Marc Faber “chạm” vào điểm yếu của Việt Nam

Marc Faber “chạm” vào điểm yếu của Việt Nam

(ĐTCK) Sở dĩ cuộc đối thoại của T.S Marc Faber với Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Vũ Bằng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc, với sự điều phối của Giám đốc đầu tư VinaCapital Andy Ho trở nên có sức hút đặc biệt tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam ngày 19/6 là bởi cách Marc “chạm” vào điểm yếu rất thực tại Việt Nam: thủ tục hành chính rối rắm, phức tạp.

Marc Faber: Không ở đâu phức tạp như Việt Nam

“Tôi đã đi khắp thế giới và đầu tư tại rất nhiều nơi, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ở đâu nhiều thủ tục, giấy tờ như Việt Nam”, Marc thẳng thắn nói như vậy. Ông tiếp lời, Việt Nam phải cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, vì sức hấp dẫn và tính thanh khoản của các hoạt động đầu tư, nhất là trên TTCK, sẽ không thể cao được nếu thủ tục đầu tư quá rườm rà. “Cải thiện thủ tục hành chính sẽ chỉ có lợi cho Việt Nam, chắc chắn như vậy”, Marc nói.

Cũng theo TS. Marc Faber, ông cảm nhận một số quốc gia, trong đó có Việt Nam còn mang quan điểm lo người nước ngoài sở hữu hết DN, sở hữu hết nhà ở, nhưng đó là một quan điểm không đúng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, những giới hạn mang tính hành chính ngày càng ít ý nghĩa. Nhà nước nên gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật để tạo điều kiện cho các dòng vốn chảy mạnh hơn, tạo ra của cải cho xã hội và gia tăng giá trị sống cho con người.

Trước nhận xét trực diện của Marc Faber, là người đứng đầu ngành quản lý hoạt động đầu tư gián tiếp, Chủ tịch UBCK chia sẻ, về hạn chế nhà đầu tư nước ngoài trong các DN Việt Nam, chủ trương chung của Chính phủ Việt Nam là từng bước mở rộng, chứ không phải bó hẹp một cách cứng nhắc. “Chính sách của Việt Nam về tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng đã có sự thay đổi theo hướng giảm dần. Chúng tôi tin chính sách này sẽ tiếp tục mở rộng và đổi mới, theo lộ trình đã định hướng”, ông Bằng nói.

Liên quan đến thủ tục hành chính, Chủ tịch UBCK cho biết, trên TTCK không có giấy phép hay thủ tục chấp thuận nào với nhà đầu tư nước ngoài muốn vào đầu tư. Nhà đầu tư ngoại chỉ cần đăng ký để có mã số trên Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, sau khi hoàn thành, là được đầu tư tự do trên TTCK. Hiện TTCK Việt Nam có 1,3 triệu tài khoản, trong đó có 17.000 nhà đầu tư nước ngoài.

Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp, tiếp lời TS. Marc Faber, người đứng đầu Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ, nếu đầu tư gián tiếp chịu sự điều chỉnh bởi tỷ lệ đầu tư tối đa, thì đầu tư trực tiếp lại có nhiều lĩnh vực không hạn chế tỷ lệ đầu tư của khối ngoại. “Ví dụ FPT là một DN công nghệ, có nhiều công ty con. Nếu đầu tư vào FPT - một DN niêm yết, nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế bởi tỷ lệ tối đa 49%, nhưng nếu đầu tư vào một công ty con của FPT, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể là 80%, 90% thậm chí 99% vốn”, Cục trưởng nói.

Ông Đỗ Nhất Hoàng thừa nhận, thủ tục hành chính là một hạn chế lớn của Việt Nam trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, không riêng với đầu tư trực tiếp hay gián tiếp. “Đây là một thực trạng nhức nhối, nhưng Chính phủ đang quyết liệt xử lý. Một tổ công tác giảm thủ tục hành chính đã được thành lập, với người đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, đến nay, thủ tục tại Việt Nam đã giảm 30% và sẽ giảm tiếp trong thời gian tới”, ông Hoàng nói.

Một điểm nữa trong cải cách thủ tục hành chính mà Cục trưởng chia sẻ là việc Việt Nam đang tiến hành xây dựng dự thảo luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Các văn bản luật mới sẽ có quy định rõ về đầu hồ sơ, quy định rõ quá trình thực thi không được phát sinh các giấy tờ khác.

Mặc dù người quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp và gián tiếp tại Việt Nam khẳng định thủ tục hành chính đang được cải tổ, nhưng các doanh nhân dường như đồng cảm với cái nhìn của Marc. Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT nói rằng, một DN trực thuộc FPT, để được nâng vốn hoạt động lên gấp đôi, đã phải chờ mấy tháng để lo thủ tục. Chủ tịch CTCP Cơ điện lạnh, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh cũng thẳng thắn nói thủ tục hành chính như một “vấn nạn” tại Việt Nam. “Nếu nhà đầu tư nước ngoài cần 1 loại giấy thì nhà đầu tư Việt Nam có lúc phải lo đến hàng chục loại giấy tờ mới thông qua được cơ quan chức năng”. Đây chính là cái phanh sự phát triển của DN”, bà Mai Thanh nói.

Phía trước không phải là hoa hồng

Chỉ ra điểm yếu là thủ tục hành chính, sự can thiệp còn nhiều của “bàn tay” Nhà nước, nhưng trong suốt quá trình diễn thuyết của mình, TS. Marc Faber đã phân tích sự chuyển dịch của dòng chảy kinh tế toàn cầu và khẳng định, quyền lực kinh tế đang nghiêng về châu Á. Ông tin vào sức bật của khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

Trao đổi với Marc Faber, TS. Phạm Đỗ Chí nói rằng, ông rất thích bức tranh kinh tế toàn cầu mà Marc đã phân tích, nhưng ông do dự, không biết Marc có lạc quan quá không?.

“Tôi từng tư vấn chính sách phát triển kinh tế Việt Nam cho Chính phủ, nên tôi muốn biết những tư vấn thực tâm của Marc với Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế còn bộn bề khó khăn như nợ xấu, tín dụng ngưng trệ và DN đình trệ sản xuất rất nhiều...”, ông Phạm Đỗ Chí nói.

“Những điều ông nêu ra là vấn đề không của riêng Việt Nam. Nó xảy ra trên toàn cầu. Không ở đâu chỉ toàn hoa hồng”, Marc nói. “Hãy sang châu Âu, xem nền kinh tế của họ có khả năng tăng trưởng không? Đó là chưa kể nhân khẩu học tại đây đang rất không tốt, nợ lớn và xã hội ngày càng co hẹp lại”, Marc đáp lời TS. Phạm Đỗ Chí. Mở rộng tầm nhìn đến các quốc gia trên toàn cầu, có thể thấy rõ, châu Á đang có lợi thế về khả năng tăng trưởng. “Tại nhiều quốc gia châu Á, người dân có ý thức lao động tốt, thậm chí họ ý thức rõ rằng, phải làm việc, không làm việc sẽ đói”, Marc nói.

Chính động lực từ lao động sẽ thúc đẩy khu vực châu Á tăng trưởng và với Marc, thì tốc độ tăng trưởng 5% là tốt, rất tốt. “Khi tôi đến châu Á năm 1973, tôi ấn tượng với đạo đức làm việc của người Nhật và nay vẫn vậy. Ở Đài Loan hay Hàn Quốc, sự phát triển của các nền kinh tế này xuất phát từ sự làm việc chăm chỉ của người dân. Người Việt Nam cũng có tố chất làm việc chăm chỉ, đó là đạo đức làm việc đáng quý. Khi đầu tư, nhà đầu tư luôn muốn tập trung vào những quốc gia có tiềm năng, có dân số lớn, tham vọng. Ở Việt Nam, tôi tin GDP/đầu người sẽ gấp đôi trong vòng 7 - 10 năm”, Marc nói.

Còn bộn bề khó khăn, nhưng Marc vững tin vào triển vọng dài hạn của khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. “Tuy nhiên, để kích thích tăng trưởng, các dòng vốn tư nhân phải chảy mạnh hơn nữa. Chính phủ cần giảm sự can thiệp vào thị trường một cách mạnh hơn nữa, khi đó, các DN và cá nhân sẽ thành thật hơn trong mọi hoạt động kinh doanh và giá trị xã hội gia tăng một cách lành mạnh”, Marc khuyến nghị.  

“Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy kinh tế tư nhân”

Marc Faber “chạm” vào điểm yếu của Việt Nam ảnh 1

Chủ tịch UBCK Vũ Bằng

Chia sẻ với TS. Marc Faber và nhiều nhà đầu tư quốc tế tại Hội thảo, Chủ tịch UBCK nói rằng, Chính phủ có nhiều giải pháp thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Chẳng hạn CTCP Cơ điện lạnh REE lớn mạnh như hiện nay được bắt đầu từ việc REE là DNNN đầu tiên tại Việt Nam tiến hành cổ phần hóa (năm 1993) để đa dạng hóa sở hữu tại DN. Sau cổ phần hóa, REE hoạt động tốt hơn, lên niêm yết (năm 2000), tăng vốn, mở rộng sản xuất và nay trở thành DN có vốn hóa gần 7.000 tỷ đồng, gấp hàng trăm lần khi còn là DNNN.

Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều nỗ lực cho công tác cổ phần hóa DNNN và tiếp tục quyết tâm thúc đẩy quá trình này trong giai đoạn 2014-2015. Cùng với đó là quyết tâm giảm vốn Nhà nước tại các DN thuộc những ngành nghề Nhà nước không cần giữ cổ phần. “Đây là những nỗ lực quan trọng mà Chính phủ đang thực hiện để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển”, Chủ tịch UBCK nói.

Một minh chứng khác, theo TS. Vũ Bằng, là 15 năm trước, Chính phủ đã đứng ra thúc đẩy việc hình thành TTCK tại Việt Nam. Việc tạo dựng TTCK hoạt động theo quy luật thị trường chính là cách tạo ra một động lực mới, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. “Rất nhiều DN đã lên niêm yết, huy động vốn từ công chúng để mở rộng hoạt động và thành công trong kinh doanh, xuất phát từ định hướng này”, ông Bằng nói.

“Việt Nam - Trung Quốc nên đối thoại hơn là đối đầu”

Marc Faber “chạm” vào điểm yếu của Việt Nam ảnh 2

TS. Marc Faber

Khi được hỏi quan điểm về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, TS. Marc Faber nói rằng, ở góc độ một chuyên gia kinh tế, ông không bình luận ai đúng, ai sai ở đây, nhưng ông khuyên rằng, đối đầu giữa hai quốc gia phải được xem xét từ những góc độ khác nhau, cần thảo luận với nhau hơn là đối đầu, để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

“Ở khu vực Thái Bình Dương, cần nhất là hòa bình”, Marc nói. “Trong lúc căng thẳng trên biển Đông diễn biến phức tạp, có ai đó nói, chiến tranh sẽ thúc đẩy tăng trưởng, nhưng đó là nhận định phi lý. Chiến tranh có thể tạo sức ép tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn thì đó là sự tàn phá nặng nề”, Marc tiếp.

Việt Nam có 90 triệu dân, chủ yếu là cơ cấu dân số trẻ, trong dài hạn, đây là lợi thế. “Trong mối quan hệ kinh tế quốc tế, tôi muốn khuyên Việt Nam quan tâm hơn đến một quy luật: bất kỳ quốc gia nào cũng dễ hưởng lợi trong phát triển kinh tế khi hợp tác với những nước lân cận, hơn là những nước cách xa về địa lý. Nhìn mối quan hệ của nền kinh tế Mỹ và Mexico sẽ thấy rõ điều này”, ông nói.

Tin bài liên quan