Động thái thoái vốn của SCIC tại một số DN như Vinamilk được kỳ vọng tạo hiệu ứng tích cực trên TTCK

Động thái thoái vốn của SCIC tại một số DN như Vinamilk được kỳ vọng tạo hiệu ứng tích cực trên TTCK

Lo ngại khi cổ đông lớn thoái vốn

(ĐTCK) Làn sóng thoái vốn tại các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán chưa bao giờ mạnh mẽ như thời điểm hiện tại.

Mới đây, CTCP Khải Toàn đã bán ra 3 triệu cổ phiếu của Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam (VNE), giảm tỷ lệ sở hữu sở hữu xuống còn 12,64% (tương đương hơn 10,4 triệu cổ phiếu). Trước đó, tại doanh nghiệp này, CTCP Bảo Phước, cổ đông từng nắm giữ 12,48% vốn cũng đã bán ra 5 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn gần 4,6% và không còn là cổ đông lớn.

Hiện tại, VNE chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2016, nhưng theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, kết quả kinh doanh của VNE chưa thoát khỏi tình trạng suy giảm. 6 tháng đầu năm 2016, VNE chỉ đạt doanh thu gần 292,6 tỷ đồng, giảm gần 46% so với cùng kỳ năm 2015 và lỗ ròng 24,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2015, Công ty lãi gần 46 tỷ đồng.

Tại CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA), cổ đông ngoại Beira Limited vừa thoái toàn bộ hơn 6,53 triệu cổ phần (tỷ lệ 12,59%), mặc dù kết quả kinh doanh của Công ty đang tốt và diễn biến giá cổ phiếu cũng tích cực. Nguyên nhân được cho là quỹ này đang muốn rút vốn tại thị trường Việt Nam. Trước đó, Beira Limited đã thoái hết 7,8 triệu cổ phiếu, tương đương 13,41% cổ phần của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB).

Tại NBB, thời gian qua cũng ghi nhận việc thoái vốn của nhóm quỹ đầu tư thuộc quản lý của Deutsche Bank AG, Hong Kong Branch.

Nhiều cổ đông cá nhân cũng không nằm ngoài xu hướng thoái vốn.  Đơn cử như cổ đông Đặng Thị Thúy vừa thực hiện thoái hết 6,07% vốn (tương đương 72.810 cổ phần) và không còn là cổ đông lớn của CTCP Logistics Portserco (PRC).

Trên sàn UPCoM, hoạt động thoái vốn cũng diễn ra khá rầm rộ. CTCP Muối Khánh Hòa  (KSC) ghi nhận việc HĐQT và người có liên quan đồng loạt bán cổ phiếu. Từ nửa cuối tháng 9/2016 đến nay, nhiều cổ đông nội bộ của KSC và người có liên quan liên tục thực hiện giao dịch bán cổ phần và chỉ có 2 cá nhân thực hiện giao dịch mua cổ phiếu. Giá cổ phiếu KSC lại ở mức rất thấp 400 đồng/CP, được duy trì đi ngang nhiều tháng qua.

Ngày 12/10 vừa qua, CTCP Cơ điện lạnh (REE) đã thoái hết hơn 6,76 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ sở hữu 6,76%) của CTCP Cấp nước Đồng Nai (DNW, sàn UPCoM) và hiện không còn là cổ đông lớn của DNW…

Với động thái thoái vốn ồ ạt của các cổ đông lớn như trên, ngoài lý do cơ cấu lại danh mục đầu tư, thì còn cho thấy nguyên nhân khác, đó là các cổ đông lớn chẳng còn mặn mà với doanh nghiệp. Và điều này trong chừng mực nào đó gây ấn tượng không tích cực về doanh nghiệp trong con mắt giới đầu tư.

Trong khi đó, cũng là việc cổ đông lớn thoái vốn, nhưng lộ trình thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại một số doanh nghiệp lại đang được đón nhận khá tích cực. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm giữ, SCIC sẽ thoái vốn tại 10 doanh nghiệp gồm CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng CTCP Bảo Minh, Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, CTCP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, CTCP Nhựa Bình Minh, CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang, CTCP FPT và CTCP Viễn thông FPT… Tổng trị giá vốn hóa của 10 doanh nghiệp này đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, trong đó riêng phần vốn tại Vinamilk chiếm 90%, ước 90.000 tỷ đồng. Với việc thoái vốn đối với 9 doanh nghiệp còn lại, SCIC đang thực hiện lộ trình và báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện, có thể thoái ngay một số doanh nghiệp vào nửa năm đầu 2017.

SCIC cho biết, việc thoái vốn phải đi theo lộ trình và trật tự, để không chỉ đảm bảo hiệu quả nhất giá trị tài sản của Nhà nước, mà còn phải giữ cho hoạt động của doanh nghiệp được phát triển ổn định và tình trạng cân bằng của thị trường vốn.

Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một doanh nghiệp đang niêm yết cho biết, Công ty sẽ không thoái vốn trực tiếp tại công ty con bằng mọi giá và sẽ chọn thời điểm thích hợp để chuyển nhượng, tránh những diễn biến xấu về cổ phần. Phần lớn khoản thoái vốn quy mô lớn được thực hiện qua giao dịch thỏa thuận và điều này không gây áp lực trực tiếp đến thị trường. Cũng có những cổ đông đăng ký bán, nhưng sau đó không giao dịch thành công chưa đạt được mục tiêu về giá do thị trường diễn biến không thuận lợi.

Cổ đông lớn thoái vốn sẽ tạo cơ hội cho người mới vào tiếp quản doanh nghiệp, nhưng cách như thế nào để doanh nghiệp được định giá đúng và không gây ảnh hưởng đến tâm lý chung của nhà đầu tư là điểm rất cần được cân nhắc hiện nay.          

Tin bài liên quan