Nhiều công ty chứng khoán đang nhắm tới số ít nhà đầu tư có tiềm lực tài chính để thực hiện việc tăng vốn

Nhiều công ty chứng khoán đang nhắm tới số ít nhà đầu tư có tiềm lực tài chính để thực hiện việc tăng vốn

Lại nóng cuộc đua “săn” vốn của công ty chứng khoán

(ĐTCK) Các công ty chứng khoán (CTCK) đang phải tham gia cuộc đua “săn” vốn như một cách để không bị đuối sức trong bối cảnh đối mặt với những sức ép cạnh tranh mới. Tuy nhiên, thành công hay thất bại trong cuộc “đi săn” này hiện vẫn là ẩn số.

Sức ép cạnh tranh mới

Nhiều sản phẩm, nghiệp vụ mới đang được thúc đẩy triển khai như chứng quyền có bảo đảm, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, tới đây là giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về...

Trong bối cảnh đó, theo góc nhìn của ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và kiểm soát nội bộ, CTCK Sài Gòn (SSI), cơ quan quản lý đang có xu hướng nâng cao các tiêu chuẩn về quy mô, tỷ lệ an toàn vốn... đối với CTCK tham gia các sản phẩm mới này để đảm bảo an toàn cho thị trường và nhà đầu tư.

Thực tế trên cộng với trong quý I/2018, việc Top 10 CTCK chiếm đến 71,87% thị phần môi giới chứng khoán toàn thị trường cho thấy, không chỉ CTCK nhỏ muốn "có phần" trong miếng bánh thị phần môi giới đầy hấp dẫn này, mà bản thân các "ông lớn" cũng cạnh tranh vô cùng gay gắt nhằm giữ được thị phần.

Để gia tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh mới, một xu hướng tất yếu là các CTCK buộc phải nâng cao cả về “sức khỏe” tài chính lẫn chất lượng nguồn nhân sự để đáp ứng điều kiện tham gia triển khai các sản phẩm tài chính có mức độ phức tạp cao như chứng khoán phái sinh, chứng quyền có đảm bảo… Chậm chân trong tham gia triển khai các sản phẩm này sẽ càng khiến CTCK tụt hậu, khó tồn tại.

Cuộc đua “săn” vốn bắt đầu nóng

Để đủ sức đương đầu với sức ép cạnh tranh mới, ngoài nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhiều CTCK cũng bắt đầu đẩy mạnh hoạt động huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu.

Điểm đáng chú ý trong các phương án gọi vốn mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay của các CTCK là sự lo ngại phương án phát hành khó thành công, nhất là với tham vọng huy động lượng vốn lớn, nên các CTCK thường không dám chọn cách phát hành cho cổ đông hiện hữu (vì từng thất bại khi triển khai), mà đa phần chọn phương án phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu riêng lẻ, với mục tiêu nhắm tới số ít nhà đầu tư có tiềm lực tài chính.

ĐHCĐ thường niên 2018 mới đây của CTCK IB (IBSC) đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP để tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng hiện tại lên 1.200 tỷ đồng. Băn khoăn về tính khả thi của phương án tăng vốn lớn này, cổ đông Nguyễn Hoài Anh đặt câu hỏi: "Nếu bán không hết số cổ phiếu dự kiến phát hành, thì Công ty tìm nguồn vốn khác ở đâu...?

Giải đáp mối quan tâm này của cổ đông, đại diện IBSC cho hay, Công ty đang tiếp xúc và đàm phán với một số nhà đầu tư chiến lược để đảm bảo cho kế hoạch tăng vốn thành công.

Trong trường hợp không chào bán hết số cổ phiếu như kế hoạch, Công ty sẽ cố gắng tăng vốn đạt mức tối thiểu 1.000 tỷ đồng, đồng thời phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn lực tài chính, giúp IBSC đủ điều kiện tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, cũng như triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm...

Ngoài phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, một cách gọi vốn đang được nhiều CTCK áp dụng là phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn ngắn từ 1-2 năm.

Đơn cử, Nghị quyết HĐQT của CTCK TP.HCM (HSC) vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ với hạn mức tối đa 1.200 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không niêm yết, không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 2 năm, lãi suất tối đa không quá 10%/năm. HSC dự kiến sẽ phát hành thành nhiều đợt và bắt đầu ngay trong tháng 4 này.

Tại ĐHCĐ năm 2018 được CTCK Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) triệu tập vào ngày 20/4 tới, HĐQT BSC sẽ trình Đại hội thông qua phương án tăng vốn bằng phát hành riêng lẻ 500 trái phiếu BSC 2018, tương đương giá trị tối đa theo mệnh giá (10.000 đồng/trái phiếu) là 500 tỷ đồng.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo, có kỳ hạn 1 năm, lãi suất cố định tối đa 10%/năm. BSC dự kiến thực hiện phát hành trong quý II này.

Có một thực tế là trong những mùa đại hội trước, không ít CTCK cũng thể hiện tham vọng kiếm được nguồn vốn lớn, nhưng bất thành vì không tìm được nhà đầu tư. Trong mùa đại hội năm nay, các CTCK có lật ngược được thế cờ hay không vẫn là câu hỏi ngỏ.

Tin bài liên quan