Tại Việt Nam, pháp lý cho huy động vốn và giao dịch các ICO, ITO hay IBO của HVA vẫn còn khá mong manh

Tại Việt Nam, pháp lý cho huy động vốn và giao dịch các ICO, ITO hay IBO của HVA vẫn còn khá mong manh

Lập sàn tài sản số: Có nên loại bỏ ngay từ ý tưởng?

(ĐTCK) Trên thế giới, khái niệm "cryptocurrency" đã được biết đến ngày một rộng rãi. Còn ở Việt Nam, con đường cho sản phẩm này đi vào hoạt động mới đang ở dạng ý tưởng và chưa tìm được “cửa” nào để tính bước đi tiếp theo.

Ngân hàng Nhà nước: Chuyển kiến nghị của HVA cho Bộ Tài chính nghiên cứu

Theo Đề án thị trường giao dịch tài sản số mà Công ty cổ phần Đầu tư HVA (mã HVA) đã trình lên Thủ tướng, ý tưởng của HVA là xây dựng một thị trường tài sản số dựa trên nền tảng blockchain. Theo HVA, đây không phải là tiền ảo (vì không có ý nghĩa làm phương tiện thanh toán ngoài hệ sinh thái của Dự án), không phải kinh doanh đa cấp lừa đảo, mà dựa trên quyền được tự do làm những ngành nghề pháp luật không cấm như Luật Doanh nghiệp quy định.

Tuy nhiên, đó là ý kiến từ phía doanh nghiệp. Về phía cơ quan quản lý, các ý kiến đưa ra không có nội dung nào cho phép “khởi nghiệp” ý tưởng này. Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước có công văn phúc đáp công văn số 4327/VPCP-ĐMDN ngày 11/5/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của HVA về ban hành khung pháp lý đối với hình thức huy động vốn IBO (Initial Bounty Offerings) và phê duyệt Đề án thị trường giao dịch tài sản số.

Theo đó, cơ quan này cho rằng, trên thế giới chưa tồn tại khái niệm IBO như HVA đề cập tại Đề án, mà cơ bản hoạt động huy động vốn này có bản chất là hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (Initial Coin Offering - ICO, hoặc ITO - Initial Token Offering, huy động vốn thông qua phát hành token) với phạm vi đối tượng chủ yếu là các công ty/dự án khởi nghiệp nhằm gọi vốn cho các dự án đầu tư mạo hiểm của những doanh nghiệp này.

“Hoạt động này khá giống với hoạt động huy động vốn, gọi vốn từ phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO), các token được phát hành có chức năng giống chứng khoán, có vai trò như một loại giấy tờ có giá hứa hẹn đem lợi lợi tức cho nhà đầu tư từ việc nắm giữ chúng.

Bởi vậy, hoạt động huy động vốn và việc quản lý sàn giao dịch tài sản số như đề cập tại Đề án của HVA có thể sẽ liên quan nhiều hơn đến hoạt động trên thị trường chứng khoán và chịu sự quản lý chính từ cơ quan quản lý là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (thuộc Bộ Tài chính)”, công văn của Ngân hàng Nhà nước viết.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg về việc tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Theo đó, Bộ Tài chính được giao làm đầu mối phối hợp với Bộ Tư pháp “nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), nên cơ quan này đề nghị chuyển kiến nghị của HVA cho Bộ Tài chính nghiên cứu, xử lý theo đúng chức năng, thẩm quyền.

Bộ Tài chính: Trong thời gian chờ pháp lý, HVA không được huy động vốn qua IBO

Trả lời công văn của HVA về Đề án thị trường giao dịch tài sản số trên cơ sở 2 phiếu chuyển của Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, phương thức huy động vốn IBO chưa có cơ sở pháp lý để triển khai tại Việt Nam.

“Mặt khác, IBO được thực hiện trên cơ sở công nghệ blockchain - là công nghệ sử dụng cho phát hành tiền ảo hiện đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 về việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý tiền ảo và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Do đó, trong thời gian hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Tài chính đề nghị HVA không được triển khai phương thức huy động vốn IBO”, trích công văn số 6557/BTC-TCNH của Bộ Tài chính.

Thế giới có, chúng ta chậm mãi hay ngoài cuộc?

Khái niệm “tiền ảo” được sử dụng để việt hóa thuật ngữ "cryptocurrency" khiến tiền số hóa dường như không nhận được thiện cảm của số đông người dân và nhà đầu tư. Thêm vào đó, những sự vụ liên quan đến đa cấp, lừa đảo đầu tư sản phẩm này khiến “tiền ảo” càng bị nhìn nhận một cách tiêu cực.

Trong khi đó, trên thế giới, số loại tiền số hóa này đã và đang tăng khá mạnh. Dữ liệu trên Invesing.com cho thấy, kết thúc tuần đầu tháng 6, số loại coin đang giao dịch khoảng 1.600 loại, nhưng đến ngày 13/6/2018, dữ liệu của Investing.com đã nhảy lên con số 1.902 loại. Mức tăng chóng mặt này cho thấy, huy động vốn qua hình thức ICO, ITO trên thế giới đang ngày một tăng lên. Tại Mỹ, vị thế của các tiền điện tử chính thống cũng đang được ghi nhận và quản lý rành mạch.

Trong khu vực, Thái Lan đã chấp nhận hình thức huy động vốn này. Ngay khi được luật hóa, Bangkok Post cho biết, dự kiến có khoảng 10 công ty sẽ nộp đơn xin giấy phép, với 7 loại tiền điện tử nổi tiếng trong số các loại tiền điện tử đã có để trở thành hợp pháp tại Thái Lan, với các điều khoản và điều kiện nhất định.

Tại Việt Nam, có một thực tế là, pháp lý cho huy động vốn và giao dịch các ICO, ITO hay IBO của HVA vẫn còn khá mong manh. Chính xác là không có dòng nào nói là bị cấm, nhưng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể và thiếu cơ quan quản lý.

Thực tế, luôn có một dòng tiền không nhỏ từ Việt Nam đổ vào hoạt động đầu tư chưa được kiểm soát này ra bên ngoài nền kinh tế, thông qua các giao dịch chi tiêu trên thẻ VISA, Master Card… Lãnh đạo một quỹ lớn tại châu Âu đã từng gửi thư về cho Báo Đầu tư Chứng khoán đề nghị viết bài cảnh tỉnh về Aladin, một loại tiền kỹ thuật số mà vị này cho rằng, nó nên bị coi là lừa đảo. Điều đáng ngại hơn cần được cảnh báo cho nhà quản lý là: “Dù nó hướng về các thị trường lớn khác trên thế giới, nhưng lượng truy cập website của công ty này, phần lớn đến từ Việt Nam”, ông nói.

Trước một ý tưởng mới mẻ đến từ doanh nghiệp, trong trường hợp này là HVA, liên quan đến chuyện lập không gian huy động vốn theo kiểu mới, Chính phủ đã rất kịp thời chỉ đạo các bộ, ban ngành có phản hồi cho doanh nghiệp.

Dù các cơ quan chức năng đã có phản hồi, nhưng điều mà doanh nghiệp và thị trường cần nhất là những hồi âm về việc đánh giá tính khả thi của ý tưởng, chia sẻ về các nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài, hay sự thúc đẩy cơ chế pháp lý đang ở mức độ nào trên con đường tìm ra giải pháp phù hợp trong môi trường Việt Nam.

Dừng lại một ý tưởng là không khó, nhưng đồng hành và hỗ trợ những ý tưởng mới là điều khó hơn. Với cách trả lời hiện tại của cơ quan chức năng, doanh nghiệp sẽ đành loay hoay giữa hai con đường: Cứ làm và chấp nhận rủi ro, hay ngồi im chờ đợi?

Tin bài liên quan