áp dụng cho vay margin cũng như cơ chế giải chấp (nếu có), trong trường hợp thị trường đột ngột điều chỉnh, phần lớn nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro nếu sử dụng margin quá cao, nhưng các CTCK không quá lo ngại vì có hệ thống kỹ thuật rất tốt trong việc quản lý các giao dịch và kiểm soát được nguồn cũng như tỷ lệ margin.

Nhiều CTCK cho biết, tỷ lệ margin tại công ty hiện đã giảm so với thời điểm đầu năm. Tổng margin trên thị trường hiện nay tương đương, thậm chí giảm nhẹ so với mức đỉnh trong tháng 10/2016. Quan trọng là danh mục margin của các CTCK đã được cơ cấu và chủ yếu tập trung vào các mã cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt nên không có nhiều rủi ro.

Thực tế, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu được duy trì ở mức cao, chỉ số chứng khoán sau khi tăng điểm trong gần 2 tháng đầu năm có diễn biến đi ngang trên ngưỡng 700 điểm và khối ngoại giao dịch khá tích cực.

Nguồn vốn margin vẫn dồi dào

Dù TTCK đã tăng điểm khá mạnh trong giai đoạn đầu năm, nhưng dòng tiền margin tiếp tục được nhận định là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy giao dịch của thị trường trong năm nay. Không ít CTCK đã lên phương án tăng vốn điều  lệ hoặc phát hành trái phiếu, huy động vốn từ ngân hàng để mở rộng quy mô cho vay giao dịch ký quỹ. Bởi lẽ, margin sẽ vẫn là một trong những nghiệp vụ chủ chốt đối với nhiều CTCK, mang lại nguồn thu không nhỏ.

Theo báo cáo chiến lược năm 2017, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, dòng tiền margin trong 2 năm trở lại đây đã hỗ trợ tích cực cho TTCK. Mức margin bình quân năm 2016 đạt 22.410 tỷ đồng, tăng 45% từ mốc 15.443 tỷ đồng năm 2015, hỗ trợ giá trị giao dịch hàng ngày năm 2016 tăng 17%.

Chứng khoán Rồng Việt nhận định, vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng cho hoạt động margin. Thậm chí, nếu chiếu theo Quyết định 87/QĐ-UBCK quy định về cho vay ký quỹ, các CTCK có thể cung cấp mức cho vay bằng 2 lần nguồn vốn chủ sở hữu. Theo tính toán sơ bộ của CTCK này, Top 10 CTCK có thể cho vay margin tổng cộng 41.208 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với tổng dư nợ margin hiện tại của tất các CTCK trên thị trường.

TTCK tăng mạnh luôn đi kèm với margin tăng và theo đó rủi ro cũng tăng. Tuy vậy, để xác định lượng margin có gây rủi ro cho thị trường hay không thì cũng chỉ mang tính tương đối, chứ không thể dùng số đo tuyệt đối dựa trên việc sử dụng số đo giá trị dư nợ vay/tổng giá trị chứng khoán sở hữu. Hơn nữa, số dư cho vay margin chỉ là những con số có tính chất thời điểm.

Dù dư địa cho nghiệp vụ margin vẫn còn rất lớn, nhưng  các CTCK cho biết, sẽ không cung cấp theo nhu cầu của khách hàng, mà theo hướng chọn lọc.

Tin bài liên quan