Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên 2016 được thực hiện với sự hợp sức của UBCK, HOSE, HNX, Dragon Capital, Báo Đầu tư Chứng khoán, IFC, ACCA

Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên 2016 được thực hiện với sự hợp sức của UBCK, HOSE, HNX, Dragon Capital, Báo Đầu tư Chứng khoán, IFC, ACCA

Lan tỏa những giá trị đẹp

(ĐTCK) Năm nay, Lễ trao giải Báo cáo thường niên tốt nhất 2016 tiếp tục được tổ chức đồng thời với sự kiện sinh nhật TTCK Việt Nam. Trong hành trình 16 năm hoạt động của TTCK, của Sở GDCK TP. HCM.

Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất trải qua 9 mùa chấm giải, chọn lọc, vinh danh và lan tỏa những giá trị đẹp từ nhiều doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là giá trị từ sự minh bạch, quản trị tiên tiến, định hình khát vọng phát triển bền vững đến cộng đồng.

Nếu như 9 năm về trước, TTCK Việt Nam có chưa 33 doanh nghiệp (DN) tham dự Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất, thì nay, diện mạo TTCK, DN niêm yết và Cuộc bình chọn đã lên một tầm cao mới với gần 600 DN tham gia.

TTCK Việt Nam hiện có trên 700 DN niêm yết tại 2 Sở, thu hút sự tham gia của trên 1,5 triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước với thanh khoản ngày càng được cải thiện. Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội các Sở GDCK thế giới (WFE) và kể từ năm 2015, cả 2 Sở tại Việt Nam đã trở thành đối tác của Sáng kiến Sở GDCK phát triển bền vững của Liên hợp quốc, với trách nhiệm trước hết là thúc đẩy phát triển bền vững đi vào nhận thức và hành động của các DN niêm yết trên sàn.

Song hành cùng TTCK Việt Nam, Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất đã liên tục đổi mới, nâng cấp qua từng năm nhằm thúc đẩy các DN cải thiện chất lượng minh bạch, quản trị hiệu quả và quan tâm đến phát triển bền vững. Trong khuôn khổ Giải thưởng Báo cáo thường niên, Ban Tổ chức đã phát triển Giải thưởng báo cáo có nội dung quản trị tốt nhất, Giải thưởng báo cáo có nội dung phát triển bền vững tốt nhất, nhằm đánh giá cụ thể chất lượng thông tin DN công bố, chỉ ra những điểm yếu kém và vinh danh những DN làm tốt, trở thành tấm gương cho các DN khác học tập, nhằm hướng đến chuẩn mực minh bạch, chuyên nghiệp trên toàn thị trường. 

Điểm đặc biệt làm nên uy tín của giải thưởng là ở cách thức tổ chức chấm điểm và chọn lọc trao giải. Báo cáo thường niên của các DN niêm yết đều phải trải qua 2 vòng chấm: vòng sơ khảo tại Sở Giao dịch chứng khoán, nơi DN có cổ phiếu niêm yết và thực hiện nghĩa vụ minh bạch theo quy định pháp lý. Vòng chung khảo, các báo cáo được đánh giá, chấm điểm bởi một Hội đồng gồm các nhà quản lý và các chuyên gia độc lập, cùng chọn lựa những gương mặt sáng nhất đề xuất trao giải hàng năm.

Đánh giá chung về Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên 2016 của Hội đồng bình chọn là năm nay, các DN niêm yết tiếp tục ghi nhận sự tiến bộ, thậm chí có những DN được đánh giá tiến bộ vượt trội trong nỗ lực minh bạch thông tin tài chính, thông tin quản trị trên thị trường. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn sang khu vực sẽ thấy, DN Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều mới có thể cải thiện vị thế và tăng sức cạnh tranh trong thu hút vốn, so với các nước ngay trong ASEAN.

Lan tỏa những giá  trị đẹp ảnh 1

Cuộc bình chọn luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng DN niêm yết và sự ghi nhận của của các bộ, ngành 

Thẻ điểm Quản trị công ty khu vực ASEAN thực hiện từ năm 2011 là chương trình đánh giá quản trị công ty tại 6 quốc gia Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam, với việc mỗi quốc gia được phép chọn ra 100 doanh nghiệp niêm yết để đánh giá xếp hạng. Chương trình này được tổ chức như một cuộc thi chung về chất lượng minh bạch, chất lượng thông tin quản trị của các DN lớn trong 6 nước ASEAN.

Thực tế chấm điểm các năm qua cho thấy, phần điểm cho các DN của Việt Nam luôn ở vị trí thấp nhất trong 6 nước cùng được đánh giá và đặc biệt, Việt Nam chưa bao giờ có đủ 100 DN tham gia chấm điểm. Năm 2015, chúng ta chỉ có 50 DN đủ điều kiện được chấm điểm (tiêu chí đầu tiên là phải công bố thông tin bằng tiếng Anh), trước đó, Việt Nam chỉ có 43 DN đủ điều kiện tham dự Thẻ điểm.

Thực tế này đòi hỏi cả nhà quản lý và các DN, nhất là các DN lớn, chung nỗ lực để cải thiện. Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Bộ Tài chính, quy định buộc các DN quy mô lớn phải công bố thông tin bằng tiếng Anh đã được đưa vào Thông tư 155/2015/TT-BTC. Về phía Sở GDCK, sau mùa chấm báo cáo thường niên năm nay, Sở sẽ tương tác với các DN, đặc biệt là DN có điểm yếu kém, để tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời tư vấn cho DN về thông lệ quản trị tốt, kỹ năng minh bạch thông tin để các DN tự cải thiện chính mình, góp sức cải thiện vị thế TTCK Việt Nam trong khối các TTCK khu vực.

Lan tỏa những giá  trị đẹp ảnh 2

 Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP. HCM trao giải cho cho các DN làm tốt trong mùa giải năm 2015

Trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đặt ra mục tiêu xây dựng TTCK Việt Nam trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, công khai, minh bạch theo các tiêu chuẩn và thông lệ quản trị công ty tiên tiến, từng bước hội nhập với thị trường tài chính quốc tế. Con đường phía trước còn rất nhiều việc phải làm, cần rất nhiều sự nỗ lực của nhà quản lý, các DN và nhiều chủ thể.

Trên con đường xây dựng TTCK Việt Nam hướng đến những mục tiêu đã định, Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên do Sở GDCK TP. HCM, Báo Đầu tư Chứng khoán sáng lập từ năm 2008, với sự góp sức đặc biệt của nhà tài trợ duy nhất Dragon Capital, đã và sẽ tiếp tục kết nối các nỗ lực xây dựng thị trường, giám sát sự minh bạch, vinh danh và lan tỏa những giá trị đẹp từ các DN niêm yết, thúc đẩy các DN bước vững trên con đường “nâng hạng” chính mình, góp sức xây dựng và nâng hạng TTCK Việt Nam trên trường quốc tế.

Tin bài liên quan