Kỳ vọng TTCK sớm cân bằng và hồi phục

Kỳ vọng TTCK sớm cân bằng và hồi phục

(ĐTCK) Hai chỉ số chứng khoán đã có một tuần giao dịch mở đầu năm 2016 đầy sóng gió khi VN-Index mất tới 20 điểm, tương đương 3,45%; HNX-Index giảm 3,8%, tương đương mất 3,04 điểm.

Trong những ngày đầu năm, thị trường tài chính toàn cầu đã đón nhận liên tiếp nhiều thông tin tiêu cực khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán. Thông tin đầu tiên đến từ giá dầu phá đáy 11 năm và đang giao dịch ở vùng tiệm cận 30 USD/thùng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/1 tại thị trường Mỹ, giá dầu thô giảm 0,7 USD/thùng, xuống 33,27 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 0,48 USD/thùng, xuống còn 33,75 USD/thùng. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 6/1, giá dầu đã mất 4%.

Điều này cũng gây ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước, trong phiên giao dịch ngày 7/1, hàng loạt cổ phiếu nhóm ngành này đã bị bán tháo và liên tiếp lập đáy mới trong 3 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ (CNY) bất ngờ phá giá mạnh 1,62% trong tuần đầu tiên của năm, đưa CNY về mức đáy 6 năm gần đây, khiến tâm lý nhà đầu tư toàn cầu càng trở nên hoảng loạn. Dự báo, trong năm 2016, chính sách phá giá đồng nội tệ tiếp tục được Chính phủ Trung Quốc duy trì.

Thông tin này cộng hưởng với việc cho phép cổ đông lớn trong nước – sở hữu hơn 5% doanh nghiệp được bán chứng khoán sở hữu đã khiến cho thị trường chứng khoán Trung Quốc phải ngừng giao dịch 2 phiên liên tiếp trong vòng 3 ngày đầu năm khi chỉ số CSI 300 giảm quá 7%.

Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bao phủ lên thị trường chứng khoán khu vực không khí lo sợ và tâm lý đầu tư trong nước cũng không nằm ngoài vòng xoáy.

Kỳ vọng TTCK sớm cân bằng và hồi phục ảnh 1

Ngoài ra, những ngày đầu tiên khi chính sách về tỷ giá mới – tỷ giá trung tâm được áp dụng cũng khiến cho tâm lý đầu tư trong nước mong manh và “dễ vỡ”. Để thích nghi với cơ chế tỷ giá thả nổi có điều tiết này, nhà đầu tư vẫn cần thêm một thời gian. Dòng vốn FII- dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam được đánh giá là đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến tỷ giá trong năm 2016.

Khi nhận định về xu hướng tỷ giá VND/USD trong năm nay, các chuyên gia đã nhận định sẽ là một năm khó khăn khi hai trọng số là đồng USD và CNY sẽ có những biến động khó dự báo, khiến đồng nội tệ không còn yên bình như những năm trước.

Tất cả những yếu tố trên sẽ tiếp tục chi phối thị trường chứng khoán trong nước trong tuần này. Tuy nhiên, điểm kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, những động thái cứu vãn thị trường chứng khoán Trung Quốc của nhà điều hành đã phát huy tác dụng khi tạm dừng hệ thống ngắt giao dịch tự động, bơm tiền vào thị trường tài chính; dùng dự trữ ngoại hối để hãm đà rơi của đồng CNY.

Kết phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số Shanghai Composite đã tăng 1,95%, kéo chỉ số chứng khoán trên nhiều thị trường châu Á tăng điểm trở lại. Hai chỉ số chứng khoán Mỹ DowJones và SP future cũng tăng hơn 1%.

Kỳ vọng TTCK sớm cân bằng và hồi phục ảnh 2

VN-Index đóng cửa tuần qua tại ngưỡng 560,05 điểm, đây cũng là khu vực đáy của lần giảm điểm tháng 12 trước. Ngưỡng này được coi là ngưỡng hỗ trợ khá cứng cho chỉ số trong hai phiên giao dịch cuối tuần, quan sát lực cầu giá thấp tại khu vực 560 điểm tương đối lớn, thể hiện qua giá trị giao dịch hai phiên cuối tuần tăng 40% so với khối lượng trung bình 20 phiên gần nhất. Lực cầu này đã giúp VN-Index đóng cửa trong vùng tich lũy 560 – 580 điểm từ tháng 12/2015 đến nay.

Chúng tôi kỳ vọng, trong tuần này, chứng khoán thế giới cũng như trong nước sẽ có những phiên cân bằng và hồi phục. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá ngắn hạn từ cuối tháng 12 đã bị phá vỡ nên nhiều khả năng, tuần này sẽ là nhịp hồi kỹ thuật, xu hướng chung của VN-Index vẫn tiếp tục đi ngang và tích lũy.

Tin bài liên quan