Sau thương vụ với Prime Group, SCG trở thành nhà sản xuất vật liệu xây dựng dẫn đầu thị trường Việt Nam

Sau thương vụ với Prime Group, SCG trở thành nhà sản xuất vật liệu xây dựng dẫn đầu thị trường Việt Nam

M&A: Cuộc chơi sôi động và khắc nghiệt

(ĐTCK) Việt Nam nằm ở khu vực châu Á, nơi quyền lực kinh tế thế giới đang nghiêng về, trong đó có các tỷ phú Thái Lan. Nhưng mua bán, sáp nhập (M&A) là cuộc chơi toàn cầu hóa và vô cùng khắc nghiệt, dòng vốn sẽ không dừng lại mãi một nơi, nếu nơi đó không còn lợi thế cạnh tranh.

Sự bùng nổ của các tỷ phú Thái Lan

Các doanh nghiệp Việt Nam có mức độ kỳ vọng tăng trưởng thông qua M&A trong 3 năm tới thấp hơn so với mức trung bình của các nước ASEAN. Chỉ có 12% các doanh nghiệp Việt Nam dự kiến tăng trưởng thông qua hoạt động M&A trong năm 2013, giảm nhẹ từ mức 13% của năm 2012. Trong khi đó, 21% các doanh nghiệp ASEAN dự kiến tăng trưởng thông qua M&A vào năm 2013, giảm từ mức 23% của năm 2012.

Trong vòng 2 năm tới, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập (năm 2015) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua, các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Singapore và Malaysia sẽ nhanh chóng hoàn tất một số thương vụ M&A trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, nhượng quyền, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, bất động sản.

Theo nhận định của các nhà đầu tư ASEAN, họ muốn thực hiện M&A tại Việt Nam vì khả năng tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ và tiềm lực tài chính dồi dào, kết hợp với sự ổn định kinh tế tại Việt Nam. Ngoài ra, thị trường chung khu vực ASEAN có 600 triệu người (chiếm 9% dân số thế giới), với tổng giá trị GDP ước tính khoảng 2.000 tỷ USD, sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận.

Trong cuộc chơi này, với kinh nghiệm của mình, các tỷ phú Thái Lan được nhắc đến nhiều hơn cả. Đáng chú ý là tỷ phú Dhanin Chearavanont, Chủ tịch Charoen Pokphand Group. Trong năm 2013, nhà đầu tư này đã đàm phán mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam từ Metro Group (Đức) với giá 500 triệu USD, nhưng không thành vì bị Metro Cash & Carry từ chối.

Song một nhà môi giới M&A tại Việt Nam cho hay, tỷ phú Dhanin Chearavanont vốn được giới đầu tư tại châu Á biết đến với sự kiên trì theo đuổi thương vụ M&A, nên việc bị từ chối chỉ làm tăng thêm tham vọng muốn thâu tóm bằng được doanh nghiệp này của ông.

Trong khi đó, công ty con của CP Group là CP All đã sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Thái Lan và đang thể hiện tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ, không chỉ ở Thái Lan mà còn tại các quốc gia trong khu vực. Trước đó, CP All đã chi 6,6 tỷ USD để thâu tóm hãng bán lẻ của Thái Lan là Siam Makro. Mức giá này cao ngất ngưởng so với mức giá thị trường của Siam Makro khi đó là 5,7 tỷ USD.

Ông Korsak Chairasmisak, Giám đốc điều hành CP All cho hay, Thái Lan đang hướng tới cơ hội từ kế hoạch hình thành AEC. Trong kế hoạch này, CP All muốn giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp Thái Lan, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thị trường ASEAN.

“Mặc dù các sản phẩm xuất khẩu của Thái Lan được xem là có chất lượng cao, nhưng họ vẫn cần các kênh phân phối hiệu quả hơn. Siam Makro sẽ là một kênh phân phối mới, để các sản phẩm nông nghiệp như thực phẩm tươi và thịt đông lạnh lan sang các nước ASEAN”, ông Korsak Chairasmisak nói.

Bàn về M&A tại Việt Nam, không thể không nhắc đến tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi giàu thứ ba Thái Lan, sở hữu nhiều tập đoàn lớn, trong đó có Berli Jucker (BJC), kinh doanh lĩnh vực đồ uống, sản xuất lon, chai thủy tinh, bán lẻ, cửa hàng tiện lợi… và TTC Land chuyên về bất động sản.

Thời gian qua, tỷ phú này đã có động thái rõ ràng nhằm tấn công thị trường Việt Nam. Rõ ràng nhất là BJC. Đã xuất hiện tại Việt Nam từ khá lâu, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chai thủy tinh, lon đựng đồ uống, BJC đã có nhiều động thái đáng chú ý tại Việt Nam vào đầu năm 2013, khi tiến hành nhiều thương vụ M&A, trong đó có việc bỏ ra 4,5 triệu USD (hơn 90 tỷ đồng) mua lại 75% cổ phần của hãng sản xuất đậu phụ ICHIBAN và 32 triệu USD (hơn 670 tỷ đồng) để mua lại 65% cổ phần của Thái An, một doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc.

Gần đây, BJC thế chân Family Mart trong liên doanh Family Mart – Tập đoàn Phú Thái. Sau thương vụ này, các cửa hàng tiện lợi của Family Mart liên doanh với Phú Thái đều được đổi tên thành B’mart. Trong chiến lược của mình, BJC cũng nêu rõ ý định tìm cơ hội phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi tại Lào và Việt Nam.

Còn nhớ, vào năm 2008, các tỷ phú người Thái còn thành công trong việc mua lại chuỗi nhà hàng sushi Nhật Bản Oishi, hiện cũng đã xuất hiện tại Hà Nội.

Riêng về bất động sản, TTC Land, thông qua công ty con là SAS Trading Ltd, đang nắm giữ 65% cổ phần khách sạn Melia Hà Nội, với doanh thu mỗi năm lên tới trên 20 triệu USD.

Với Tập đoàn Thaibev, có lẽ tập đoàn này sẽ không trực tiếp lộ diện tại Việt Nam, khi mà thị trường bia đã quá khốc liệt với sự cạnh tranh của các hãng bia hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, Thaibev đang sở hữu 22% cổ phần tại Fraser&Neave (F&N là tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore) và sẽ sử dụng F&N như cánh tay nối dài tấn công vào thị trường đồ uống không cồn và đặc biệt là thị trường sữa. Hiện F&N nắm giữ 9,54% cổ phần của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), tương đương khoảng 500 triệu USD.

Trong khi đó, Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) - một doanh nghiệp lớn nhất Thái Lan hoạt động tập trung vào 5 lĩnh vực chính là hóa dầu, giấy, xi măng, vật liệu xây dựng và phân phối - với cách kinh doanh theo kiểu phải có gan nắm bắt cơ hội, năm 2012, trong bối cảnh bất động sản Việt Nam đóng băng dài, đã nhanh tay “chộp” Công ty Prime. Giá trị của thương vụ lên tới 280 triệu USD (khoảng 5.800 tỷ đồng) - một mức giá cao hơn nhiều so với giá trị thực của Prime Group.

Với thương vụ trên, SCG trở thành nhà sản xuất gạch ceramic lớn nhất thế giới với công suất 225 triệu mét vuông, trong khi trước đó cũng là nhà sản xuất gạch lớn thứ 5 trên thế giới, đang dẫn đầu về sản xuất vật liệu xây dựng tại thị trường Việt Nam với 20% thị phần. 

Coi Việt Nam là thị trường chiến lược, SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam từ năm 1992 và hiện có 17 công ty với tổng giá trị tài sản hơn 370 triệu USD, doanh thu 300 triệu USD, hơn 2.300 nhân viên Việt Nam. Ngoài ra, SCG cũng đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác ở Việt Nam như tổ hợp hóa dầu tại miền Nam.

Tại Việt Nam, SCG hiện đã đầu tư vào khá nhiều công ty như: Công ty Sản xuất các sản phẩm và tổ hợp bê tông Việt Nam, Công ty Việt - Thái Plastchem, Công ty TPC Vina, Công ty Chemtech, Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái, Công ty Giấy Vina Kraft, Công ty New Asia Industries, Công ty cổ phần Sản xuất Bao bì Alcamax Packaging, Công ty CPAC Monier Vietnam, Công ty SCG Trading Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Bửu Long, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong và Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh.

Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp Thái Lan trên, vào Việt Nam sớm hơn cả là CP Group. Có mặt tại Việt Nam từ năm 1993, với nhà máy sản xuất thức ăn gia súc đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai, công ty này đang dẫn đầu thị trường cung cấp thức ăn gia súc tại Việt Nam. Từ mảng sản xuất thức ăn gia súc, C.P đã dần khép kín quy trình sản xuất đến chế biến thực phẩm và phân phối.

Có thể thấy  tham vọng mở rộng của C.P tại thị trường Việt Nam qua các cuộc “tìm mua” công ty nội địa. Đáng chú ý là việc đặt vấn đề trả giá gấp đôi để sở hữu 40% cổ phần của công ty chế biến và xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam - Công ty cổ phần Minh Phú (MPC), nhưng bị từ chối. Ngay sau đó, C.P Việt Nam đã tìm kiếm các doanh nghiệp chế biến tại Đồng bằng sông Cửu Long để đẩy mạnh mảng này, trong đó có việc mua lại một cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh ở Cà Mau.

Việc mua nửa bộ phận kinh doanh của chủ sở hữu 
thương hiệu Highlands Coffee nằm trong kế hoạch 
đầy tham vọng của Jollibee

Cuộc chơi khắc nghiệt

5 năm qua, nếu các nhà đầu tư Nhật Bản đã thể hiện rõ sự chuyển hướng và gia tăng đầu tư vào các nước ASEAN, nhằm phân tán rủi ro mà trước đó một thời gian dài, họ đã quá tập trung vào thị trường Trung Quốc, thì nhà đầu tư khu vực ASEAN, với kinh nghiệm của mình, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính năm 1997, lại đánh giá Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng để khai thác, cũng như để giải quyết các vấn đề về năng lực sản xuất, nguyên liệu đầu vào tại các nước sở tại.

Trong khi đó tại Việt Nam, cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính dẫn đến thiếu vốn đầu tư và lãi suất cao đã gây hiện tượng “tài sản giá rẻ”. Đặc biệt, với 90 triệu dân, phần lớn là trẻ tuổi, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong quá trình làm việc.

Theo quan sát từ các thương vụ nêu trên của các tỷ phú Thái Lan và một số thương vụ khác từ Singapore hay Indonesia, Malaysia, có thể thấy, các thương vụ chủ yếu tập trung vào hạ tầng, vật liệu xây dựng, công nghiệp nặng và mang tính chất thôn tính nhanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã làm việc với các nhà đầu tư này đều cho rằng, có thể xem các nhà đầu tư khu vực ASEAN như các đối tác để họ thực hiện tái cấu trúc, thay đổi chiến lược theo xu hướng tập trung và vươn lên dẫn đầu ngành.

Kết quả nghiên cứu mới nhất của Báo cáo Kinh doanh toàn cầu (IBR) của Grant Thornton International cho thấy, các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh đang dẫn dắt triển vọng về các hoạt động M&A. Trong đó, các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp phát triển tốt nhất trên thế giới xem M&A là một phương tiện quan trọng để bổ sung và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, có khoảng 31% các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có được sự tăng trưởng thông qua hoạt động M&A trong 3 năm tiếp theo, tăng so với mức 28% của năm 2012.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp năng động đang trỗi dậy thì tỷ lệ này còn tăng đến 55% và xu hướng này thể hiện ở tất cả các khu vực trên thế giới. Chẳng hạn, có đến 47% các doanh nghiệp thông thường ở Bắc Mỹ dự kiến tăng trưởng thông qua M&A, tăng 10% so với thời điểm này năm ngoái, trong khi với các doanh nghiệp năng động, tỷ lệ này là 71%. Trong nhóm các nước G7, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp năng động là 64%, các doanh nghiệp nói chung là 36%.

Ngoài ra, từ cuối năm trước, các doanh nghiệp đã bắt đầu đưa kế hoạch M&A vào thực hiện, với 39% các doanh nghiệp xác nhận rằng, họ đã nghiêm túc tính toán thực hiện ít nhất một thương vụ mua lại trong vòng 1 năm qua.

Ông Mike Hughes, lãnh đạo toàn cầu Mảng Tư vấn M&A của Grant Thornton cho rằng, những kết quả đó mang tính quan trọng dựa trên 3 cấp độ.

Thứ nhất, mức tăng trưởng dự báo trên toàn cầu cho các hoạt động M&A là một dấu hiệu nữa cho thấy, nền kinh tế đang dần hồi phục vững vàng hơn và trọng tâm của các doanh nghiệp đang chuyển hướng từ việc duy trì sự tồn tại sang một chương trình hành động tăng trưởng.

Thứ hai, tầm quan trọng của M&A đối với các doanh nghiệp phát triển nhanh nhất trên thế giới khi họ tìm cách tiếp cận các thị trường mới, công nghệ và nguồn nhân lực mới để duy trì khả năng cạnh tranh.

Cuối cùng, các bằng chứng về việc các doanh nghiệp đang thực sự đầu tư thời gian và tiền bạc vào việc tìm kiếm các thương vụ mua lại, thay vì chỉ nói đến tham vọng mua lại ở thì tương lai.

Rõ ràng xu hướng M&A thời gian qua đã gặp thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nhưng M&A là cuộc chơi toàn cầu hóa và vô cùng khắc nghiệt, dòng vốn sẽ không dừng lại mãi một nơi, nếu nơi đó không còn lợi thế cạnh tranh. Việt Nam nằm trong khu vực châu Á, nơi quyền lực kinh tế thế giới đang nghiêng về, với cộng đồng AEC và TPP… Tuy vậy, để chiến thắng trong cuộc chơi này, ngoài việc các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội, biến đổi màu sắc để thích nghi, thì Nhà nước cần tính toán nhiều hơn về dài hạn, khi những lợi thế cạnh tranh như nguồn lực dồi dào và chi phí rẻ không còn nữa.

Tin bài liên quan