Năng lực vận tải đường sắt hiện đạt khoảng 4,5% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 1,8% tổng lượng vận tải hàng hóa

Năng lực vận tải đường sắt hiện đạt khoảng 4,5% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 1,8% tổng lượng vận tải hàng hóa

Lên sàn, cơ hội “thức tỉnh” cho doanh nghiệp đường sắt

(ĐTCK) Trong nỗ lực thay đổi diện mạo ngành đường sắt, năm 2015, thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt (VNR), nhiều doanh nghiệp đường sắt đã hoàn thành việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Sau nỗ lực cổ phần hóa, các doanh nghiệp lần lượt lên sàn chứng khoán.

Nửa cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2016, liên tiếp 4 doanh nghiệp ngành đường sắt đã thực hiện đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM gồm: CTCP Đường sắt Yên Lào (YRC), CTCP Đường sắt Bình Trị Thiên (BTR), CTCP Đường Sắt Nghĩa Bình (NBR), CTCP Vận tải và Thương mại Đường sắt (RAT). Tới đây (dự kiến ngay trong tháng 9), 2 doanh nghiệp quy mô lớn nhất của VNR là CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội (vốn điều lệ 800 tỷ đồng) và CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn (vốn điều lệ hơn 500 tỷ đồng) sẽ gia nhập UPCoM, với mã chứng khoán lần lượt là HRT và SRT.

Lên sàn chứng khoán được coi là cơ hội để các doanh nghiệp đường sắt nâng cao quản trị công ty, hướng tới sự minh bạch trong khai thác và quản lý tài sản nhà nước. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần vào nỗ lực thay đổi diện mạo của “ông lớn” được xem là trì trệ nhất ngành giao thông vận tải hiện nay.

Theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, VNR đặt mục tiêu phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 8% trở lên. Đối với các công ty VNR nắm cổ phần chi phối, mục tiêu là doanh thu vận tải tăng trưởng bình quân hàng năm từ 8% trở lên và kinh doanh có lãi, khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng trưởng bình quân 4%/năm, vận chuyển hành khách tăng 3%/năm.

Với chỉ đạo từ VNR, các doanh nghiệp đường sắt đã đặt ra những kế hoạch thay đổi mạnh mẽ để cải thiện tình hình hiện tại.

Chẳng hạn SRT, 6 tháng đầu năm, dù đạt doanh thu 775,7 tỷ đồng, nhưng Công ty lỗ hơn 35 tỷ đồng. Trước kết quả này, giai đoạn cuối năm, để đảm bảo kết quả kinh doanh tối thiểu không lỗ, HĐQT SRT yêu cầu Ban điều hành xây dựng nhiều kịch bản để chủ động điều hành, ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Ngoài các biện pháp tăng doanh thu, kiểm soát chi phí, khai thác hết nguồn lực, SRT sẽ nâng cấp trang thiết bị, đồ dùng phục vụ hành khách và các dịch vụ trên tàu, nâng cấp chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên để khai trương mô hình “đoàn tàu - khách sạn”, dự kiến đi vào phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán 2017.

Về thực hiện các dự án kinh doanh, đầu tư, SRT dự kiến đầu tư 150 toa xe Mc, 2 ram tàu khách hiện đại, nâng cấp cải tạo toa xe khách. Dịp lễ Quốc khánh vừa qua, SRT đã đưa vào khai thác, sử dụng 2 toa xe thế hệ mới cho tuyến Sài Gòn - Phan Thiết.

Tại HRT, 6 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu thuần 1.053 tỷ đồng, lợi nhuận 700 triệu đồng. Kết quả này có sự cải thiện khi cùng kỳ năm ngoái đạt doanh thu 193 tỷ đồng và lỗ 11,2 tỷ đồng. Năm 2016, HRT đặt kế hoạch đạt doanh thu 3.130,882 tỷ đồng và lãi sau thuế 12 tỷ đồng. 2 năm tiếp theo, HRT đặt mục tiêu lợi nhuận lần lượt 13,6 tỷ đồng và 16 tỷ đồng.

Với YRC, giai đoạn 2016 - 2018, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng chung hàng năm từ 10% trở lên so với năm trước, trả cổ tức tối thiểu 7%/năm. Trong đó, kế hoạch doanh thu tăng từ 121,9 tỷ đồng năm 2016 lên 147,5 tỷ đồng năm 2018, lợi nhuận tương ứng đạt từ 3,4 đến 4,2 tỷ đồng. Năm 2015, YRC đạt doanh thu 110,5 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 2,8 tỷ đồng.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020, ngành đường sắt phấn đấu năm 2020, vận tải đường sắt chiểm tỷ trọng tối thiểu 13% về nhu cầu luân chuyển hành khách và 14% về luân chuyển hàng hóa trong tổng khối lượng của toàn ngành giao thông vận tải. Hiện tại, năng lực vận tải đường sắt còn cách khá xa chỉ tiêu này, chỉ đạt khoảng 4,5% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 1,8% tổng lượng vận tải hàng hóa.

Để đạt được mục tiêu chung toàn ngành, các doanh nghiệp đường sắt sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, lên sàn chứng khoán, với những áp lực về quản trị công ty, công khai, minh bạch, kỳ vọng các doanh nghiệp đường sắt sẽ sớm đổi vận, năng động hơn, hiệu quả hơn.  

Tin bài liên quan