Lý giải nguyên nhân khối ngoại bán ròng mạnh

Lý giải nguyên nhân khối ngoại bán ròng mạnh

(ĐTCK) Xuất phát từ 2 nguyên nhân là nhu cầu chốt lời và chuẩn bị cho khả năng Fed nâng lãi suất, ông Trần Đức Anh, Phụ trách mảng phân tích thị trường, Phòng Phân tích & Tư vấn Đầu tư, CTCK Bảo Việt (BVSC) nhận định, nhiều khả năng áp lực bán ra của khối ngoại vẫn sẽ tiếp diễn trong tháng 9, tuy nhiên giá trị có thể không lớn như tháng 8.

Tháng 8/2016, thị trường chứng kiến tháng bán ròng kỷ lục của khối ngoại với tổng giá trị lên tới gần 1.640 tỷ đồng. Theo ông, xu hướng này liệu còn tiếp diễn trong tháng 9?

Đúng là áp lực bán ròng của khối ngoại tăng khá đột biến trong tháng 8. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, động thái này trên thực tế chỉ tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechips vốn hóa lớn như VNM, VCB, VIC, MSN, khi giá trị bán ròng ở 4 mã này đã lên tới xấp xỉ 1.460 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là vì sao sau khi mua ròng khá tích cực trong tháng 7, sang tháng 8, khối ngoại lại nhanh chóng đảo ngược xu hướng và bán ra mạnh? Tôi cho rằng, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ nhu cầu chốt lời khi chỉ số VN-Index tăng lên vùng đỉnh 8 năm và cả 3 mã bị nước ngoài bán mạnh nhất (VNM, VCB và VIC) đều đã trải qua những nhịp tăng trưởng khá mạnh trong các tháng trước.

Lý giải nguyên nhân khối ngoại bán ròng mạnh  ảnh 1

Ông Trần Đức Anh 

Thứ hai là việc chuẩn bị cho khả năng Fed nâng lãi suất. Trong tháng 7, do lo sợ ảnh hưởng của sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu – Brexit, câu chuyện Fed tăng lãi suất đã tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên, sang tháng 8, trước những diễn biến tích cực của nền kinh tế Mỹ và đánh giá lại tác động của sự kiện Brexit, khả năng nâng lãi suất trong năm nay đã trở nên rất thực tế. Như vậy, với 2 nguyên nhân trên, nhiều khả năng áp lực bán vẫn sẽ tiếp diễn trong tháng 9, dù giá trị có thể không lớn như tháng 8. 

Sau FTSE Vietnam ETF, trong tuần này, dự kiến VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF) sẽ công bố danh mục mới cho kỳ cơ cấu quý III, đánh giá của ông về ảnh hưởng của các hoạt động này đối với thị trường?

Trong đợt tái cơ cấu danh mục lần này của 2 quỹ ETF, điểm đáng chú ý là lần đầu tiên VNM, mã chứng khoán có vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam, có thể được thêm vào ở cả 2 rổ ETFs (FTSE đã có công bố chính thức trong khi khả năng được vào V.N.M cũng được đánh giá cao).

Với việc VNM được vào và chiếm tỷ trọng khoảng 15% ở cả 2 rổ, giá trị bán ra ở nhóm các cổ phiếu còn lại sẽ là rất lớn. Theo tính toán, cả 2 quỹ mua cổ phiếu VNM vào khoảng 12-13 triệu đơn vị (phụ thuộc vào biến động giá tại thời điểm giao dịch). Đây sẽ là lực cầu rất lớn hỗ trợ giá cổ phiếu này.

"Với việc VNM được vào và chiếm tỷ trọng khoảng 15% ở cả 2 rổ, giá trị bán ra ở nhóm các cổ phiếu còn lại sẽ là rất lớn".

Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực chốt lời VNM của khối ngoại hiện đang ở mức cao, mức độ phản ứng trong ngắn hạn của mã cổ phiếu này được đánh giá là không còn lớn. Trong khi đó, áp lực bán ở nhóm cổ phiếu bluechips còn lại nhiều khả năng sẽ khiến biến động giá ở nhóm này diễn ra theo chiều hướng tiêu cực. 

Theo ông, cổ phiếu nhóm ngành nào được kỳ vọng trong tháng 9?

Trong tháng 9, nhóm cổ phiếu trong diện thoái vốn của SCIC, nhóm có tiềm năng mở room sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của dòng tiền. Biến động ở nhóm cổ phiếu này sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố thông tin và kỳ vọng của thị trường vào tiến trình thoái vốn hay mở room ở từng doanh nghiệp.

Đối với nhóm cổ phiếu dầu khí, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ nhóm họp để tìm ra phương án cắt giảm sản lượng vào cuối tháng 9. Mặc dù khả năng buổi họp đưa ra một phương án khả thi là không cao, nhưng nếu có sẽ tạo lực đẩy mạnh cho đà hồi phục của giá dầu, qua đó tăng tính hấp dẫn ở nhóm cổ phiếu dầu khí.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán, với diễn biến ổn định của giá trị giao dịch trên cả 2 sàn trong tháng 7, tháng 8, có thể tiếp tục xu hướng tích cực trong quý III. Đa số các mã cổ phiếu trong nhóm này vẫn chưa hòa nhịp vào đà tăng của thị trường trong giai đoạn gần đây nên kỳ vọng về một đợt tăng giá mới là có cơ sở.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý nhà đầu tư tránh mua vào các mã cổ phiếu trong nhóm bị 2 quỹ ETF bán ra trong tuần thứ 3 của tháng 9. Sau khi 2 quỹ này hoàn tất tái cơ cấu danh mục, một số mã bị bán mạnh có thể sẽ trở về điểm mua hấp dẫn, tạo cơ hội để mua vào. 

Ông đánh giá thế nào về khả năng Fed nâng lãi suất trong tháng 9 và tác động dự kiến đối với TTCK Việt Nam?              

Có khả năng Fed nâng lãi suất trong tháng 9, tuy nhiên xác suất ở mức tương đối thấp, đặc biệt là sau khi Mỹ vừa công bố số liệu việc làm thấp hơn so với kỳ vọng.

Về cơ bản, rút bài học từ đợt nâng lãi suất đầu tiên của Fed vào tháng 12/2015, đợt nâng lãi suất lần 2 này, các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ đón nhận với tâm lý ổn định hơn. Sự chuyển dịch vốn khỏi thị trường các nước đang phát triển nhiều khả năng sẽ không xảy ra với quy mô lớn. Mặc dù vậy, xét riêng với TTCK Việt Nam, kết hợp với việc chỉ số VN-Index đang dao động ở mức đỉnh 8 năm và P/E đang là 16,04 (không còn rẻ đối với 1 thị trường cận biên), việc Fed nâng lãi suất có thể kích thích gia tăng hoạt động chốt lời mạnh mẽ hơn.

Tin bài liên quan