Kỳ vọng thị trường tìm lại thế cân bằng

Kỳ vọng thị trường tìm lại thế cân bằng

(ĐTCK) Theo một số CTCK, thị trường kỳ vọng khởi sắc trong tuần cuối cùng của năm 2014, bởi theo quy luật, khối ngoại thường mua ròng vào tuần cuối cùng của năm.

Bên cạnh đó, việc Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán dự kiến có kiến nghị giãn Thông tư 36/NHNN (xem bài trang 19) cũng được kỳ vọng giúp NĐT bình tâm trở lại.

Tín hiệu từ khối ngoại

Gần đây, quy mô của 2 quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nước ngoài là FTSE Vietnam UCITS ETF và Market Vectors Vietnam ETF nhỏ lại. Cách đây một tuần, giá trị tài sản ròng (NAV) của 2 quỹ này lần lượt là 402,8 triệu USD và 503,5 triệu USD. Hiện tại, các con số này giảm xuống còn 386,8 triệu USD và 459,7 triệu USD, tức chỉ trong vòng 1 tuần, quy mô của 2 quỹ đã giảm tổng cộng khoảng 60 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng.

Tại kỳ cơ cấu danh mục lần trước cách đây 3 tháng, quy mô của FTSE Vietnam UCITS ETF và Market Vectors Vietnam ETF lần lượt là 409,3 triệu USD và 632,7 triệu USD. Giá trị tài sản ròng thời gian qua giảm do giá cổ phiếu trong danh mục giảm và do các nhà đầu tư rút vốn.

Ở một chiều hướng khác, các nhà đầu tư nước ngoài sau thời gian bán ròng kể từ tháng 7, với tổng giá trị bán ròng tại sàn TP. HCM hơn 3.504 tỷ đồng, nay đã bắt đầu quay trở lại mua ròng. Trong 3 phiên đầu tuần này, họ mua ròng tổng cộng 333,15 tỷ đồng. Đó là tín hiệu tích cực được ghi nhận trong bản tin hàng ngày của hầu hết các CTCK, cho thấy đà bán ròng của khối ngoại dường như đã kết thúc và báo hiệu một xu hướng mua ròng đang quay trở lại.

Thứ Tư tuần trước, ngày mà VN-Index giảm 16,92 điểm sau khi giảm tổng cộng 18,79 điểm vào 2 phiên trước đó, VinaCapital cho biết, các quỹ của họ đã giải ngân 100 tỷ đồng vì cho rằng, đó là một cơ hội tốt hiếm có để tăng tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục, với dự báo thị trường sẽ sớm hồi phục.

Những ngày còn lại của năm 2014 được kỳ vọng tiếp tục là những phiên mua ròng của khối ngoại. Không giống như suy nghĩ của nhiều người, rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có tâm lý nghỉ ngơi để đón Giáng sinh và Năm mới (Dương lịch), thống kê của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn giao dịch sôi động và thường xuyên là người mua ròng trong tuần cuối cùng của năm.

Cụ thể, trong 5 năm kể từ năm 2009 thì có đến 4 năm các nhà đầu tư ngoại mua ròng vào tuần cuối cùng của năm. Ngoại trừ vào năm 2011 bán ròng 334,6 tỷ đồng, các năm còn lại là 2009, 2010, 2012 và 2013, họ mua ròng lần lượt 381,5 tỷ đồng; 267,4 tỷ đồng; 793,6 tỷ đồng và 491,3 tỷ đồng.

“Chúng tôi cho rằng, hoạt động cơ cấu danh mục của khối ngoại đã chấm dứt, trạng thái của các ETF đã về gần mức cân bằng khiến áp lực bán ra thấp. Cùng với đó, các thị trường chủ chốt thế giới đều có sự hồi phục mạnh sau khi Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc tăng lãi suất sau 2 kỳ họp tới hoặc vào khoảng tháng 4/2015. Dự kiến, khối ngoại sẽ giảm hoạt động bán ra, thị trường có cơ hội hồi phục trong tuần cuối năm”, BSC nhận định. 


Kỳ vọng thị trường tìm lại thế cân bằng ảnh 1

Cầu nội và yếu tố margin

CTCK TP. HCM (HSC) cho biết, mức độ margin quan sát được đã giảm 25 - 28% kể từ đỉnh thiết lập vào tháng 9 và dường như đã chạm đáy. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ suy giảm mức độ margin đối với thanh khoản vẫn còn và chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy những ảnh hưởng này sẽ sớm chấm dứt.

Hồi tháng 5, khi “sự kiện biển Đông” diễn ra, niềm tin của nhà đầu tư chỉ sụt giảm tạm thời, ngay sau đó, khi sự việc lắng xuống, margin đã tăng trở lại cùng với đà tăng của thị trường. Tuy nhiên, margin giảm trong đợt giảm điểm mới đây được cho là do quy định mới về cho vay chứng khoán. Vì thế, theo HSC, cho dù niềm tin của nhà đầu tư có phục hồi trong thời gian tới thì thanh khoản bị mất đi sẽ khó có thể bù lại được, trừ khi vốn chủ sở hữu của các CTCK tăng lên đáng kể.

Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, có hiệu lực kể từ 1/2/2015, chỉ có các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở xuống mới được tham gia cho vay chứng khoán.

Trong khi đó, theo báo cáo tài chính, cuối quý III/2014, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% như SHB, Eximbank, MBB, ACB, NCB, PGBank…

Liên quan đến margin, trong tháng 10/2014, HSC công bố quyết định của HĐQT về việc vay bổ sung vốn lưu động với tổng hạn mức lên đến 1.400 tỷ đồng. HSC xin 4 ngân hàng cấp hạn mức tín dụng cho mình, cụ thể HDBank, BIDV và Maritime Bank mỗi ngân hàng 400 tỷ đồng và Vietcombank 200 tỷ đồng. Thực chất, HSC muốn đẩy mạnh margin, nhưng có lẽ kế hoạch này đã thay đổi. Căn cứ báo cáo tài chính quý III/2014, BIDV và Viecombank đủ điều kiện cho vay, nhưng 2 ngân hàng còn lại thì chưa thấy có báo cáo.

“Nếu vốn chủ sở hữu của toàn ngành chứng khoán tăng thêm 25% thì mọi việc có thể sẽ được giải quyết”, HSC nhận định. “Vốn chủ sở hữu của CTCK có thể tăng lên nhờ lợi nhuận giữ lại, song báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm đã phản ánh lợi nhuận giữ lại và lợi nhuận quý IV không có gì đặc biệt. Vì vậy, có thể kết luận một cách thận trọng rằng, trong tương lai, cho vay margin tăng sẽ phải từ nguồn vốn của CTCK, thay vì từ vay ngân hàng và margin sẽ chỉ có thể tăng từ từ”.

Cùng chung nhận định với HSC, CTCK Sài Gòn (SSI) cho biết, một số ngân hàng lớn vẫn giữ chiến lược không ưu tiên cho vay và đầu tư cổ phiếu, nên nhiều khả năng các CTCK sẽ phải tự tăng vốn hoặc được ngân hàng mẹ “bơm” thêm để giúp duy trì lượng tiền cho vay đầu tư chứng khoán.

Theo HSC, để thị trường có thể tăng bền vững, nhà đầu tư cần đưa thêm tiền thật và giảm tiền vay khi đầu tư chứng khoán trong thời gian tới.     

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà UBCK đề ra cho năm 2015 là thu hút mạnh hơn dòng vốn nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam. Để đạt mục tiêu này, một loạt giải pháp đã được đưa ra như: nỗ lực nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng phân loại của MSCI; khuyến khích DN cung cấp thông tin bằng tiếng Anh; cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài mua để sở hữu đến 100% CTCK trong nước.

Cùng với đó là tham gia đầy đủ các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO) mà Việt Nam là thành viên, cũng như các tổ chức quốc tế khác về TTCK. Phối hợp với các tổ chức quốc tế để tổ chức các diễn đàn đầu tư tại Việt Nam và nước ngoài, qua đó xúc tiến và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tin bài liên quan