Mạnh tay “sàng lọc” cổ phiếu trên UPCoM

Mạnh tay “sàng lọc” cổ phiếu trên UPCoM

(ĐTCK) Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa đưa ra một số biện pháp nhằm tăng cường hoạt động quản lý, giám sát sàn đăng ký giao dịch UPCoM. Đáng chú ý, nội dung về việc phân bảng cổ phiếu tiếp tục được đề cập sau khi Sở này đã cho ra mắt 2 bảng UPCoM Premium và Bảng cảnh báo nhà đầu tư vào cuối tháng 6 năm nay.

Công tác sàng lọc cổ phiếu tại UPCoM được HNX đẩy mạnh trong năm nay với việc xây dựng bảng UPCoM Premium dành cho các chứng khoán đáp ứng tiêu chí về tình hình tài chính và ý thức tuân thủ công bố thông tin. Đồng thời, thiết lập Bảng cảnh báo nhà đầu tư gồm các cổ phiếu bị hạn chế, tạm ngừng giao dịch. Đến nay, HNX đã công bố danh sách 89 cổ phiếu thuộc UPCoM Premium và 45 cổ phiếu thuộc Bảng cảnh báo nhà đầu tư.

Đánh giá tác động của hoạt động này, đối với Bảng UPCoM Premium, bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc chuyên môn Phân tích, CTCP Chứng khoán VNDIRECT cho biết, mức độ ảnh hưởng của Bảng UPCoM Premium đến diễn biến sàn UPCoM là chưa rõ nét, đặc biệt khi so sánh với mức độ tác động của đợt nới biên độ thị trường UPCoM từ 10% lên 15% mà HNX thực hiện hồi tháng 7/2015. Tuy nhiên, điều này là dễ hiểu bởi tác động của thông tin trên thị trường luôn đi trước và thanh khoản của thị trường UPCoM đã tăng trước khi UPCoM Premium được công bố. 

Theo bà Phương, sau khi UPCoM Premium chính thức ra mắt, các CTCK cũng cần có thời gian để theo dõi, xem xét để có thể đánh giá được hạn mức cho từng cổ phiếu trong bảng này, từ đó mới dần dần có tác động đến giao dịch của cổ phiếu và diễn biến UPCoM.

Đối với Bảng cảnh báo nhà đầu tư, ngoài việc cảnh báo các cổ phiếu yếu, HNX cũng đã thực hiện rà soát các doanh nghiệp thuộc bảng này về tình hình thực hiện báo cáo, công bố thông tin, hoạt động sản xuất - kinh doanh và lập báo cáo tóm tắt cho từng công ty.

Có thể nói, sự ra đời của UPCoM Premium và Bảng cảnh báo nhà đầu tư phần nào đã tạo những hiệu ứng tích cực cho việc minh bạch hóa sàn UPCoM. Tuy nhiên, sau những vụ việc lùm xùm về các cổ phiếu kém chất lượng hoạt động trên sàn, HNX cho thấy động thái tiếp tục sàng lọc cổ phiếu trên sàn này.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, sắp tới khi 2 sở GDCK sáp nhập thành một, UPCoM sẽ trở thành sàn “dự bị” của sàn niêm yết, việc minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra hệ thống giao dịch đồng bộ sẽ giúp doanh nghiệp trên UPCoM dễ dàng hơn khi chuyển sàn, trong khi cơ quan quản lý thuận lợi trong công tác giám sát.

Hiện HNX chưa tiết lộ ý tưởng thực hiện, nhưng theo ông Khoa, nhiều khả năng, phương án sẽ là phân ngành doanh nghiệp như trên sàn HOSE. Được biết, từ đầu 2016, HOSE đã đưa vào áp dụng chuẩn phân ngành mới cho các doanh nghiệp trên sàn này là chuẩn phân ngành quốc tế GICS. Theo đó, chia doanh nghiệp theo 4 cấp độ gồm lĩnh vực, nhóm ngành, ngành và tiểu ngành. Ở mỗi cấp độ, mỗi một công ty chỉ được phân vào một hạng mục duy nhất. 10 lĩnh vực trên HOSE hiện nay gồm năng lượng, nguyên vật liệu, công nghiệp, hàng tiêu dùng không thiết yếu, hàng tiêu dùng thiết yếu, chăm sóc sức khỏe, tài chính, công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông và dịch vụ tiện ích.

Đối với thị trường UPCoM, nếu xét theo phân ngành tại Top 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất (chiếm đến 80% tổng giá trị vốn hóa UPCoM), theo thống kê của BSC, các doanh nghiệp này chủ yếu thuộc các ngành điện và thiết bị điện (GEX, VPD, TBD, ISH, ND2, GHC); nước (DNW; TDM); vật liệu xây dựng và khoáng sản (MSR, TVN, VGC, TIS, MTA); bất động sản (NHN, SDI); cảng (SGP, CND, PSP) và dịch vụ hàng không (SAS, SGN, NCS). Bên cạnh đó, còn có một số doanh nghiệp đầu ngành của các ngành dệt may (VGG), hội chợ triển lãm (VEF); nhựa tiêu dùng (NNG).

Theo các chuyên gia, hiện tại, độ rộng và tính đại diện của thị trường của các doanh nghiệp trên UPCoM chưa cao, một số nhóm ngành chưa đáp ứng các tiêu chí đại diện để hình thành chỉ số riêng, hoặc đã đáp ứng nhưng còn rất mỏng. Mặc dù vậy, phân rõ các chỉ số ngành là cần thiết cho sàn UPCoM nói riêng và TTCK Việt Nam nói chung vì có yếu tố phục vụ thị trường rất cao, giúp nhà đầu tư có cơ sở định hướng, đo lường khi quyết định đầu tư.

Bà Nguyễn Ngọc Linh, chuyên gia tư vấn đầu tư VNDIRECT, nhận định, việc HNX tiếp tục phân bảng và phân ngành doanh nghiệp trên UPCoM là ý tưởng rất tốt khi giúp thị trường bước đầu sàng lọc những cổ phiếu đáng để “chọn mặt gửi vàng”, cũng như là một trong những động thái nhằm nâng sức hấp dẫn cho sàn giao dịch này.

“Một trong những tiêu chí mà HNX nên quan tâm khi phân loại cổ phiếu để nhà đầu tư tránh được rủi ro thanh khoản là tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Một cổ phiếu tốt, nhưng thanh khoản không đảm bảo để số đông nhà đầu tư tham gia cũng là một bất lợi cho tính thị trường của cổ phiếu”, bà Linh nói.        

Tin bài liên quan