Sẽ giới hạn các hình thức huy động vốn của CTCK

Sẽ giới hạn các hình thức huy động vốn của CTCK

Luật chơi cho công ty chứng khoán sẽ khó hơn

(ĐTCK) Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 210/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thành lập và hoạt động CTCK, mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa công bố lấy ý kiến, thì để đủ điều kiện hoạt động, các CTCK sẽ phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe hơn so với hiện tại.

Khắt khe hơn về an toàn tài chính

Dự thảo Thông tư đưa ra nhiều chuẩn cao hơn về an toàn tài chính so với hiện tại. Theo đó, trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày có báo cáo tài chính (BCTC) đã được kiểm toán hoặc soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận, CTCK phải tăng vốn hoặc rút bớt nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán trong trường hợp vốn chủ sở hữu xuống thấp hơn vốn pháp định. Trường hợp không thực hiện theo quy định này, thì CTCK không được chia lợi nhuận; không được lập chi nhánh mới, lập phòng giao dịch mới, lập văn phòng đại diện, đầu tư ra nước ngoài; không được bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, đăng ký giao dịch cho vay mua chứng khoán.

Trường hợp CTCK còn đang bị hoặc chưa khắc phục được các tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt và lỗ lũy kế chưa tới 50% vốn điều lệ, trong vòng 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn 6 tháng để tăng vốn, UBCK ra quyết định đình chỉ một hoặc một số hoạt động kinh doanh của CTCK, bảo đảm theo nguyên tắc, vốn chủ sở hữu phải đủ cho vốn pháp định tương ứng với các nghiệp vụ còn lại được phép duy trì. Trường hợp CTCK đang bị hoặc chưa khắc phục được các tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt và có lỗ lũy kế từ 50% vốn điều lệ trở lên, UBCK ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh của CTCK và yêu cầu công ty thực hiện thủ tục giải thể.

Cũng nằm trong định hướng gia tăng các yêu cầu về đảm bảo an toàn tài chính, điểm mới của dự thảo Thông tư là CTCK chỉ được huy động vốn dưới các hình thức: vay từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về ngân hàng; vay từ cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu sau khi được sự chấp thuận của ĐHCĐ và HĐQT, chủ sở hữu; phát hành chứng khoán. Ngoài các hình thức huy động vốn này, CTCK không được vay, huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân khác dưới mọi hình thức, kể cả các hợp đồng hợp tác ba bên, hợp đồng giao vốn. Ngoại trừ việc sử dụng để thanh toán giao dịch, CTCK không được sử dụng vốn của đối tác, của khách hàng trong các hợp đồng đặt cọc với bất cứ mục đích nào khác.

Ngăn ngừa rủi ro sở hữu chéo

Để ngăn ngừa rủi ro do sở hữu chéo giữa CTCK với các công ty khác, những người có liên quan với ban điều hành của CTCK, dự thảo Thông tư quy định: CTCK không được đầu tư, giao vốn cho công ty mà CTCK sở hữu từ 20% trở lên vốn điều lệ; hoặc tổ chức, cá nhân sở hữu trên 20% vốn điều lệ của CTCK. Ngoài việc không được đầu tư hoặc giao vốn cho công ty mà thành viên HĐQT, chủ tịch, thành viên ban điều hành của CTCK đồng thời là chủ tịch HĐQT, thì CTCK không được đầu tư quá 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một tổ chức phát hành, trừ trường hợp bảo lãnh phát hành hoặc đầu tư vào công ty quản lý quỹ, hoặc các quỹ đầu tư chứng khoán cấp phép tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tổng giá trị các khoản đầu tư của CTCK vào các công ty chưa đại chúng, các dự án kinh doanh không được vượt quá 20% vốn chủ sở hữu, trừ trường hợp bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn hoặc đầu tư vào công ty quản lý quỹ. Tổng giá trị đầu tư của CTCK vào các loại trái phiếu DN không được vượt quá 30% vốn chủ sở hữu, trừ trường hợp bảo lãnh phát hành trái phiếu theo hình thức cam kết chắc chắn.

Đặc biệt, dự thảo đưa ra quy định mới là CTCK không được tiếp nhận vốn từ tổ chức tín dụng dưới hình thức vay, hoặc các hợp đồng kinh tế có bản chất vay, các hợp đồng đặt cọc, hợp tác đầu tư hoặc dưới hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ cho tổ chức tín dụng, nhằm huy động vốn để mua cổ phiếu, trái phiếu phát hành bởi các tổ chức tín dụng.

Chặn CTCK “nhập nhèm” tiền của khách hàng

Những năm qua, một số CTCK có biểu hiện lạm dụng tài khoản tiền của khách hàng, làm phát sinh tranh chấp kéo dài giữa khách hàng và CTCK, khiến NĐT mất lòng tin vào thị trường.

Để giải quyết tình trạng trên, dự thảo Thông tư đưa ra một loại giải pháp. Theo đó, CTCK phải quản lý tách biệt tiền gửi giao dịch của khách hàng dưới hình thức tài khoản tổng của CTCK theo nguyên tắc: khách hàng mở và đăng ký với CTCK một hoặc một số tài khoản thanh toán tại một hoặc một số ngân hàng thương mại; CTCK mở một hoặc một số tài khoản tổng tại ngân hàng quản lý tài khoản, đứng tên CTCK, để tiếp nhận và thanh toán giao dịch chứng khoán cho khách hàng. Tại mỗi ngân hàng, CTCK chỉ được mở một tài khoản tổng. Tài khoản tổng phải tách bạch với các tài khoản khác của CTCK và phải báo cáo UBCK trước khi chính thức sử dụng và ngay sau khi đóng tài khoản này.

CTCK hoặc ngân hàng quản lý tài khoản có trách nhiệm thiết lập hệ thống kế toán tài khoản để quản lý tách biệt tới tiểu khoản của từng khách hàng. CTCK có nghĩa vụ xác định rõ số dư tiền gửi giao dịch chứng khoán tại mọi thời điểm trên tiểu khoản của từng khách hàng. CTCK phải cung cấp sao kê chi tiết số dư tiền và các giao dịch cho khách hàng tại bất cứ thời điểm nào theo yêu cầu của khách hàng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

CTCK không được thực hiện việc rút tiền mặt, hoặc thực hiện bút toán chuyển khoản nội bộ giữa các tiểu khoản tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng kể cả khi có yêu cầu của khách hàng. Tại mọi thời điểm, CTCK phải đảm bảo số dư tiền trên tài khoản tổng không nhỏ hơn nghĩa vụ phải trả của CTCK đối với khách hàng gửi tiền giao dịch chứng khoán. Trước 16 giờ thứ Hai hàng tuần, hoặc ngày làm việc đầu tiên của tuần, CTCK báo cáo UBCK số lượng khách hàng, số dư tiền của khách hàng trên tài khoản tổng của CTCK mở tại ngân hàng thương mại.

Mọi tài khoản trên tài khoản tổng không được sử dụng vào mục nào khác ngoại trừ thanh toán giao dịch cho khách hàng hoặc hoàn trả lại cho khách hàng. Trường hợp CTCK phá sản, khoản tiền này phải hoàn trả cho khách hàng, không được sử dụng để xử lý tài chính cho cổ đông, thành viên góp vốn, chủ nợ... CTCK phải đảm bảo tiền gửi giao dịch của khách hàng không bị lạm dụng, hoặc sử dụng mà chưa được ủy quyền của khách hàng bằng văn bản. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định này, ngân hàng quản lý tài khoản hoặc CTCK có trách nhiệm báo cáo UBCK và thông báo cho khách hàng trong vòng 24 giờ.

Một điểm mới đáng chú ý khác của dự thảo Thông tư là lần đầu tiên có hướng dẫn đầu tư ra nước ngoài của CTCK. Theo đó, CTCK lập chi nhánh, lập văn phòng đại diện, đầu tư ra nước ngoài phải được sự chấp thuận của UBCK trên cơ sở đáp ứng các điều kiện: có dự án lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đầu tư ra nước ngoài đã được ĐHCĐ (HĐQT, chủ sở hữu) chấp thuận bằng văn bản; đáp ứng quy định về an toàn tài chính sau khi trừ đi vốn cấp cho chi nhánh, chi phí thành lập văn phòng đại diện, vốn đầu tư ra nước ngoài; phạm vi hoạt động, lĩnh vực đầu tư phải trong phạm vi kinh doanh theo giấy phép thành lập và hoạt động của CTCK thành lập tại Việt Nam.

Tin bài liên quan