Lâu nay, nhà đầu tư vẫn thắc mắc về việc tại sao gần đây có nhiều vụ việc thao túng giá chứng khoán bị phát hiện nhưng chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính mà không khởi tố hình sự, đại diện cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hà Nội cho biết, có nhiều vụ việc đã khởi tố nhưng chưa xử lý bị can.
Vấn đề phải được làm rõ trước khi khởi tố hình sự một vụ thao túng giá chứng khoán là xác định rõ hành vi thao túng giá gây thiệt hại đáng kể cho nhà đầu tư, đồng thời đó là các hành động được thực hiện bằng ý chí chủ quan, không phải do may rủi. Vế thứ hai thường xác định được rất nhanh nhưng vế đầu lại rất khó khăn.
Nguyên nhân là Bộ luật Hình sự đang có hiệu lực quy định, hành vi phải gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về vật chất từ 500 triệu đồng trở lên, hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng phi vật chất. Nhưng như thế nào là hậu quả phi vật chất thì lại không có văn bản nào dưới luật hướng dẫn, do đó cơ quan chức năng không có cơ sở để áp dụng.
“Có một số vụ việc đã khởi tố, có bằng chứng thao túng giá chứng khoán nhưng không xử lý được, không cá thể hóa hình sự được. Có vụ đã đưa ra trưng cầu tại cơ quan giám định Bộ Tài chính nhưng không xác minh được thiệt hại”, một cán bộ cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hà Nội cho biết khi trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán.
Vị cán bộ này cho biết thêm, trong vụ án Nguyễn Vân Giang, cựu Giám đốc Chi nhánh Hà Nội - Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á bị khởi tố vì tội danh thao túng giá chứng khoán, sơ bộ, cơ quan điều tra đã xác định được hậu quả nghiêm trọng do nhà đầu tư có đơn tố cáo, thiệt hại tính được cụ thể.
Bắt được tội phạm đã khó, xử phạt để răn đe còn khó hơn. Một hạn chế khiến cho "bạch tuộc" ngày càng lũng đoạn trên thị trường chứng khoán là hình phạt, cả về tiền và tù đều chưa đủ nghiêm khắc.
“Có thể, các đối tượng phạm tội thu lợi cực lớn nhưng hình phạt tiền chỉ tối đa là 500 triệu đồng, phạt tù 7 năm là nặng nhất. Trong khi đó, ở nhiều vụ việc, các hành vi thao túng giá chứng khoán rất tinh vi, được che đậy kỹ càng, bao gồm cả công bố thông tin, hợp thức hóa thủ tục phát hành, chào bán chứng khoán dù đó là hành vi tăng vốn ảo”, cán bộ điều tra cơ quan công an nói.
Để chặt bớt các vòi bạch tuộc đang nối dài những cánh tay thao túng, làm méo mó thị trường, cán bộ cơ quan an ninh điều tra cho rằng, mặc dù cơ quan quản lý chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) không có chức năng điều tra, nhưng khi phát hiện các vụ việc bất thường, cần quyết liệt có văn bản đề nghị cơ quan điều tra xác định xem có dấu hiệu tội phạm về chứng khoán hay không. Khi ấy, vụ việc sẽ được xử lý theo tiến trình tố tụng, có thể là khởi tố bị can, khởi tố vụ án.
Đồng thời, để gia tăng hiệu quả điều tra, cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và cơ quan tố tụng cần tăng cường cơ chế phối hợp, đơn cử về cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ… Hiện Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư hướng dẫn về cung cấp thông tin, cơ chế phối hợp với các cơ quan an ninh điều tra, nhưng trong lĩnh vực chứng khoán lại chưa có.
Một biện pháp khác cũng có tác dụng là cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán, cơ quan quản lý địa bàn như công an, an ninh tài chính tiền tệ đầu tư, cảnh sát kinh tế về chứng khoán trên địa bàn (phụ trách công ty chứng khoán) chủ động phát hiện tội phạm…
Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/1/2018 tới đây đang được kỳ vọng, với nhiều quy định cụ thể hơn sẽ giảm bớt khó khăn cho việc điều tra và xử phạt vi phạm chứng khoán. Cụ thể, Điều 211 quy định khá chi tiết về các tội thao túng thị trường chứng khoán, trong đó mô tả rất rõ các hành vi vi phạm và mức độ thiệt hại bằng vật chất mà vi phạm này gây ra. Điều 212 quy định rõ tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán... Khung hình phạt cao nhất đối với các tội danh này là 7 năm tù giam.