Loạn quản trị tại KHB, STT: Cổ đông thành “ông chủ khổ”

Loạn quản trị tại KHB, STT: Cổ đông thành “ông chủ khổ”

(ĐTCK) Đầu tư vào doanh nghiệp, nhưng nếu chẳng may gặp phải Ban lãnh đạo “ngồi trên pháp luật”, cổ đông đại chúng vô tình phải trở thành “ông chủ khổ”. Câu chuyện về quản trị doanh nghiệp nếu không sớm có sự cải thiện thì con đường xây niềm tin cho nhà đầu tư chứng khoán sẽ mãi xa vời.

Cổ đông KHB: Làm chủ trên… giấy tờ

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 diễn ra vào ngày 29/6/2017, Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình (mã KHB) đã thực hiện miễn nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) cũ và bầu mới toàn bộ HĐQT.

Trong số 4 thành viên HĐQT mới, có 3 thành viên được ủng hộ bởi nhóm cổ đông sở hữu/đại diện trên 51% số cổ phần có quyền biểu quyết của Công ty. Tuy nhiên, tham gia vào HĐQT là một việc, thực hiện quyền làm chủ doanh nghiệp lại là chuyện khác.

Ngày 6/9/2017, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ra thông báo: Kể từ ngày 11/9/2017, KHB bị đưa vào diện cảnh báo với lý do bổ sung là chậm nộp báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2017 quá 15 ngày (KHB đã nằm trong nhóm cổ phiếu bị cảnh báo từ trước).

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, việc không có báo cáo tài chính soát xét là hệ quả của việc Ban lãnh đạo cũ của KHB không thực hiện bàn giao tài liệu của KHB cho Ban lãnh đạo mới.

“Ngay cả con dấu họ cũng không bàn giao. Chúng tôi phải tự làm thủ tục để có thêm con dấu. Còn về tài liệu, Ban lãnh đạo mới đã đòi bằng nhiều hình thức như: yêu cầu giao nộp, liên hệ với kế toán trưởng… nhưng họ vẫn không chịu bàn giao.

Có một lần tôi nói chuyện với Kế toán trưởng thì cô này có lỡ miệng nói tài liệu vẫn ở 34 Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ngay cả Công an tỉnh Hòa Bình vào yêu cầu cung cấp tài liệu làm việc để giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế các giai đoạn trước, họ vẫn cố tình không cung cấp”, ông Sơn cho biết.

Trước đó, ngày 4/8/2017, HĐQT của KHB đã có Nghị quyết số 06/2017/NQ-HĐQT về việc đề nghị HĐQT cũ, Ban tổng giám đốc Công ty bàn giao tài sản, hồ sơ, tài liệu của Công ty cho Hội đồng quản trị trước ngày 8/8/2017; yêu cầu thực hiện các cam kết về nghĩa vụ thuế của Công ty với Nhà nước và tra soát lại báo cáo tài chính từ 2013-2016, các khoản phải thu, công nợcũng như đánh giá lại các khoản đầu tư góp vốn tại các công ty khác…

Ngày 11/8/2017, Công an tỉnh Hòa Bình có Công văn số 523/CSĐT-PC46 gửi KHB về việc yêu cầu bố trí nhân sự là giám đốc và kế toán trưởng của Công ty theo từng thời điểm từ năm 2014 đến nay và hồ sơ sổ sách, chứng từ kế toán liên quan đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn nói trên để làm việc với cơ quan này.

“Chúng tôi không hiểu vì sao mà họ (Ban lãnh đạo cũ) dám ngồi trên pháp luật như vậy. Ban lãnh đạo cũ đã không bàn giao sổ sách giấy tờ, coi như vô hiệu quyền làm chủ của cổ đông và không tôn trọng cơ quan pháp luật. Họ chỉ đại diện cho lượng nhỏ cổ phiếu, nhưng không cung cấp tài liệu cho Ban lãnh đạo Công ty.

Chúng tôi đại diện cho trên 51% số cổ phần có quyền biểu quyết, là người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, nhưng bị vô hiệu vì không được tiếp cận hồ sơ, sổ sách. Tôi nghĩ rằng, nếu vấn đề này không được giải quyết, thì ai dám tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán này?”, ông Sơn nói.

Điều gì sẽ xảy ra với KHB nếu Ban lãnh đạo cũ của Công ty tiếp tục chây ì và không bàn giao sổ sách? Hiện tại, KHB đã bị lỡ hẹn báo cáo tài chính bán niên soát xét 2017. Nếu Công ty tiếp tục bị lỡ hẹn báo cáo tài chính quý III, quý IV và cả năm 2017 thì trăm cổ đông đại chúng sẽ phải làm gì?

Chưa hết, đi kèm với hệ lụy trên là những vấn đề về hoạt động kinh doanh, khi KHB có cổ đông, có người đại diện cho cổ đông, nhưng dường như vô chủ về mặt điều hành kinh doanh. Đó là thiệt hại kép cả về chất lượng tài chính lẫn nguy cơ giảm giá chứng khoán. Những thiệt hại đã và sẽ còn hiện hữu này, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

STT: mâu thuẫn cổ đông lớn bao giờ kết thúc?

Nếu KHB đang trở thành câu chuyện điển hình của việc Ban lãnh đạo cũ biến cổ đông thành “con tin” của mình và vô hiệu việc làm chủ của HĐQT mới, thì chuyện của Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist (mã STT) lại là một thực tế cho thấy, cổ đông nhỏ lẻ có nguy cơ trở thành nạn nhân của những cuộc chiến từ các cổ đông lớn.

Ngày 31/8/2017, STT đã có Công văn số 82/2017/STT gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) giải trình về việc không công bố báo cáo tài chính bán niên 2017 soát xét. Theo đó, STT cho biết, lý do chính là do Công ty chưa thể tổ chức được cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, nên chưa thể lựa chọn được đơn vị kiểm toán độc lập.

Cùng với nội dung trên, STT cũng đưa ra những câu chuyện cho thấy sự mâu thuẫn giữa 2 nhóm cổ đông là cổ đông nước ngoài (Nhật Bản) và cổ đông trong nước.

“Trong nội bộ HĐQT Công ty có những mâu thuẫn kéo dài, chưa thể giải quyết được. Mặc dù Chủ tịch HĐQT đã nhiều lần xin ý kiến, cũng như triệu tập cuộc họp để quyết định về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, nhưng có một số thành viên như ông Nguyễn Văn Hồng và ông Đinh Quang Phước Thanh luôn tìm cách cản trở, tìm lý do để không tham dự họp.

Họ nếu có tham dự thì lại từ chối biểu quyết và đưa ra những ý kiến không xây dựng, có yếu tố đe dọa các thành viên HĐQT còn lại, khiến cho các thành viên này luôn trong tâm lý hoang mang”, Công văn viết.

Trước đó, báo cáo quản trị năm 2016 và báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2017 của STT cũng công bố những mâu thuẫn rất lớn của nội bộ HĐQT và các cổ đông STT.

Cụ thể, báo cáo quản trị năm 2016 của Công ty cho thấy, năm 2016, trong số 5 thành viên HĐQT, chỉ có 2 thành viên người Nhật Bản tham gia đầy đủ 8 cuộc họp; 1 thành viên người Nhật còn lại tham gia 5 cuộc họp do mới bổ nhiệm, còn 2 thành viên người Việt Nam chỉ tham gia 1 cuộc họp.

Báo cáo quản trị cũng cho thấy, trong năm 2016, Ban Kiểm soát không tham gia cuộc họp HĐQT nào, 1 thành viên đã có đơn từ nhiệm ngày 1/8/2016. Đến năm 2017, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2017 STT cho biết, Công ty đã tổ chức 4 cuộc họp HĐQT, với sự tham gia của 100% các thành viên người Nhật Bản, nhưng 2 thành viên người Việt còn lại là ông Nguyễn Văn Hồng – tham dự 1 cuộc họp, ông Đinh Quang Phước Thanh tham dự 2 cuộc họp. Ban kiểm soát tiếp tục không tham dự cuộc họp, không phối hợp và có thêm 1 thành viên là Ngụy Thúy Phượng gửi đơn từ nhiệm ngày 9/6/2017.

Cổ phiếu STT đã rơi vào tình trạng bị kiểm soát do lỗ năm 2016 và có lũy kế. Với tình trạng HĐQT không thể ra quyết định kinh doanh và họp Đại hội đồng cổ đông bị trì hoãn kéo dài, câu chuyện kinh doanh của STT nhiều khả năng sẽ không như kỳ vọng ban đầu của cổ đông.

Ngày 19/9/2017 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng danh sách cổ đông STT để thực hiện quyền tham dự họp Đại hội đồng cổ đông 2017. Thế nhưng, với những mâu thuẫn kéo dài, cổ đông đại chúng tại STT có cách nào để giảm thiệt hại khi phải ở lại bất đắc dĩ trong tình cảnh cổ phiếu bán không ai mua?

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, nhà đầu tư Trần Mạnh Thu chua chát nói: “Chúng tôi, từ ông chủ nhỏ thành ông chủ khổ khi vướng vào mấy doanh nghiệp loạn quản trị như thế này”.

Tin bài liên quan