Trong tương lai, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vươn xa ra ngoài biên giới để hội nhập với thị trường chứng khoán quốc tế

Trong tương lai, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vươn xa ra ngoài biên giới để hội nhập với thị trường chứng khoán quốc tế

Ký ức lập quỹ đầu tư đầu tiên

(ĐTCK) Đến hôm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có quy mô vốn hóa đạt khoảng 40% GDP, với khoảng 1,6 triệu tài khoản đầu tư, gần 700 công ty niêm yết, 79 công ty chứng khoán và 30 quỹ đầu tư, nhưng tôi vẫn nhớ như in ký ức của những buổi đầu tiên tạo lập thị trường.

1. Năm 1991, khi Việt Nam vừa tiến hành mở cửa nền kinh tế, Tập đoàn Credit Lyonnais của Pháp có trụ sở tại Hồng Kông đã tiếp cận với Ngân hàng Nhà nước, đề xuất thành lập một quỹ đầu tư dành riêng cho Việt Nam.

Bước ra từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp, không mấy người Việt Nam khi ấy có kiến thức chuyên về quỹ đầu tư dạng này.

Thời điểm đó, tôi đang công tác tại Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước. Qua quá trình trao đổi, làm việc với phía đối tác, chúng tôi xin ý kiến của Chính phủ, tiến hành soạn thảo Bản cáo bạch để chuẩn bị cho chuyến “road show” vận động các nhà đầu tư nước ngoài.

Thời điểm đó, đồng chí Võ Văn Kiệt đang là Thủ tướng Chính phủ, anh Thiệu là Trợ lý của Thủ tướng không trực tiếp làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nhưng anh đã nắm bắt rất nhanh và hỗ trợ tích cực dự án này.

Sau một thời gian triển khai, cuối cùng Đề án đã được trình Thủ tướng để xin phép cho làm thí điểm. Chúng tôi gọi Quỹ này là quỹ đầu tư đầu tiên Việt Nam, tên chính thức là Quỹ tăng trưởng Việt Nam (Vietnam Growth Fund).

 Ths. Nguyễn Đoan Hùng

Liên quan đến công việc này, có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi. Đó là vào một buổi sáng năm 1991, anh Thiệu gọi điện thoại cho tôi rất sớm, yêu cầu tôi có mặt tại nhà riêng của Thủ tướng đúng 6 giờ sáng. Tôi đã mang toàn bộ hồ sơ đề án đã được đồng chí Cao Sỹ Kiêm, (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi đó) phê chuẩn đến báo cáo Thủ tướng.

Tôi nhớ rất rõ trong buổi sớm hôm đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngồi trong ngôi nhà nhỏ ở sân vườn chờ tôi. Sau khi nghe tôi trình bày bản đề án và xin phép được làm thí điểm, nếu thành công thì có thể nhân rộng ra mô hình này, Thủ tướng đã phê luôn vào tờ trình hai chữ “Đồng ý”. Tôi không thể quên được hai chữ bút phê và chữ ký Sáu Dân ở trên tờ trình.

Ngay sau đó, chúng tôi thực hiện triển khai chỉnh sửa lại bản cáo bạch, đi gần như toàn bộ châu Âu để huy động gọi vốn, kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư châu Âu. Chuyến đi khá phức tạp, gian nan và cấp bách.

Hành trình của chúng tôi xuyên suốt sáu, bảy nước mà ở mỗi quốc gia chỉ dừng chân một ngày. Thử tưởng tượng buổi sáng chúng tôi đến nước này, buổi trưa tổ chức ăn trưa và giới thiệu về nền kinh tế Việt Nam cho các nhà đầu tư quốc tế thì tối đến lại bay sang một nước khác để vận động gây quỹ đầu tư cho Việt Nam trị giá 75 triệu USD.

Một câu chuyện khá ấn tượng là các chuyên gia của Credit Lyonnais đã chuẩn bị khá chu đáo cho chuyến road show. Kết thúc mỗi buổi trình bày, họ đưa ra 3 câu đố với nhà đầu tư: 1) Sân bay thương mại nào nhộn nhịp nhất châu Á vào năm 1960? 2) Ông Lý Quang Diệu đã nói gì khi từ Anh về nhậm chức Thủ tướng Singapore vào năm 1960 khi Singapore tách ra khỏi Malaysia? 3) Nước nào giàu nhất châu Á năm 1960 (không tính Nhật Bản)?

Hầu như tất cả các nhà đầu tư đều đưa ra đáp án sai. Đáp án của các câu hỏi đó là: 1) Sân bay thương mại nhộn nhịp nhất châu Á năm 1960 là Colombia (Srilanka); 2) Ông Lý Quang Diệu khi về sân bay Singapore năm 1960 đã nói là sẽ phấn đấu đưa kinh tế Singapore đuổi kịp Srilanka trong 15-20 năm tới; và 3) Nước giàu nhất châu Á vào năm 1960 là Philippines đã bỏ tiền đầu tư vào Đài Loan.

Việc đưa ra và giải đáp các câu đố của chuyên gia Credit Lyonnais để đi đến kết luận: Năm nay là năm 1991, 30 năm nữa đến năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao? Mặc dù còn nhiều khó khăn, song tiềm năng kinh tế của Việt Nam là rất to lớn, vậy thì hãy nên bỏ tiền đầu tư vào đây ngay từ lúc này. Có thể nói đây là một nghệ thuật marketing mà chúng tôi cần học hỏi.

Oái ăm thay, bối cảnh Việt Nam lúc đó vẫn còn đang bị Chính phủ Mỹ cấm vận nên một số khoản cam kết chuyển tiền để tham gia vào quỹ này bị phong tỏa, từ đó dẫn tới chuyện không thành công trong việc thành lập Quỹ.

Mãi đến năm 1993, Việt Nam mới bình thường hóa quan hệ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Đến năm 1994, Việt Nam thực hiện bình thường hóa quan hệ với Mỹ và sau đó việc giao dịch và chuyển tiền mới được khơi thông khi lệnh cấm vận chính thức được dỡ bỏ.

Có thể nói, Vietnam Growth Fund là tiền thân của quỹ đầu tư tại Việt Nam để hôm nay, chúng ta đã có rất nhiều quỹ đầu tư đang hoạt động thành công.

2. Năm 2003, sau khi kết thúc nhiệm kỳ làm Giám đốc dự khuyết trong Hội đồng quản trị WB (luân phiên trong khu vực ASEAN), tôi trở về Ngân hàng Nhà nước và được chính thức phân công làm Vụ trưởng Trợ lý Thống đốc (khi đó là đồng chí Lê Đức Thúy).

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày nay đã phát triển ở mức rất xa so với thời kỳ đầu thành lập.

Ở vị trí này được khoảng gần một năm thì tôi được Chính phủ điều sang làm Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Phải nói là tôi cảm thấy lĩnh vực chứng khoán hết sức thú vị. Nếu tính từ năm 1980 cho đến năm 2003, tôi đã có 23 năm thâm niên trong lĩnh vực ngân hàng, trong khi đó thâm niên trong lĩnh vực chứng khoán mới mẻ này thì không có là bao. Tất nhiên, khi còn làm ở Ban Nghiên cứu xây dựng và phát triển thị trường vốn, tôi có một thời gian ngắn đã nghiên cứu về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày nay đã phát triển ở mức rất xa so với thời kỳ đầu thành lập.

Nhớ năm mới thành lập, thị trường chứng khoán chỉ có khoảng trên 2.900 tài khoản đầu tư, 5 công ty niêm yết, 7 công ty chứng khoán. Cho đến nay, toàn thị trường có khoảng gần 1,6 triệu tài khoản; gần 700 công ty niêm yết, 79 công ty chứng khoán và 30 quỹ đầu tư. Quy mô giao dịch cũng tăng theo thời gian.

Cụ thể, chỉ số vốn hóa thị trường năm 2000 chiếm 0,28% GDP, nhưng đến nay đã đạt khoảng 40% GDP. Dẫu sao thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là một thị trường trẻ so với thị trường của các nước có nền kinh tế phát triển khác. Trẻ như vậy nhưng trong 16 năm qua, thị trường đã phát triển với tốc độ rất cao.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng nhận xét Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Đây là điều đáng mừng, nhưng tôi mong rằng, trong thời gian tới đây, thị trường chứng khoán Việt Nam cần phải chuyển hướng sang phát triển về chiều sâu.

Sau một thời gian mở rộng, việc chuyển sang giai đoạn phát triển về chiều sâu là con đường tất yếu mà chúng ta phải đi và đây cũng là một thách thức lớn nữa trong tương lai gần. Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020, bao gồm việc cơ cấu lại mô hình thị trường, kiện toàn lại khuôn khổ pháp lý, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Trong tương lai, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn vươn xa ra ngoài biên giới để hội nhập với thị trường chứng khoán quốc tế. Cũng có thể chúng ta sẽ có những vấn đề được nhất thể hóa trong khối ASEAN như thông thương về luồng vốn dịch chuyển, thông thương về lao động…, lúc đó thị trường chứng khoán đương nhiên cũng sẽ được kết nối với thị trường chứng khoán khu vực. Không chỉ đơn giản là cạnh tranh trong nước, mà chúng ta cần vươn tới mục tiêu cạnh tranh với thị trường các nước trong khối ASEAN và thế giới.

Ngay cả về phía nhà đầu tư, nếu như nhìn vào khoảng thời gian ban đầu, có thể thấy rõ sự chuyển biến về tâm lý và nhận thức của họ. Từ trạng thái rụt rè, rồi ào ạt theo bầy đàn, đến bây giờ, họ đã biết phân tích, nhận định và đánh giá để chọn lựa chọn những danh mục đầu tư hợp lý và hiệu quả.

Tôi tin rằng, giai đoạn thị trường phát triển chiều rộng đã kết thúc để bắt đầu đi vào phát triển theo chiều sâu. Sự năng động của nền kinh tế Việt Nam cùng sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, chắc chắn thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở thành một thị trường phát triển.

Tin bài liên quan