Các CTCK mong đợi cơ quan quản lý trao quyền chủ động xây dựng danh mục Margin

Các CTCK mong đợi cơ quan quản lý trao quyền chủ động xây dựng danh mục Margin

Kiến nghị đổi mới tư duy về margin

(ĐTCK) Từng có nhiều năm làm việc trong ngành ngân hàng, sau thời gian sang làm việc tại CTCK, Chủ tịch CTCK này chia sẻ, không gian kinh doanh của các ngân hàng và các CTCK rất khác nhau.

Trong khi ngân hàng từ lâu đã cung cấp sản phẩm tín chấp, tức là cho vay không có tài sản đảm bảo, thì hoạt động vay đầu tư chứng khoán phải chịu sự chi phối quá chặt: chỉ được cho vay theo một danh mục cụ thể và chỉ được cho vay tối đa 50% giá trị đầu tư. Quy định này, theo nhiều CTCK, là đã cũ (ban hành năm 2011), cần đổi mới tư duy để cởi trói cho TTCK.

Danh mục vừa thừa, vừa thiếu

Danh mục cổ phiếu được phép margin hiện tại mà các CTCK đang được áp dụng dựa trên danh sách của hai sở GDCK cung cấp định kỳ. Việc hai sở chọn lọc cổ phiếu theo những tiêu chuẩn do UBCK định ra để đưa vào danh sách là nhằm bảo vệ nhà đầu tư và bảo vệ an toàn tài chính cho cả CTCK, nhưng ở đó đang tồn tại nhiều bất cập.

Hiện tại, trong danh mục cổ phiếu được margin có quá nhiều mã kém thanh khoản, thậm chí tuy được phép margin, nhưng CTCK không dám cấp hạn mức cho nhà đầu tư vay. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu nằm ngoài danh sách này có thanh khoản rất tốt, nhưng CTCK bị cấm cho vay marin, làm mất cơ hội của cả nhà đầu tư và CTCK.

Ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc CTCK ACBS, hiện nay có nhiều mã chứng khoán được phép margin, nhưng nhiều CTCK không đưa vào danh sách cho vay hoặc có thì mức rất thấp, bởi cổ phiếu quá kém thanh khoản hoặc nhà đầu tư không có nhu cầu với các mã này. Trong khi đó, một số mã không nằm trong danh sách hai Sở GDCK công bố, nhưng nhà đầu tư lại có nhu cầu vay.

Hiện tại, các CTCK hầu hết đều thực hiện quản trị margin bằng hệ thống tự động, điều này giúp các CTCK quản trị rủi ro tốt hơn cũng như phản ứng kịp thời hơn với thị trường. Nhưng mục tiêu hàng đầu của CTCK là làm sao phục vụ nhu cầu cho khách hàng và sẽ thật khó khăn cho CTCK khi mã nhà đầu tư cần được margin lại không nằm trong danh mục được phép của cơ quan chức năng.

Cũng phải nhìn nhận thêm rằng, việc UBCK yêu cầu 2 sở đưa ra danh mục cổ phiếu cấm margin không phải là quy định gây khó dễ cho CTCK, mà mục đích là để cảnh báo cho NĐT không bị sa đà vào những DN đang có vấn đề về kinh doanh, như từng xảy ra trong quá khứ đối với một số mã cổ phiếu. Tuy nhiên, điều mà cơ quan quản lý chưa tính được là một số mã cổ phiếu cấm margin lại rất thanh khoản và nhà đầu tư thực sự có nhu cầu ký quỹ.

Nên đổi mới tư duy về margin

Trao đổi với ĐTCK, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) cho rằng, việc đưa ra tiêu chuẩn cho danh mục cổ phiếu được phép margin như hiện tại của UBCK và sở GDCK là có cơ sở, giúp thị trường hạn chế được nhiều rủi ro. HSC ủng hộ việc nhà quản lý đặt ra tiêu chuẩn cho cổ phiếu margin, nhưng danh mục cổ phiếu cần được cập nhật nhanh hơn nữa. Hiện tại, danh mục cổ phiếu được margin được cập nhật theo từng quý, trong khi cổ phiếu giao dịch hàng phút, hàng ngày, thậm chí giao dịch mạnh dựa trên kỳ vọng về tương lai DN. Do vậy, theo ông Giang, danh mục cổ phiếu cần được cập nhật liên tục, để nhà đầu tư và CTCK không bị lỡ các cơ hội từ thị trường.

Nhiều ý kiến khác từ CTCK cho rằng, cơ quan quản lý không nên can thiệp quá sâu hoạt động nghiệp vụ của khối CTCK và đề xuất CTCK tự xây dựng danh mục mã chứng khoán được margin, còn cơ quan quản lý thực hiện chức năng giám sát nghiệp vụ, đảm bảo các CTCK tuân thủ tỷ lệ cho vay theo quy định. Cơ sở của ý kiến này là việc UBCK ra quy định và sở GDCK theo đó chỉ ra những mã cổ phiếu được margin hàng quý là quá hành chính, thậm chí vi phạm quyền tự do kinh doanh của CTCK, nhất là khi theo khuôn khổ pháp lý của Luật Doanh nghiệp mới ban hành, DN được làm mọi việc mà pháp luật không cấm. Một lý do quan trọng khác là UBCK, Sở GDCK không thường xuyên cập nhật sức khỏe của các DN niêm yết bằng chính khối CTCK, nên danh sách margin không thể cập nhật những mã cổ phiếu đang có triển vọng tốt. Cuối cùng, tự thân CTCK phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sức khỏe tài chính của mình, nên việc can thiệp quá sâu vào hoạt động nghiệp vụ của công ty là không cần thiết trong bối cảnh khối CTCK đã trải qua nhiều bài học kinh nghiệm trên thương trường.

Lãnh đạo một CTCK cho biết, thông thường các sở thống kê danh sách cổ phiếu dựa trên yếu tố cơ bản (loại bỏ DN lỗ liên tục 2 năm liên tiếp, bị cảnh báo…), nhưng danh sách này luôn bỏ qua những DN mới niêm yết trên sàn. “Theo chúng tôi, nhà quản lý nên để các CTCK được tự chủ động lập danh sách cổ phiếu cho vay dựa theo một vài tiêu chí cụ thể, nhưng các tiêu chí cần có tính bao quát hơn hiện tại”, lãnh đạo CTCK đề xuất.

Thị trường có cầu sẽ có cung, chính vì vậy, trong nhiều năm qua, không ít CTCK vẫn đang lách luật để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư, cùng là để tối đa hóa lợi nhuận. Để hợp thức hóa khoản vay của khách hàng, thay vì hợp đồng margin thì sẽ thành hợp đồng hợp tác... để làm sao vẫn tạo được thanh khoản cho cổ phiếu và hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận cơ hội đầu tư có lợi suất cao.

Trước đây, một số CTCK đã từng đề xuất UBCK và sở GDCK nên cho phép CTCK tự điều chỉnh danh mục cho phép giao dịch ký quỹ, nhưng đến nay, đề xuất này vẫn chưa được chấp thuận nên một số âm thầm vẫn làm “chui” thông qua danh mục Margin +, danh mục cổ phiếu hợp tác đầu tư… dựa trên nhu cầu thực tế của nhà đầu tư.

Nhiều CTCK cho biết, đối với những cổ phiếu có thanh khoản lớn, kết quả kinh doanh của DN bị lỗ, nhưng nếu đánh giá DN không phải đối mặt với nguy cơ phá sản, họ vẫn tìm cách cho khách hàng vay vốn để mua. Nhìn chung, các CTCK mong muốn, nhà quản lý cần làm mới tư duy về danh mục cổ phiếu margin, tăng quyền chủ động cho CTCK và nhà đầu tư, nhằm thúc đẩy các dòng vốn luân chuyển nhanh hơn trên thị trường.

Sửa quy định về margin, cần làm sớm

Ông Trịnh Hoài Giang cho biết, theo quy định, những cổ phiếu mới niêm yết trong 6 tháng đầu năm không được phép margin. Trong khi đó, một số mã mới niêm yết như DCM của CTCP Đạm Cà Mau được nhiều nhà đầu tư quan tâm vì DN có nền tảng và triển vọng tốt. Xét trên các chỉ số cơ bản và nhu cầu của nhà đầu tư, nhiều CTCK sẵn sàng cấp margin cho DCM, tuy nhiên, chiếu theo quy định pháp lý lại không được. Đây là điều đáng tiếc của TTCK hiện nay.

“Danh sách cổ phiếu được margin do 2 sở quy định, với số lượng rất lớn, nhưng trong số đó có quá nhiều mã kém thanh khoản. Trong khi đó, có nhiều cổ phiếu ngoài danh sách này có thanh khoản rất tốt, đáng được margin thì lại bị cấm. Đó là một nghịch lý mà UBCK và 2 sở cần sớm gỡ bỏ”, lãnh đạo một CTCK nói.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến mới đây do ĐTCK tổ chức, trả lời câu hỏi nhà đầu tư về việc nhà quản lý có dự định thay đổi cách tư duy về cổ phiếu margin không, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE cho rằng, bất cập hiện nay sẽ được xem xét để chỉnh sửa, bổ sung. Theo bà Đào, điều kiện đưa cổ phiếu vào danh sách không được giao dịch margin nhằm mục đích loại bỏ những cổ phiếu có rủi ro cao, trong đó có rủi ro về hoạt động kinh doanh. Hiện nay, việc lập danh sách margin thực hiện theo quy định tại Quyết định 637/QĐ-UBCK năm 2011, qua 4 năm thực hành, đòi hỏi UBCK và các sở cần sớm chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với thực tế.

Bất cập việc CTCK “nhường” lợi nhuận cho ngân hàng

Một bất cập không nhỏ xuất phát từ việc UBCK, sở GDCK quản chặt danh sách cổ phiếu được margin là việc CTCK trong nhiều trường hợp, phải nhường “miếng cơm” cho ngân hàng. Chẳng hạn, nhà đầu tư A cần vay tiền để mua cổ phiếu X, không có tên trong danh sách margin. CTCK nơi nhà đầu tư A mở tài khoản không thể trực tiếp cho nhà đầu tư A vay tiền, nhưng để giữ chân ông A, CTCK giúp nhà đầu tư kết nối với khoản vay từ ngân hàng. Vậy là thay vì CTCK được phục vụ ông A để hưởng phí thì ngân hàng đã phục vụ và nghiễm nhiên được hưởng phí cho khoản vay này.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao ngân hàng sẵn sàng cho ông A vay, mà CTCK nơi ông A mở tài khoản, lại không được cho ông A vay vì cùng một mục đích? Trong khi đó, cho vay margin trên TTCK là khoản cho vay an toàn hơn, vòng quay vốn nhanh hơn và dễ thu hồi nợ hơn rất nhiều so với các hình thái cho vay khác, vì cả tiền mặt và tài sản cổ phiếu của nhà đầu tư đều do CTCK quản lý giúp.

Tin bài liên quan