Nhà đầu tư không vô tình trả giá thấp cho các DN

Nhà đầu tư không vô tình trả giá thấp cho các DN

KLS giải thể ảnh hưởng thế nào tới tâm lý thị trường?

(ĐTCK) Khoảng 40% số cổ phiếu trên sàn đang trong tình trạng dưới mệnh giá. VN-Index quẩn quanh dưới 600 điểm - mức điểm 10 năm trước TTCK Việt Nam đã đạt được (năm 2006), đặt ra một câu hỏi: liệu TTCK có bật lên được không khi có 40% số cổ phiếu dưới “điểm trung bình”?

Không phải ai cũng đồng thuận với câu chuyện giải thể của CTCK Kim Long (KLS), nhưng cuối cùng Đại hội đồng cổ đông KLS đã chốt việc giải thể, trả lại tiền cho cổ đông để đi tìm cơ hội khác.

Kinh doanh hiệu quả không tốt, giải thể không chỉ nhẹ trách nhiệm cho HĐQT, Ban điều hành DN, mà còn góp phần giúp thị trường nhẹ gánh, khi DN cảm nhận về sự yếu sức, đã chủ động sàng lọc, tự rút khỏi cuộc chơi.

Một số ý kiến cho rằng, việc KLS giải thể có thể tạo hiệu ứng tâm lý không tốt cho niềm tin trên TTCK. Nhà đầu tư khi góp tiền vào DN, họ muốn DN phải vận động, phải sinh lời, chứ không thể chấp nhận sự đứng im và đến ngày công bố… giải thể. Hiệu ứng không tốt còn có thể xảy ra khi cổ đông các DN “yêu yếu” khác đưa vấn đề giải thể ra chất vấn HĐQT, vô tình tạo áp lực xóa đi một thực thể DN trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, các ý kiến cho rằng, việc KLS hay DN bất kỳ, tính đến bước giải thể là một quyết định dũng cảm. Không ai lập DN lại mong đến kết cục giải thể, nhưng nếu thực tế kinh doanh không đạt kết quả như mong muốn, giải thể là một giải pháp tốt, nếu không muốn nói là đàng hoàng nhất, để trả lại nhà đầu tư quyền chọn lựa cơ hội đầu tư mới.

Ở Việt Nam, giải thể không còn là chuyện lạ. Từ vài năm nay, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố hàng tháng con số DN thành lập, đồng thời công khai con số DN đăng ký dừng hoạt động. Chẳng hạn, 2 tháng đầu năm 2016, cả nước có khoảng 14.000 DN thành lập mới, nhưng có tới 16.500 DN ngừng hoạt động.

Bình luận về hiện tượng lập - xóa DN, TS. Đào Ngọc Báu chia sẻ, nền kinh tế thị trường vận hành theo 3 quy luật: quy luật cung cầu, quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh. Theo đó, khi vận hành không hiệu quả thì giải thể hay phá sản DN sẽ giúp các nguồn lực được giải phóng, tìm cơ hội đầu tư tốt hơn. Cũng theo TS. Báu, nền kinh tế chỉ đáng được gọi là thị trường khi cơ hội lập nghiệp công bằng với mọi chủ thể và việc phá sản, hay giải thể được tiếp nhận một cách bình thường.

Ở Việt Nam, khác với các nước có nền kinh tế phát triển, Luật Phá sản được ban hành từ năm 2004, nhưng rất ít DN phá sản được, do thủ tục rườm rà và nhiều điểm bất hợp lý, đặc biệt là Luật chỉ bảo vệ chủ nợ mà không quan tâm đến con nợ, gây tâm lý rất nặng nề cho chủ DN khi muốn xóa bỏ công ty. Giải thể, vì thế là một lựa chọn để “làm lại ván cờ”.

Điểm khó của việc giải thể là không phải DN nào muốn cũng làm được, bởi một trong những yêu cầu bắt buộc để DN được giải thể là phải bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

Trên TTCK Việt Nam, thống kê của ĐTCK cho thấy, số mã cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE), Sở GDCK Hà Nội (HNX) và sàn giao dịch của công ty đại chúng UPCoM lần lượt là: 31,17%; 43,23% và 51,9%. Nhà đầu tư không vô tình trả giá thấp cho các DN, mà chắc chắn phía sau các cổ phiếu dưới mệnh giá là DN hoạt động không/chưa hiệu quả.

Các DN loại này cần bật lên, hoặc chọn một con đường khác hiệu quả hơn cho cổ đông, cho DN và cho thị trường. Đó là một cách trả lại niềm tin cho nhà đầu tư vào một thị trường tài chính bậc cao, nơi có các DN hiệu quả và minh bạch.

Từ câu chuyện của KLS, nghĩ đến bài toán tổng thể của các DN trên sàn. Nếu thị trường có nhiều DN minh bạch, hiệu quả thì không lo dòng tiền khôn ngoan không tìm đến, không lo gì việc Index quẩn quanh mãi dưới 600 điểm như hiện nay.

Tin bài liên quan