Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng từ 12 - 15%/năm

Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng từ 12 - 15%/năm

Lượng hóa tác động của doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam trước cú sốc Hanjin

(ĐTCK) Hanjin Shipping Global - tập đoàn vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc và lớn thứ 7 thế giới vừa nộp đơn xin phá sản tại Hàn Quốc và bảo hộ phá sản tại Mỹ nhằm giảm thiểu rủi ro bị thu hồi tài sản tại nước ngoài. Sự phá sản của hãng tàu hiện chiếm 5% thị phần vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam này có tác động như thế nào đến các doanh nghiệp khai thác cảng và vận tải biển trong nước?

Lượng hóa tác động từ vụ phá sản của Hanjin

Theo Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC, mã chứng khoán HCM), tại Việt Nam, tàu của Hanjin chủ yếu vận chuyển hàng hóa vào các cảng ở khu vực TP. HCM, bao gồm cảng Cát Lái, Tân Cảng Hiệp Phước và cảng container Quốc tế Việt Nam (VICT). Hàng tháng có khoảng 10 - 11 tàu của Hanjin vận chuyển hàng hóa vào các cảng, chủ yếu là cảng Cát Lái nên cảng này sẽ chịu nhiều tác động từ sự kiện Hanjin phá sản.

Ở khu vực Hải Phòng, hiện Hanjin không có tàu vận chuyển hàng hóa trực tiếp vào các cảng ở đây, mà chỉ có hàng hóa trung chuyển, nhưng lượng hàng hóa trung chuyển không nhiều.

Đại diện CTCP Container Việt Nam (VSC) cho biết, lượng hàng hóa của Hanjin được tiếp nhận tại các cảng biển Hải Phòng là rất nhỏ và phần lớn vào cảng Green Port, chủ yếu là hàng container với lượng hàng hóa ước tính chiếm 2 - 4% tổng lượng hàng hóa mà cảng này tiếp nhận. Vì vậy, HSC cho rằng, việc phá sản của Hanjin sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các cảng ở Hải Phòng.

HSC không đưa ra bình luận về khả năng một số khách hàng của Hanjin tại Việt Nam có thể gặp khó khăn do tàu của Hanjin với hàng hóa trên tàu bị các cảng trên thế giới từ chối tiếp nhận nhằm tránh những rắc rối liên quan đến chủ nợ (hiện hơn nửa triệu container của Hanjin đang bị “mắt kẹt” ngoài biển). Tuy nhiên, trường hợp này sẽ có sự hỗ trợ của công ty bảo hiểm.

Còn theo nhận định của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc một hãng tàu lớn như Hanjin tuyên bố dừng hoạt động chắc chắn sẽ tác động lên chuỗi vận động hàng hóa trong ngắn hạn. Hoạt động kinh doanh của nhiều đối tượng từ nhà sản xuất, người bán hàng đến các doanh nghiệp kho vận cũng đứng trước những rủi ro nhất định từ việc hàng hóa giao nhận chậm trễ đến dư nợ xấu cho các công ty kho vận cung cấp dịch vụ cho Hanjin. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, trong dài hạn, VDSC cho rằng, sự kiện này nằm trong chu trình tái cơ cấu/sáp nhập tất yếu của thị trường vận tải biển trong bối cảnh thừa cung nhiều năm nay. Qua đó, giúp cán cân cung cầu và giá cước của thị trường vận tải biển trở nên cân bằng hơn.

VCSC nhận định, trong những tháng cuối năm, nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư vào các doanh nghiệp logicstics dẫn đầu và đang thực hiện kế hoạch mở rộng công suất. Các doanh nghiệp logistics chính trong khu vực này như GMD, VSC và PHP đều có dự án mở rộng công suất, hoàn thành trong quý II và III/2016.

Đối với hoạt động khai thác cảng, theo lịch trình của Hanjin công bố trong 3 tháng gần nhất, hãng tàu này đang khai thác gần 8 chuyến/tháng cho tuyến Hải Phòng - Hàn Quốc (cảng đến chủ yếu là Busan, Incheon, Pyeongtaek) và trên 20 chuyến đi các cảng phía Nam (chủ yếu là cảng Cát Lái và VICT). Trong đó, cảng Xanh (VSC) và cảng Đình Vũ (DVP) là hai cảng chủ lực ở khu vực Hải Phòng tiếp nhận và làm hàng trung bình 4 chuyến tàu Hanjin/tháng, với sản lượng container xuất nhập khẩu bốc xếp 4.000 - 4.800 TEU/tháng/cảng. VDSC ước tính, riêng doanh thu bốc xếp hàng cho Hanjin dao động từ 3,5 - 4,2 tỷ đồng/tháng/cảng.

Với công nợ quyết toán hàng tháng, trong trường hợp hãng tàu này mất khả năng chi trả thì cảng Xanh và cảng Đình Vũ có thể sẽ phải trích lập dự phòng doanh thu phát sinh đối với Hanjin trong tháng gần nhất (tức tháng 8/2016) khoảng 4 tỷ đồng/cảng (chiếm khoảng 7% về lượng và 5% tổng doanh thu của 2 cảng).

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, hiện có một số cảng biển tại Việt Nam đã ngừng phục vụ cho Hanjin, nhưng đa phần các doanh nghiệp cảng biển không công bố về danh sách khách hàng nên không thể đánh giá chi tiết về mức độ ảnh hưởng. Tuy vậy, cảng Hải Phòng và cảng Đà Nẵng có khách hàng là Hanjin nên sẽ bị ảnh hưởng (tùy theo tỷ trọng của Hanjin trong tổng doanh thu). Với cảng của VSC thì khách hàng lớn nhất của cảng này là Evergreen Life, còn Hanjin thì chiếm tỷ trọng trong doanh thu thấp nên ảnh hưởng không đáng kể.

Theo ông Minh, các doanh nghiệp vận tải biển có thể sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn từ sự phá sản của Hanjin khi các chủ hàng phải chuyển đổi sang sử dụng các nhãn tàu khác. Một số doanh nghiệp logicstic có thể bị tác động từ sự kiện này khi khách hàng của những doanh nghiệp này đang bị tắc hàng do sử dụng dịch vụ của Hanjin. Các khách hàng sẽ phải sớm tìm cách chuyển hãng tàu vận chuyển và động thái này có thể khiến giá cước tàu tăng lên. 

Triển vọng cổ phiếu cảng biển, logicstic

Đối với triển vọng của các cảng, VDSC nhận định, dù chịu tác động trong ngắn hạn nhưng Công ty vẫn giữ quan điểm tích cực đối với lĩnh vực này khi lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng từ 12 - 15%/năm.

HSC thì đưa ra những lưu ý đối với các mã cổ phiếu cụ thể trong lĩnh vực cảng, logicstic. Với DVP, tổng hàng hóa của Hanjin đang lưu bãi tại cảng Đình Vũ vào khoảng 200 container (phí lưu bãi dao động từ 600.000 - 1.000.000 đồng/ngày/ container 40 ft).

Với VSC, HSC khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu. Hiện tổng hàng hóa của Hanjin mà các cảng của VSC tiếp nhận là không đáng kể và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh. Tổng công nợ chưa thanh toán từ Hanjin tại VSC tính đến 31/8/2016 là 5 tỷ đồng và Hanjin vẫn có 200 container có hàng và 500 thùng container rỗng lưu bãi tại cảng Green Port.

Hanjin mới trở thành khách hàng của cảng Green Port từ 3 tháng trước, với lượng hàng hóa hàng tháng là 2.300 TEU - chiếm khoảng 4% tổng lượng hàng hóa xử lý hàng tháng hiện tại của VSC. HSC đánh giá, kết quả kinh doanh quý III/2016 của Green Port có thể bị ảnh hưởng.

HSC cũng đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept. Hiện công nợ chưa thanh toán của Hanjin tại cảng Nam Hải Đình Vũ là khoảng 1 tỷ đồng (doanh thu từ hoạt động cảng của GMD trong 6 tháng đầu năm 2016 là 821 tỷ đồng).

Liên quan đến GMD, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Gemadept chia sẻ, Hanjin phá sản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Công ty do chỉ sử dụng một số dịch vụ liên quan đến Depot (kho bãi) và công nợ rất ít. 6 tháng đầu năm, GMD đã hoàn thành 56% kế hoạch lợi nhuận năm, khả năng đạt kế hoạch năm là khả quan.

VCSC nhận định, trong những tháng cuối năm, nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư vào các doanh nghiệp logicstics dẫn đầu và đang thực hiện kế hoạch mở rộng công suất.

Chẳng hạn, cụm cảng Hải Phòng dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lưu lượng hàng hóa từ 12 - 13% trong 6 tháng cuối năm nhờ thương mại tăng và công suất mở rộng.

Các doanh nghiệp logistics chính trong khu vực này như GMD, VSC và PHP đều có dự án mở rộng công suất, hoàn thành trong quý II và III/2016.

Lĩnh vực kho bãi dự báo sẽ tiếp tục đạt kết quả kinh doanh cao trong 6 tháng cuối năm nhờ tăng trưởng tổng mức bán lẻ mạnh hơn và giải ngân vốn FDI vào lĩnh vực xây dựng tăng lên. Theo đó, VCSC khuyến nghị lựa chọn các công ty điều hành cảng và kho bãi có dự án mở rộng công suất đi vào hoạt động trong 6 tháng cuối năm như GMD, VSC, TMS; các công ty điều hành cảng khu vực hạ nguồn sông Cấm tại Hải Phòng như GMD, VSC; các công ty logistics có hoạt động đa dạng và khép kín, hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế, FDI, thương mại như GMD.

Tin bài liên quan