Kiểm soát cảm xúc trong giao dịch

Kiểm soát cảm xúc trong giao dịch

(ĐTCK) Chứng trường thời lên nhanh, xuống nhanh là cảm nhận chung của lãnh đạo nhiều công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán khi chia sẻ với Ðầu tư Chứng khoán về hiện trạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. 

Các nhân sự này không có tư vấn cụ thể nào về việc đây là thời điểm để mua vào, giống như những lần TTCK Việt Nam giảm mạnh trước đó. Dường như những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến xu hướng thị trường ngày càng khó đoán định, nên câu chuyện nên làm gì lúc này trở nên khó quyết hơn.

Ðiều ai cũng nhận thấy là, TTCK Việt Nam cũng như một số TTCK mới nổi đang có diễn biến ngược chiều với chỉ số DXY, chỉ số đo sức đo sức mạnh của đồng USD với 6 rổ tiền tệ khác. Giám đốc quỹ đầu tư nước ngoài nhận xét, cứ lần nào DXY tăng chạm ngưỡng 95, ngưỡng cho thấy xu hướng đồng USD tăng giá, là chứng trường “sụp”. Lần này cũng không phải ngoại lệ. Quỹ của ông thường dự báo xu hướng thị trường thế giới cũng như Việt Nam dựa trên dự báo chỉ số DXY này.

Sau động thái tăng lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa qua, giám đốc môi giới một công ty chứng khoán lớn đã dự báo chứng khoán Việt Nam sẽ chỉ phục hồi nhẹ, sau đó quay đầu giảm điểm và mức giảm có thể xuống 850 điểm.

Tất nhiên đây là quan điểm của 1 trong gần 2 triệu cá nhân và tổ chức đã mở tài khoản trên TTCK Việt Nam. Quan điểm này được đưa ra dựa trên căn cứ là khối ngoại sẽ bị áp lực bán ròng như một hệ quả đương nhiên của việc Fed tăng lãi suất và có thể tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay.

Thực tế cho thấy, với TTCK ở loại cận biên như Việt Nam, mức độ biến động do ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài thường khá lớn. Khi đồng USD tăng giá, nhà đầu tư ngoại có thể sẽ chọn bán cổ phiếu ở các thị trường mới nổi trước để rút tiền về thị trường có lãi suất tốt hơn và an toàn hơn.

Ngược lại, khi sức hấp dẫn của đồng USD qua đi thì nhà đầu tư ngoại cũng dễ chọn thị trường cận biên và mới nổi trước tiên, bởi định giá rẻ, tỷ suất lợi nhuận cao. Vì thế, loại thị trường này có thể diễn biến rất nhanh, giảm nhanh và lên cũng rất nhanh. Thị trường Việt Nam không phải ngoại lệ.

Lực đỡ cho TTCK Việt Nam là khả năng tăng trưởng của nền kinh tế, tập trung ở các doanh nghiệp lớn rất cao. Trên thị trường, có những mã cổ phiếu lớn mà lực bán ròng của nhà đầu tư ngoại lớn, nhưng lượng mua cũng rất lớn và giao dịch cứ luân phiên khi bán ròng khi mua ròng.

Ðiều này phản ánh diễn biến, vốn nóng rút ra nhưng vốn nguội vẫn vào. Chỉ có điều về mặt kỹ thuật, vốn nguội (vốn dài hạn) đã mua ròng rất lớn thời gian qua nên trước mắt vốn nóng đang chiếm lợi thế trong giao dịch.

Thật khó để giữ an toàn cho danh mục đầu tư khi các yếu tố khách quan về kinh tế, chính trị quốc tế đang “nhảy múa” mạnh mẽ và khó lường.  Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư có niềm tin sức khỏe nền kinh tế vẫn vững, tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp lớn đang và sẽ vững, thì đây chính là những yếu tố nền tảng, sẽ quyết định xu thế dài hạn của thị trường Việt Nam.

Cơ hội đầu tư năm nay đang dành cho các nhà đầu tư thực sự am hiểu thị trường và kiểm soát được cảm xúc trong giao dịch. Bài học kinh nghiệm này ai cũng biết, nhưng thực hiện được liệu có mấy ai? 

Tin bài liên quan