Luồng vốn vào VN tăng mạnh: Có tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng tài chính?

Luồng vốn vào VN tăng mạnh: Có tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng tài chính?

Chưa bao giờ luồng vốn vào VN lại lớn như hiện tại: Vốn đầu tư trực tiếp đến hết tháng 11.2007 đạt 15,038 tỉ USD. Cam kết của các nhà tài trợ ODA cho VN năm 2007 là 5,4 tỉ USD.

Dự kiến lượng kiều hối chuyển về cả năm khoảng 10 tỉ USD, đầu tư gián tiếp có khả năng lên 7 tỉ USD... 

 

Chưa có đánh giá chính xác

 

Cho đến nay, dường như chưa cơ quan nào ở VN có số liệu thống kê chính xác về các luồng vốn vào VN. Trừ ODA và FDI, còn FII (đầu tư gián tiếp) và kiều hối vẫn là những con số ước đoán.

 

Bên cạnh đó, hầu như cũng chưa dự án hay đề án nghiên cứu nào chỉ ra nguyên nhân thực sự của luồng vốn vào, phân biệt những luồng vốn tạm thời và những luồng vốn vững chắc, đánh giá hiệu quả các phản ứng về chính sách để đối phó.

 

Đây cũng là một khó khăn cho việc hoạch định chính sách sử dụng hiệu quả và biện pháp phòng ngừa phù hợp với điều kiện Quốc gia.

 

USD hoá ngày càng trầm trọng

 

Đã có sự lo lắng từ nhiều phía, trong đó cả các nhà tài trợ về việc luồng vốn vào tăng mạnh nhưng VN chưa tận dụng thật tốt cơ hội để sử dụng có hiệu quả. Lượng vốn, nhất là vốn đầu tư gián tiếp chưa hấp thụ được nhiều đang gây ra một số vấn đề:

 

Thứ nhất: Từ năm 2004 đến nay, chỉ số lạm phát của VN có dấu hiệu tăng khá mạnh, cùng với thời gian khả năng tự mở rộng của lạm phát cộng với tác động của giá đầu vào và đặc biệt là sức ép từ dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào TTCK dường như làm cho lạm phát ngày càng khó kiểm soát hơn.

 

Thứ hai: Mặc dù cơ chế tỉ giá chính thức hiện nay theo công bố là cơ chế thả nổi có quản lý nhưng thực tế tỉ giá của VND neo không chính thức vào đồng USD từ năm 2004. Luồng vốn ngoại tệ đổ vào nhiều đã tạo áp lực tăng giá VND.

 

Đến ngày 6.12, tỉ giá do Vietcombank công bố là 16.039 đồng/1USD (năm 2004 VND mất giá 1% so với USD, năm 2005 là 0,8%, năm 2006 là 1,3% và 11 tháng đầu năm 2007 chỉ vào khoảng 0,3%).

 

Tình trạng này đã ảnh hưởng đến hoạt động XK. Bên cạnh đó, áp lực tăng giá VND làm tăng tổng phương tiện thanh toán và dẫn đến tăng lạm phát.

 

Thứ ba: Trước thực tế thặng dư cán cân vốn (vốn vay và luồng đầu tư giữa trong và ngoài nước, những khoản tín dụng thương mại và vay ngắn hạn), đầu năm 2007, NHNN đã bỏ VND ra mua ngoại tệ vào để tăng dự trữ quốc gia. Việc mua ngoại tệ đã khiến một lượng tiền VND khá lớn đưa ra lưu thông được coi là một trong những nguyên nhân gây áp lực lên lạm phát.

 

Thứ tư: Do USD vào nhiều, nhu cầu bán USD lấy VND của các NĐT, DN NK và cá nhân ngày càng tăng trong những tháng cuối năm, trong khi đó NHNN lại hạn chế việc mua USD từ NHTM khiến một số NHTM thừa USD, thiếu VND và không có khả năng mua hết lượng USD cho khách hàng bán ra. Tình trạng này khiến chu chuyển ngoại tệ trong nền kinh tế còn bị ách tắc, làm trầm trọng thêm tình trạng USD hoá trong nền kinh tế.

 

Giải pháp cân bằng vốn

 

Không ít người tỏ ra lo ngại về việc luồng vốn vào VN quá lớn trong một thời gian ngắn có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng như một số nước Châu Á năm 1997. Nhưng tình trạng này khó xảy ra vì: Về khách quan tăng trưởng kinh tế toàn cầu khá vững chắc, lạm phát khá ổn định, khủng hoảng tài chính (nếu có) cũng được dập tắt nhanh hơn nhờ chu chuyển vốn nhanh hơn, hiệu quả vốn tốt hơn và sự hợp tác giữa các NHTƯ và các định chế tài chính quốc tế để giải quyết các cú sốc tài chính tốt hơn.

 

Về nguyên nhân chủ quan thì trong những năm tới kinh tế VN được dự đoán là tiếp tục phát triển nhanh và tương đối ổn định. Phần lớn luồng vốn vào VN là nguồn khá vững chắc.

 

Không kể ODA, FDI, kiều hối, ngay cả FII là nguồn vốn được coi là tạm thời thì theo thống kê của một số cơ quan chức năng 60% FII vào VN là mua CP IPO (loại CP này có những quy định khá chặt chẽ về thời gian chuyển nhượng), chỉ có khoảng 30% là kinh doanh CK trên sàn niêm yết.

 

Bên cạnh đó, cho đến nay VN còn một số hạn chế về giao dịch vốn để kiểm soát luồng vốn vào như: DN FDI vẫn còn danh mục ưu tiên cân đối ngoại tệ; Còn hạn chế tỉ lệ góp vốn trong DN có vốn đầu tư nước ngoài; Đầu tư nước ngoài vào TTCK còn bị hạn chế về tỉ lệ mua và tỉ lệ nắm giữ; góp vốn mua CP của NĐNN còn bị hạn chế.

 

Sắp tới VN cũng sẽ áp dụng đánh thuế thu nhập từ lợi tức kinh doanh CK đối với cả các NĐTTN và nước ngoài, đây cũng được coi là một biện pháp kiểm soát vốn vào.

 

Theo một chuyên gia tài chính, với VN khả năng có một cuộc khủng hoảng tài chính rất khó diễn ra, ít nhất từ nay đến năm 2015, trừ khi VN áp đặt một tỉ giá hối đoái danh nghĩa thấp quá xa so tỉ giá thực.

 

Tuy nhiên, trước mắt để đối phó với lượng vốn vào lớn hiện nay, theo một số chuyên gia, VN nên thực hiện ngay một số biện pháp như: Tăng tính linh hoạt của tỉ giá, quan trọng nhất là nới rộng biên độ tỉ giá giao ngay để đối phó với các dao động phát sinh khi có nguồn vốn vào; tăng cường hệ thống giám sát khu vực tài chính và NHNN tiếp tục soạn thảo, ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài vào VN;

 

Nhà nước có những chính sách để khuyến khích xuất ngoại tệ ra nước ngoài như: Mua ở nước ngoài (hàng hoá, dịch vụ, bất động sản...); đầu tư tại nước ngoài (lập DN, góp vốn, mua CK...); gửi NH, cho vay tại nước ngoài; khuyến khích và tạo điều kiện cho công dân đi xuất khẩu lao động, du lịch; chuyển thu nhập ra nước ngoài (lợi nhuận các DN 100% vốn nước ngoài và các DN liên doanh)...

 

Tất cả các biện pháp trên nhằm mục đích cân bằng phần nào nguồn vốn ngoại tệ nhập vào VN hiện nay.

 

Lợi ích của luồng vốn vào là giúp tài trợ đầu tư trong nước, tăng năng suất lao động, giúp kinh tế của một nước hoà nhập với hệ thống tài chính thế giới, góp phần tăng trưởng kinh tế dài hạn...

 

Tuy nhiên, luồng vốn vào nhiều cũng có khả năng gây nên những rủi ro như: Áp lực tăng giá lên đồng bản tệ, tạo dư thừa vốn khả dụng dẫn đến lạm phát, tỉ giá sẽ biến động mạnh. Việc tăng vốn đổ vào một nước có thể ảnh hưởng không tốt đến khả năng quản lý vốn của các NH (nếu hệ thống NH chưa phát triển).

 

Thiếu vốn là một khó khăn, nhưng sự phát triển quá nóng của luồng vốn vào khi nền kinh tế chưa có khả năng sử dụng hiệu quả cũng khiến việc hoạch định chính sách gặp khó khăn khi đưa ra các quyết sách kinh tế chiến lược.