M&A tiếp tục diễn ra sôi động, trong đó có những thương vụ lớn nhất từ trước tới nay.

M&A tiếp tục diễn ra sôi động, trong đó có những thương vụ lớn nhất từ trước tới nay.

M&A - cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam

(ĐTCK) Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Ngọc Quỳnh, Giám đốc điều hành Bộ phận Ngân hàng Đầu tư, Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) cho biết, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) giữa các công ty tại nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam, cũng như giữa các công ty Việt Nam với nhau xuất hiện ngày càng nhiều và với quy mô ngày càng lớn.

Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về sự sôi động của hoạt động M&A trong thời gian gần đây?

M&A diễn ra sôi động từ đầu năm đến nay, trong đó có những thương vụ lớn nhất từ trước tới nay như: Central Group (Thái Lan) mua lại chuỗi siêu thị Big C trị giá 1,05 tỷ USD, Tập đoàn Masan thông qua công ty con là CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) đã bỏ ra 1.427 tỷ đồng để mua 14% cổ phần của VISSAN và trở thành cổ đông chiến lược.

M&A - cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam ảnh 1

Ông Phạm Ngọc Quỳnh 

M&A thường diễn ra dưới các hình thức nào, thưa ông?

Theo quan sát của TVS, M&A diễn ra dưới nhiều hình thức.

Thứ nhất, công ty nước ngoài mua lại các công ty cùng ngành tại Việt Nam để thực hiện chiến lược mở rộng thị trường. Điển hình cho trường hợp này là Central Group mua lại chuỗi siêu thị Big C, Berli Jucker mua lại chuỗi siêu thị Metro, Taisho Pharmaceutical mua 24,5% cổ phần của CTCP Dược Hậu Giang. TVS đã tư vấn thực hiện nhiều thương vụ loại này và đang nhận được không ít đề nghị từ các doanh nghiệp nước ngoài về việc mua lại cổ phần, hoặc đầu tư chiến lược vào các doanh nghiệp cùng ngành tại Việt Nam.

Thứ hai, công ty Việt Nam mua lại hoặc hợp nhất với các doanh nghiệp Việt Nam khác cùng ngành, để mở rộng thị trường hoặc tăng lợi thế về quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh việc tự phát triển bằng các nguồn lực nội tại, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp lớn, đã đẩy mạnh hoạt động mua lại các doanh nghiệp nhỏ cùng ngành. Câu chuyện hợp nhất CTCP Đường Ninh Hòa vào CTCP Đường Biên Hòa, cũng như các thương vụ mua lại, hợp nhất khác của Tập đoàn Thành Thành Công trong ngành mía đường là một ví dụ minh chứng cho các thương vụ M&A loại này.

Trong lĩnh vực bất động sản, thị trường cũng đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A. Các công ty phát triển bất động sản có năng lực tốt về phát triển dự án đã mua lại các công ty bất động sản nhỏ hơn đang sở hữu quỹ đất tốt.

Về hình thức M&A thứ hai này, chúng tôi cho rằng, các công ty quy mô nhỏ, đặc biệt là trong các thị trường đang phân mảnh nên xem xét việc hợp nhất với các công ty khác cùng ngành, nhất là khi được một công ty lớn cùng ngành đề nghị mua lại như là một cơ hội để phát triển.

Thứ ba, công ty Việt Nam mua lại một doanh nghiệp Việt Nam khác không cùng ngành để thực hiện chiến lược mở rộng ngành hàng. Điển hình là trường hợp Tập đoàn Masan mua lại cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp như: CTCP Cà phê Biên Hòa, CTCP Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco), CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco), CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo… để mở rộng hoạt động sang các ngành hàng khác. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác cũng đang thực hiện chiến lược M&A này. Chúng tôi đã tư vấn cho một số doanh nghiệp Việt Nam trong các thương vụ tương tự.

Thứ tư, doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm nhà đầu tư chiến lược là một công ty cùng ngành có năng lực để tiếp tục phát triển trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Chúng tôi cho rằng, CTCP Dược Hậu Giang đã thực hiện chiến lược này khi Taisho Pharmaceutical mua lại 24,5% cổ phần trong Công ty từ các cổ đông khác.

Thứ năm, doanh nghiệp Việt Nam muốn thực hiện tái cấu trúc hoạt động kinh doanh hoặc tài chính thông qua M&A. Doanh nghiệp có thể bán một bộ phận kinh doanh cho một doanh nghiệp khác cùng ngành, để tập trung vào các hoạt động kinh doanh có nhiều lợi thế hơn hoặc để giảm vay nợ. Chúng tôi nhận thấy, cùng với việc hoạch định chiến lược phát triển dài hạn, nhiều doanh nghiệp nên cân nhắc chiến lược M&A loại này.

Thứ sáu, chủ doanh nghiệp, bao gồm cả Nhà nước, muốn thoái vốn thông qua M&A.

Ông có thể phân tích sâu hơn hoạt động M&A trong khối doanh nghiệp nhà nước, hiện thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước, bởi Chính phủ đang thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn?

Đối với M&A các doanh nghiệp nhà nước, trong nhiều trường hợp, M&A có thể là lựa chọn tốt nhất cho việc bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trước khi thực hiện bán vốn tại một doanh nghiệp cụ thể, Nhà nước nên xác định rõ mục tiêu có thể thực hiện được và lựa chọn cách thức tốt nhất để thực hiện việc bán vốn đó.

Để làm điều này, Nhà nước cần chọn được một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm, có khả năng phân tích và đánh giá các phương án bán vốn khác nhau trên cơ sở thị trường và tiềm năng của doanh nghiệp, nhất là có mối quan hệ rộng với các nhà đầu tư, để hỗ trợ cho quá trình bán vốn đạt kết quả như mong muốn của bên bán.

Tuy nhiên, cái khó là các quy định hiện hành về tiêu chí lựa chọn đơn vị tư vấn, cũng như phí tư vấn có thể khó hỗ trợ cho lựa chọn được các đơn vị tư vấn có đủ khả năng. Do đó, nhà quản lý nên xem xét khắc phục hạn chế này để thúc đẩy hoạt động M&A diễn ra sôi động hơn trong khối doanh nghiệp nhà nước, hiện còn nhiều tiềm năng và đang thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư trong và ngoài nước.

Hoạt động M&A của các doanh nghiệp niêm yết có gì đáng chú ý?

M&A đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện gặp một số trở ngại liên quan đến tỷ lệ sở hữu. Đối với những ngành đã có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room), thì việc nới room phù hợp với yêu cầu M&A do các cổ đông quyết định.

Một số ngành chưa có quy định rõ ràng về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài, thì nhà đầu tư thường quan ngại. Cùng với đó, hoạt động M&A còn tùy thuộc vào quá trình phê duyệt phương án cụ thể của các cổ đông.

Những thách thức mà doanh nghiệp thường đối mặt khi M&A là gì?

Khi bắt tay vào thực hiện một thương vụ M&A, doanh nghiệp sẽ phải tìm và xây dựng được niềm tin với các đối tác tiềm năng trong thương vụ M&A, để đảm bảo tỷ lệ thành công cao, giảm thiểu rủi ro.

Các doanh nghiệp sẽ phải có quá trình chuẩn bị và cung cấp thông tin minh bạch, hiệu quả để đối tác đánh giá cơ hội M&A, nhưng đối mặt với rủi ro “lộ” thông tin nếu thương vụ M&A không thành công. Đánh giá, đàm phán về định giá và cấu trúc thương vụ M&A ra sao cho thành công cũng là một thách thức không nhỏ với các công ty. Doanh nghiệp còn phải đối mặt với thử thách trong quản trị và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong suốt quá trình thực hiện thương vụ M&A.

Theo ông, cách nào để doanh nghiệp vượt qua những thách thức trên để đón bắt tốt cơ hội từ M&A?

Điều quan trọng đầu tiên là doanh nghiệp cần hoạch định rõ ràng chiến lược và kế hoạch phát triển dài hạn, để có thể chủ động xem xét các cơ hội M&A phù hợp với kế hoạch định sẵn, hoặc một cơ hội M&A khác ngoài mong đợi.

Với những doanh nghiệp lấy M&A là một công cụ phát triển, thì nên chuẩn bị sẵn các tiêu chí cho mục tiêu M&A, quy trình và cách thức thực hiện M&A. Còn với những doanh nghiệp không coi M&A là một công cụ phát triển, thì khi cơ hội M&A xuất hiện cũng nên xem xét một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng để không bỏ lỡ cơ hội.

Các công ty lớn và coi M&A như một công cụ phát triển, thì có thể thành lập bộ phận chuyên trách về M&A. Còn với các doanh nghiệp khác nên cân nhắc việc sử dụng tư vấn cho quá trình M&A khi xuất hiện cơ hội. 

Diễn đàn M&A Việt Nam - sự kiện thường niên lớn nhất Việt Nam về mua bán, sáp nhập và đầu tư chiến lược được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức từ năm 2009 đến nay. Với chủ đề “Cơ hội trong không gian kinh tế mở”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 sẽ được tổ chức vào ngày 18/8/2016 tại TP. HCM, bao gồm các hoạt động hội thảo, phổ biến kiến thức và kết nối đầu tư. Dự kiến, sẽ có khoảng 500 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự sự kiện.

Tin bài liên quan