Sẽ tăng bán vốn nhà nước theo hình thức chào bán cạnh tranh và đấu giá công khai

Sẽ tăng bán vốn nhà nước theo hình thức chào bán cạnh tranh và đấu giá công khai

Làm thế nào để vốn nhà nước chuyển thành... tiền?

(ĐTCK) 60.000 tỷ đồng là số tiền dự kiến thu về cho ngân sách nhà nước từ bán bớt phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong năm 2017. Tuy nhiên, thực tế những tháng đầu năm nay cho thấy, việc thoái vốn diễn ra rất chậm chạp, buộc nhà quản lý phải tính việc đổi cách bán, với hy vọng giải tỏa được khối tài sản nhà nước nằm tại các doanh nghiệp thành... tiền.

Thoái vốn chậm, vì đâu?

Số liệu được Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cập nhật đến hết tháng 5/2017 cho thấy, trong tháng 5, cả nước chỉ thoái được 174,2 tỷ đồng theo giá trị sổ sách vốn nhà nước ở các doanh nghiệp, thu về 179 tỷ đồng.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, cả nước đã thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại 21 doanh nghiệp, với tổng giá trị theo sổ sách là 666,8 tỷ đồng, thu về hơn 11.589 tỷ đồng. Trong số 21 doanh nghiệp này, có 6 doanh nghiệp phải thoái vốn dưới mệnh giá.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến độ thoái vốn như trên là rất chậm. Thực trạng này nếu không có giải pháp khắc phục thì khó thực hiện được quyết định của Quốc hội là năm nay phải thoái vốn để thu về cho ngân sách nhà nước 60.000 tỷ đồng từ tiền bán bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

“Về lý do, ngoài yếu tố thị trường thì có cả lý do chủ quan là lãnh đạo doanh nghiệp sợ trách nhiệm, cũng như cơ chế thoái vốn theo quy định hiện hành bộc lộ bất cập”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết.

Liên quan đến những bất cập của cơ chế, ông Tiến ghi nhận từ thực tiễn: nhiều công ty cổ phần hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhưng chỉ có một lượng nhỏ cổ phần được đăng ký lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và được niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, còn lại lượng lớn cổ phần doanh nghiệp chưa lưu ký vào hệ thống.

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật chứng khoán, DNNN muốn chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết phải thực hiện theo thủ tục phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng và phải tuân thủ quy định về điều kiện chào bán (hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi), đăng ký chào bán cổ phiếu đối với công ty đại chúng. Những quy định này gây ách tắc cho hoạt động thoái vốn nhà nước.

Mặt khác, một số quy định thiếu nhất quán và chưa rõ ràng về thoái vốn theo lô, thoái vốn dưới mệnh giá, đang gây nên những quan ngại về tính minh bạch, khiến doanh nghiệp sợ bị truy cứu trách nhiệm, góp phần khiến tiến trình thoái vốn nhà nước diễn ra chậm.

Sẽ đổi mới cách bán vốn nhà nước

Những bất cập trên đã được giới đầu tư, các tổ chức tư vấn thoái vốn là công ty chứng khoán phản ánh tới cơ quan quản lý từ lâu, nhưng suốt thời gian dài chưa được khắc phục.

Để khắc phục bất cập khi DNNN chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần phải thực hiện theo thủ tục phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP, Bộ Tài chính đề xuất, việc chuyển nhượng vốn của DNNN tại công ty cổ phần không phải là phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng và không áp dụng quy định về điều kiện chào bán, đăng ký chào bán cổ phiếu đối với công ty đại chúng.

Vậy khi doanh nghiệp thoái vốn mà không phải áp dụng quy định về điều kiện chào bán, đăng ký chào bán cổ phiếu đối với công ty đại chúng thì thoái vốn theo phương thức nào? Việc xác định giá được thực hiện ra sao? Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, dự kiến quy định pháp lý sẽ yêu cầu doanh nghiệp thuê đơn vị tư vấn đánh giá lại giá trị doanh nghiệp, trên cơ sở mức giá đó, doanh nghiệp tiến hành chuyển nhượng vốn theo hình thức đấu giá công khai. Nếu bán không được thì tiến hành chào bán cạnh tranh, trường hợp tiếp tục “ế” mới thực hiện bán thỏa thuận.

Dự thảo Nghị định cũng dự kiến bổ sung quy định sẽ đấu giá công khai khi thực hiện chuyển nhượng phần vốn nhà nước, vốn của DNNN đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên, bao gồm đấu giá thông thường hoặc đấu giá theo lô. Đấu giá theo lô là cuộc đấu giá trong đó nhà đầu tư tham gia đấu giá phải đặt mua toàn bộ số lượng vốn nhà nước, vốn của DNNN chuyển nhượng tại cuộc đấu giá. Điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đấu giá theo lô theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Tiến, sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP, điểm cải tiến nhất là thu hẹp cách thức bán vốn theo phương thức thỏa thuận, tăng bán theo hình thức chào bán cạnh tranh và đấu giá công khai (cả bán vốn theo lô), nhằm giải tỏa những bất cập hiện tại. “Cách bán mới cũng tạo sự thông thoáng, nhưng đảm bảo chặt chẽ cho hoạt động thoái vốn, tránh gây bất minh dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước”, ông Tiến nói.             

Tin bài liên quan