Bên cạnh cơ cấu cổ đông cô đặc với 97,66% cổ phần nắm giữ bởi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, sự ảm đạm của cổ phiếu DHB còn bởi Công ty có tên trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương.
Giá chào sàn gấp đôi giá trị sổ sách
Ngày 26/7, DHB đưa 272,2 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM, với giá tham chiếu 6.800 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá này, DHB là một trong số ít doanh nghiệp chào sàn dưới mệnh giá. Tuy nhiên, trái ngược với bối cảnh giao dịch sôi động toàn thị trường cũng như thương hiệu Đạm Hà Bắc nhiều lần được truyền thông nhắc đến, cổ phiếu DHB rơi vào tình trạng đóng băng, mất thanh khoản ngay từ phiên chào sàn.
Sự vắng lặng ở cả bên mua và bên bán đối với cổ phiếu DHB không quá bất ngờ với những nhà đầu tư quan tâm theo dõi một trong 4 doanh nghiệp đầu ngành sản xuất urê trong nước này. Bên mua chưa mặn mà, trong khi bên bán chưa dám mạnh dạn cắt lỗ.
Trong lần đấu giá lần đầu ra công chúng tổ chức ngày 13/11/2015, dù số lượng cổ phiếu mà Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) - công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ DHB, muốn chào bán lên tới 94,78 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ 34,8%), nhưng chỉ có 17 nhà đầu tư tổ chức và 5 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua tổng cộng 3.366.000 cổ phiếu (1,23%), với giá trúng bình quân 10.002 đồng/cổ phiếu, cao hơn 2 đồng/cổ phiếu so với giá khởi điểm.
Khi đó, kết quả kinh doanh năm 2015 thua lỗ, nhưng nhà đầu tư kỳ vọng DHB sẽ sớm vượt qua kịch bản lỗ trong 2 năm đầu khi dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động theo báo cáo khả thi của dự án.
Việc mua vào cổ phiếu ở thời điểm được cho là khó khăn nhất có thể đem lại mức lợi nhuận tốt nếu kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện. Tuy nhiên, cho đến nay, thua lỗ tại DHB đã vượt xa kế hoạch ban đầu.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính được doanh nghiệp công bố, từ mức lợi nhuận sau thuế hơn 300 tỷ đồng 2012, đến năm 2015, DHB báo lỗ gần 660 tỷ đồng, sang năm 2016 lỗ thêm 1.040,7 tỷ đồng, gấp 2,13 lần kế hoạch đầu năm. Giá trị sổ sách tại thời điểm cuối năm 2016 chỉ còn 3.716 đồng/cổ phiếu.
Năm 2017, số liệu tài chính quý II chưa được DHB công bố. Theo báo cáo tài chính quý I, Công ty lỗ 217,5 tỷ đồng, “hoàn thành” 25,67% kế hoạch năm (lỗ 847,4 tỷ đồng), nâng tổng lỗ lũy kế lên 1.938,7 tỷ đồng, bằng 71,23% vốn điều lệ.
Thua lỗ lớn
DHB là doanh nghiệp đầu tiên của ngành sản xuất đạm Việt Nam khi được khởi công xây dựng từ những năm 1960, hiện là một trong 4 doanh nghiệp chuyên sản xuất urê lớn nhất cả nước, với công suất 500.000 tấn/năm, chiếm 18,8% năng lực sản xuất toàn ngành. Sản phẩm đạm urê chiếm hơn 80% tổng doanh thu của Công ty.
Ngoài ra, DHB có thể sản xuất NH3 lỏng nguyên chất 99,9% với năng suất 300.000 tấn/năm, NH3 dung dịch 30.000 tấn/năm. Các loại sản phẩm NH3 được sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất urê trong nội bộ hoặc bán thương mại. Thị trường chính là các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ, một phần tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ và xuất khẩu lượng nhỏ sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Tuy nhiên, trái ngược với kết quả kinh doanh tích cực tại nhiều doanh nghiệp khác trong ngành như Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM), tình hình kinh doanh của DHB có chiều hướng đi xuống. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) từ mức gần 18,5% năm 2012 đã giảm dần qua năm 2013, 2014 và âm trong năm 2015, 2016.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh năm 2016, Ban lãnh đạo DHB cho biết, tình hình sản xuất - kinh doanh của Công ty gặp bất lợi kép trong cạnh tranh.
Cùng làm nguyên liệu để sản xuất đạm urê, nhưng trong khi giá khí giảm mạnh, các đơn vị sản xuất urê từ khí thiên nhiên như DPM, DCM được hưởng lợi, thực hiện giảm giá để tăng sức cạnh tranh, thì DHB sử dụng than làm nguyên liệu đầu vào, giá than không những không giảm, mà còn cao hơn giá thế giới.
Chỉ tính từ năm 2009, giá than trong nước và quốc tế đã tăng gần 100%, khiến chi phí đầu vào của Công ty tăng. Trong khi đó, sản phẩm đầu ra phải cạnh tranh bình đẳng về giá với urê nhập khẩu và urê của các nhà máy đạm khí, khiến con số thua lỗ của DHB càng lớn.
Có thể hiểu, những khó khăn khách quan cho ngành sản xuất urê nói chung và DHB nói riêng từ giá nguyên liệu đầu vào, giá bán đầu ra, mất cân đối cung cầu đến chính sách thuế của nhà nước… là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự thua lỗ của DHB, trong đó đáng kể nhất là việc Công ty sử dụng than làm nguyên liệu đầu vào so với doanh nghiệp dùng khí.
Tuy nhiên, một lý do khác không thể không kể đến là chất lượng, hiệu quả của dự án đầu tư mở rộng nhà máy mới của DHB, với số vốn hơn 10 ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2008, DHB (khi đó là công ty TNHH một thành viên) đã triển khai dự án cải tạo, mở rộng nhà máy, với tổng vốn đầu tư 568 triệu USD, nhằm nâng công suất lên mức 500.000 tấn urê/năm.
Trong đó, đầu tư một dây chuyền sản xuất mới có công suất 320.000 tấn urê và cải tạo dây chuyền sản xuất hiện có công suất 180.000 tấn urê/năm từ than cục sang sử dụng nguyên liệu than cám, với kỳ vọng vươn lên thành “Cánh chim đầu đàn” trong lĩnh vực sản xuất phân bón, hóa chất trong nước.
Sau nhiều năm chậm tiến độ, đội vốn, đến cuối năm 2015, công trình được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng.
Với tổng giá trị giải ngân là 10.016 tỷ đồng tính đến tháng 9/2016 (theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng), trong đó có hơn 7.400 tỷ đồng vốn vay, dự án đã khiến chi phí lãi vay, khấu hao của DHB tăng cao, “ăn mòn” lợi nhuận, trong khi gần như toàn bộ nguồn vốn nhàn rỗi được sử dụng làm vốn đối ứng và Công ty phải vay vốn từ các ngân hàng để phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh, ảnh hưởng đến dòng tiền.
Thêm vào đó, dây chuyền, máy móc thiết bị không ít lần xảy ra sự cố, mức tiêu hao nguyên vật liệu cao hơn. Hệ quả, thay vì đem lại bước phát triển cho DHB, dự án này kéo Công ty ngày càng thụt lùi.
Theo báo cáo tài chính, tại thời điểm cuối quý I/2017, tổng nợ phải trả của DHB là 8.896 tỷ đồng, chiếm 91,9% tổng nguồn vốn. Trong đó, riêng vay nợ thuê tài chính là 7.932 tỷ đồng (có 93% là nợ dài hạn, chủ yếu tài trợ cho nhà máy mới).
Ngay trong 2015 - năm đầu tiên nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay của DHB là 448,1 tỷ đồng, khấu hao 417,8 tỷ đồng, đẩy doanh nghiệp rơi tình trạng thua lỗ. Năm 2016, chi phí lãi vay tăng lên 671,3 tỷ đồng, khấu hao 687 tỷ đồng (trong đó, phần chi phí khấu hao của dự án mở rộng, cải tạo nhà máy mới là 674 tỷ đồng và lãi vay 629,4 tỷ đồng). Khấu hao chiếm 26,63% chi phí sản xuất của DHB, chỉ sau nguyên vật liệu (59,11%).
Nợ tăng, vốn chủ sở hữu giảm, không chỉ các chỉ số tài chính ngày càng yếu kém, mà các chỉ số thanh toán hiện hành, thanh toán nhanh của DHB đều ở mức rủi ro cao; dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tuy dương, nhưng khá nhỏ so với quy mô nợ và lãi vay phải trả.
Trong báo cáo năm 2016, Chủ tịch Hội đồng quản trị DHB Phạm Văn Tiền thừa nhận, “dòng tiền Công ty luôn trong tình trạng thiếu hụt, Công ty có những lúc không cân đối được nguồn tiền”.
Lỗ lớn, lên sàn để làm gì?
Kinh doanh thua lỗ, ngập trong nợ nần, nhiều lần kêu cứu, dễ hiểu tại sao nhà đầu tư không mặn mà với một trong những doanh nghiệp có năng lực sản xuất hàng đầu ngành phân bón.
Câu chuyện của DHB không khác câu chuyện của Công ty cổ phần DAP - Vinachem (DDV) là mấy khi cùng lâm vào cảnh thua lỗ và bị đặt dấu hỏi về hiệu quả khi đầu tư lớn cho nhà máy mới. Có chăng, tỷ lệ thua lỗ của DDV thấp hơn và cổ phiếu có thời điểm được giao dịch trên mệnh giá.
Với chính sách cổ phần hóa gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch, thị trường chứng khoán sẽ đón nhận thêm cổ phiếu của những doanh nghiệp đang thua lỗ như Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai, Đóng tàu Dung Quất, Thép Việt Trung…
Ở góc độ huy động vốn của doanh nghiệp, việc lên sàn của các doanh nghiệp kinh doanh yếu kém chưa thể mong làm được. Ở đó, chỉ có một hy vọng mong manh rằng, về lâu dài, dưới sự giám sát của thị trường cũng như tuân thủ các yêu cầu về quản trị, công bố thông tin, các doanh nghiệp buộc phải công khai, minh bạch hơn, qua đó hoạt động hiệu quả hơn.