Phần thảo luận chuyển động từ chính sách mới trong khuôn khổ Diễn đàn M&A 2015

Phần thảo luận chuyển động từ chính sách mới trong khuôn khổ Diễn đàn M&A 2015

M&A sẽ bùng nổ nhờ chính sách mới

(ĐTCK) Tại diễn đàn M&A 2015, trong phần thảo luận chuyển động từ chính sách mới, đại diện nhiều tổ chức, các nhà đầu tư, cũng như các nhà quản lý đều cho biết, sự thay đổi của các chính sách gần đây đã có tác động khá lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt có tác động mạnh đến hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) trong thời gian tới.

Theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc nhiều đạo luật quan trọng nhằm đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực và Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, trong đó cho phép nới room đối với nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực đang góp phần cải thiện môi trường pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh nói chung và thị trường M&A nói riêng.

Cùng với việc hoàn thiện thể chế kinh tế, tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn của Việt Nam cũng đang mở ra những cơ hội mới cho hoạt động M&A.

“Sau 8 năm gia nhập WTO, Việt Nam đang tích cực tham gia xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, triển khai thực hiện các cam kết trong nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan. Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Mặc dù phiên đàm phán tại Hawai chưa đi đến kết thúc, nhưng với nỗ lực từ nhiều năm nay của các nước, khả năng đi đến ký kết đàm phán Hiệp định này là khá lớn”, ông Đông nói và nhấn mạnh thêm, một yếu tố khác đang thúc đẩy hoạt động M&A là tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ.

Mặc dù tiến trình này còn chậm, song các cuộc IPO của các doanh nghiệp lớn trong các ngành như giao thông vận tải, viễn thông, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm… đang tạo nguồn hàng mới hấp dẫn đối với thị trường M&A.

Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương của Chính phủ cũng đang góp phần làm cho thị trường M&A trở nên phong phú và đa dạng hơn.

Một yếu tố thực tế khác đang thúc đẩy thị trường M&A là xu hướng trỗi dậy mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, trong đó nhiều doanh nghiệp lựa chọn M&A như một chiến lược quan trọng để tái cấu trúc, hướng tới tăng trưởng bền vững.

Còn theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, vấn đề nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là liên quan đến Nghị định  60 về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài và Nghị định 42 về TTCK phái sinh.

Trong 2-3 năm gần đây, M&A diễn ra mạnh mẽ và sẽ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới do 4 nhân tố: Sự hồi phục kinh tế vĩ mô Việt Nam; thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; nền kinh tế, tài chính ngân hàng bước sang giai đoạn tích cực, quyết liệt nhất là yếu tố quan trọng liên quan đến các chính sách cải cách thể chế, mở cửa với nhà đầu tư nước ngoài; ký kết 12 hiệp định FTA, TPP.

Về TTCK, từ đầu năm đến nay, có nhiều thách thức, nhất là thắt chặt nguồn vốn từ ngân hàng sang TTCK, nhưng TTCK vẫn tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 13% từ đầu năm.

“Liên quan đến Nghị định 60, chưa bao giờ một nghị định được ban hành trong thời gian ngắn như vậy. Việc nới room lên không hạn chế 100%, là nỗ lực quyết tâm quan trọng của Chính phủ và chúng tôi cảm nhận được phản ứng tích cực của nhà đầu tư nước ngoài”, ông Bằng nói.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), với tư cách là người tham gia hoạch định chính sách, có 3 thay đổi tác động lớn:

Thứ nhất, theo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, yếu tố quan trọng là Luật đã tăng cường mức độ bảo vệ nhà đầu tư.

Thứ hai, trước đây, để M&A, các doanh nghiệp phải cùng loạt hình, chẳng hạn, một công ty cổ phần không thể mua lại một công ty TNHH, còn Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã xóa bỏ điều này, giúp cho hoạt động M&A giữa các doanh nghiệp dễ dàng hơn.

Còn với Luật Đầu tư, tác động rõ rệt nhất là thủ thục đã dễ đàng hơn. Chẳng hạn, một nhà đầu tư trước đây muốn thành lập mới thì họ phải thực hiện ít nhất 30 thủ tục, nhưng theo luật mới, khi mua cổ phần và góp vốn tại doanh nghiệp Việt Nam dưới 51% hoặc trong lĩnh vực không có điều kịên thì nhà đầu tư không phải làm thủ tục đầu tư, mà chỉ cần đăng ký thay đổi thành viên. Thay đổi này sẽ kích thích hoạt động M&A.

Còn ông Seck Yee Chung, luật sư đến từ Công ty Luật Baker & Mckenzie cho rằng, nền kinh tế Việt Nam ngày càng có những giao dịch có quy mô lớn hơn. Đây là những tín hiệu tốt và các cơ quan đang rất nỗ lực làm việc, thủ tục đầu tư đang được rút ngắn lại, nhưng rõ ràng, cần thêm thời gian để tìm hiểu những ngành có điều kiện.

Theo ông Seck Yee Chung, dù đã có chuyển biến, nhưng vẫn còn khoảng cách giữa chính sách và thực tế áp dụng. Đơn cử, dù room đã được nới lên 100%, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tăng sở hữu tại công ty đại chúng của Việt Nam, tuy nhiên các cơ quan quản lý cần làm rõ nhiều điểm như các ngành nghề theo cam kết WTO, các hiệp định thương mại tự do, ngành nghề kinh doanh có điều kiện…

Về vấn đề này, ông Đặng Huy Đông cho biết, cơ quan quản lý đang nỗ lực theo dõi tình hình triển khai 2 luật mới là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Qua quá trình theo dõi cho thấy, 2 sắc luật được cộng đồng trong nước và nước ngoài đón nhận, từ lúc Luật được áp dụng đến nay, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 66% so với cùng kỳ. Điều này chứng tỏ, công đồng doanh nghiệp hưởng ứng 2 luật tích cực và tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh.

Về nghị định hướng dẫ cho 2 sắc luật này, ông Đông cho rằng, 2 dự thảo Nghị định đã được đặt lên bàn Thủ tướng Chính phủ, khả năng tháng 9 sẽ được ban hành. Tuy nhiên,  không vì chưa có 2 nghị định đó mà cản trở quá trình gia nhập thị trường đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư, mà mọi việc vẫn đang trôi chảy.

Tin bài liên quan