TTCK đang cần có những chính sách phát triển bền vững

TTCK đang cần có những chính sách phát triển bền vững

Lên sàn cũng nhiều, rời sàn cũng… báo động

(ĐTCK) Từ đầu năm đến nay, có nhiều doanh nghiệp niêm yết mới, nhưng ngược lại, không ít doanh nghiệp đã và đang tiến hành hủy niêm yết, cả bắt buộc và tự nguyện.

Thêm 14 cổ phiếu lên sàn và nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ

Trên HOSE, trong quý I/2015, có 6 doanh nghiệp thực hiện niêm yết mới, với số lượng 685 triệu cổ phiếu, gấp 3,5 lần so với quý IV/2014. Khối lượng tăng thêm này phần lớn đến từ 529 triệu cổ phiếu của Đạm Cà Mau (DCM).

Hiện tại, CTCP Phân lân nung chảy Văn Điển được HOSE chấp thuận chính thức niêm yết. Hai doanh nghiệp khác là CTCP Đầu tư AMD Group và CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2 - vốn điều lệ 2.560 tỷ đồng) được HOSE chấp thuận nguyên tắc niêm yết. Ngoài ra, HOSE đang thẩm định hồ sơ niêm yết của 6 doanh nghiệp gồm: CTCP Thuốc sát trùng Việt Nam, CTCP Địa ốc Long Điền, CTCP Bamboo Capital, CTCP Thương mại Đầu tư Bất động sản An Phát, CTCP Cáp treo Núi bà Tây Ninh, CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Kiên Giang.

Trên HNX, trong quý I/2015 có 4 cổ phiếu niêm yết mới và từ đầu quý II đến nay có thêm 4 cổ phiếu mới, bao gồm: TTB, PBP, NHP, PSE, HKB, KVC, DPS, FID.

Lên sàn cũng nhiều, rời sàn cũng… báo động ảnh 1
Ngoài những doanh nghiệp đã nộp hồ sơ chính thức lên hai Sở để đăng ký niêm yết thì tại ĐHCĐ 2015, nhiều doanh nghiệp công bố thông tin về việc niêm yết.
Chẳng hạn, cổ phiếu được nhiều NĐT quan tâm và mong chờ là CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) đã IPO thành công vào cuối năm 2014, dự kiến niêm yết trong quý III/2015. Với tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng khoảng 41%, kỳ vọng cổ phiếu STK sẽ được giao dịch sôi động sau khi niêm yết.
CTCP Bột giặt và Hoá chất Đức Giang đã được chấp thuận niêm yết 33,5 triệu cổ phiếu trên HNX. Vietjet Air đã lên kế hoạch IPO vào đầu quý 3 năm nay và sẽ xin ý kiến cổ đông về thời điểm đưa cổ phiếu lên niêm yết trên TTCK tập trung.

Tình trạng rời sàn đáng báo động

Theo danh sách huỷ niêm yết và dự kiến hủy niêm yết do HOSE công bố, có 9 doanh nghiệp bị huỷ niêm yết gồm: DCT, VST, NVN, VNI, HSI, MPC, NHW, HLA, SBC. Trong đó, có 6 trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc do kinh doanh thua lỗ và 3 trường hợp hủy niêm yết tự nguyện (MPC, SBC, NHW).

Một số doanh nghiệp cầm chắc “án” huỷ niêm yết như CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN), năm vừa qua lỗ gần 80 tỷ đồng, khiến lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ sau kiểm toán năm 2014.

Với trường hợp xin huỷ niêm yết tự nguyện, gần đây nhất là CTCP Thế kỷ 21 (C21), với lý do sau 4 năm niêm yết, cổ phiếu C21 gần như không có thanh khoản và giá giao dịch ở dưới giá trị sổ sách. Công ty không thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu qua TTCK. Theo đó, HĐQT C21 đề xuất sẽ sử dụng nguồn quỹ của Công ty để mua lại 4,8 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, với giá 22.000 đồng/CP, trong đó HĐQT được quyết định mua lại 200.000 cổ phiếu của cổ đông nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, thống kê từ năm 2009 đến tháng 7/2014, có 161 doanh nghiệp hủy niêm yết. Từ năm 2011 đến 2014, số doanh nghiệp niêm yết mới luôn thấp hơn số doanh nghiệp hủy niêm yết.

Ông Hiển cho rằng, nếu không có chính sách phát triển TTCK bền vững, thì tình trạng doanh nghiệp hủy niêm yết sẽ rất trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp huỷ niêm yết, nhất là hủy niêm yết bắt buộc sẽ làm tổn thương NĐT. Đặc biệt, những đợt tăng giảm thất thường của thị trường sẽ làm nhiều nhà đầu tư thua lỗ, khiến họ rời bỏ thị trường và rất ít trong số họ quay trở lại, nhất là nhà đầu tư cá nhân.

TTCK là thị trường của niềm tin, một khi NĐT không còn niềm tin, không ở lại thị trường, thì TTCK khó có thể đóng vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Tin bài liên quan