Chưa có lộ trình cụ thể để trả lời cho câu hỏi khi nào việc hợp nhất 2 Sở hoàn tất

Chưa có lộ trình cụ thể để trả lời cho câu hỏi khi nào việc hợp nhất 2 Sở hoàn tất

Kỳ vọng hợp nhất Sở sẽ tăng hàng cho TTCK

(ĐTCK) Việc ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM (HOSE) thay Tổng giám đốc HOSE Phan Thị Tường Tâm nghỉ hưu, được một số thành viên kỳ vọng sẽ mở đường cho thúc đẩy hợp nhất 2 Sở GDCK, mở đường cho việc triển khai nhiều sản phẩm mới.

Chờ câu trả lời về lộ trình

Giới đầu tư, các tổ chức tư vấn, cung cấp dịch vụ chứng khoán trong và ngoài nước không giấu được sự sốt ruột do việc hợp nhất 2 Sở GDCK đang chậm so với lộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Do sự chậm trễ trên đang gây khó cho việc triển khai nhiều sản phẩm mới, nên tại nhiều hội thảo, diễn đàn về TTCK mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tổ chức gần đây, có một câu hỏi “nóng” được nhiều thành viên thị trường liên tục đặt ra cho lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCK là bao giờ việc hợp nhất HOSE và HNX để hình thành Sở GDCK Việt Nam hoàn tất? Câu hỏi này đặt ra khi theo Đề án tái cấu trúc TTCK được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012, thì năm 2014 - 2015 đã phải hoàn tất tái cấu trúc các Sở GDCK.

Tuy đến nay vẫn chưa có một lộ trình cụ thể để trả lời cho câu hỏi khi nào việc hợp nhất hai Sở GDCK hoàn tất, nhưng lãnh đạo UBCK cho biết, bước đi đầu tiên của quá trình hợp nhất 2 Sở GDCK sẽ thực hiện là yếu tố con người, tiếp đó đến hệ thống công nghệ, sản phẩm, dịch vụ…

Khi tín hiệu “hợp nhất” về nhân sự vừa bắt đầu được phát đi, các thành viên thị trường kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình hợp nhất 2 Sở GDCK vốn bị “treo” đã khá lâu.

“NĐT nước ngoài đang rất quan tâm đến lộ trình hợp nhất 2 Sở GDCK để hình thành Sở GDCK Việt Nam. Thực ra việc này đã được các cơ quan quản lý nêu ra trong mấy năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thông báo cụ thể. Điều này khiến chúng tôi bối rối trong giải thích với NĐT nước ngoài, khi họ hỏi về lộ trình tái cơ cấu các Sở GDCK như Thủ tướng Chính phủ đề ra”, đại diện một ngân hàng lưu ký cho hay và đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính cần thúc đẩy việc hợp nhất 2 Sở GDCK, sớm công bố lộ trình thực thi việc này. 

Chậm và hệ lụy

Việc hợp nhất 2 Sở là một bài toán lớn, cần cân nhắc lợi ích quốc gia về tổng thể, nhưng việc chậm hợp nhất 2 Sở, theo nhìn nhận của các thành viên thị trường đang là một trong những nguyên nhân khiến cho việc triển khai nhiều sản phẩm, nghiệp vụ mới gặp khó.

Lãnh đạo một công ty quản lý quỹ cho biết, việc hình thành một bộ chỉ số chung đại diện cho TTCK Việt Nam, trong đó bao gồm các chứng khoán tiêu biểu trên cả HOSE và HNX, là rất có ý nghĩa trong việc hỗ trợ triển khai các sản phẩm, nghiệp vụ mới, mà trước mắt là thúc đẩy các quỹ ETF nội địa phát triển.

Việc chậm có thêm những bộ chỉ số chuẩn theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế còn khó mang lại sức hấp dẫn cho Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu - một trong hai sản phẩm mà nhà quản lý đang có kế hoạch triển khai đầu tiên khi mở cửa TTCK phái sinh trong thời gian tới.

Cũng liên quan đến triển khai TTCK phái sinh, lãnh đạo một ngân hàng nhìn nhận, tiến độ triển khai thị trường này đang chậm và có nguy cơ không kịp vào cuối năm 2016 như lộ trình Bộ Tài chính công bố, trong khi giới đầu tư, đặc biệt là NĐT trên thị trường trái phiếu đang rất nóng lòng muốn có sản phẩm Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ để có công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất.

Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm nay được UBCK tập trung thực hiện là tổ chức cho các CTCK triển khai các sản phẩm mới như: mua bán trong ngày, bán chứng khoán đang trở về…

Một số ý kiến từ CTCK quan ngại, nếu việc hợp nhất 2 Sở GDCK tiếp tục chậm và hoàn tất sau khi các CTCK phải xây dựng xong hệ thống hạ tầng cho triển khai các sản phẩm, nghiệp vụ mới kể trên, cũng như các sản phẩm mới khác trong tương lai, thì sẽ gây khó cho họ do mất nhiều thời gian, chi phí, công sức làm việc với nhiều đầu mối trong xây dựng chuẩn công nghệ, đấu nối, chạy thử hệ thống…

Diễn biến trên cho thấy, cần có lộ trình rõ ràng về việc hợp nhất Sở để giúp các CTCK thuận lợi trong xây dựng phương án và triển khai đầu tư mới cho hệ thống công nghệ, nhân sự, nhằm đáp ứng đòi hỏi phát triển trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, ngoài khối CTCK, tác động của việc hợp nhất Sở đến các chủ thể khác (DN đại chúng, nhà đầu tư...) cũng cần được đặt ra để phân tích về lợi ích tổng thể trong bối cảnh TTCK Việt Nam vừa phải xây dựng, vừa phải nâng cao sức cạnh tranh với các TTCK lân cận hiện nay.

Tin bài liên quan