Kích hoạt làn sóng nới room

Kích hoạt làn sóng nới room

(ĐTCK) Trong 2 tháng qua, giới đầu tư theo dõi thị trường vàng và ngoại tệ khá sát trước lo ngại diễn biến của 2 thị trường này ảnh hưởng đến TTCK. 

Tuy nhiên, mặc dù giá vàng có tăng và tỷ giá có sôi động trong thời gian ngắn nhưng biên độ không đủ để hút vốn đầu tư trên thị trường. Mặc khác, giao dịch đầu tư ở 2 thị trường này gặp trở ngại do chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý.

Trong khi đó, thị trường bất động sản đang lắng lại trước các thông tin bất lợi về giảm tín dụng, cắt lãi suất ưu đãi cho nhà thu nhấp thấp và nguồn cung quá lớn. TTCK trở thành kênh đầu tư khả dĩ ở thời điểm hiện nay, khi mà giá chứng khoán đang ở mức định giá hợp lý.

Không tăng điểm mạnh nhưng 1 tháng qua đã có nhiều cổ phiếu tìm về mặt bằng giá cao hơn. Ví dụ từ P/E 6 lần, cổ phiếu tăng lên mức định giá P/E 7 đến 8 lần và duy trì ở mức giá này khá vững vàng mà không điều chỉnh khi thị trường chạm mức 580 điểm.

Theo khảo sát của ĐTCK, nhiều nhà đầu tư đã ôm hàng giá tốt để chờ một đợt tăng giá mới của thị trường. Đợt tăng giá mới được kỳ vọng sẽ đến vào mùa ĐHCĐ, khi các doanh nghiệp công bố kế hoạch 2016, dự báo kết quả lợi nhuận quý I.

Đặc biệt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa gửi các công ty đại chúng một số lưu ý chuẩn bị ĐHCĐ năm 2016, trong đó yêu cầu HĐQT cần tổ chức họp, rà soát danh mục ngành nghề kinh doanh, xác định tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài dự kiến để đưa ra xin ý kiến ĐHCĐ. Trường hợp vướng mắc về các vấn đề nêu trên, đề nghị công ty gửi văn bản về UBCK để lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn triển khai.

Lưu ý của UBCK sẽ giúp kích hoạt làn sóng nới room lan tỏa mạnh hơn, bởi thực tế là hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp chủ động xin nới room còn rất thấp trong tổng số doanh nghiệp niêm yết. Ngoài lý do doanh nghiệp vướng về thủ tục, cụ thể là về các quy định giới hạn của NĐT nước ngoài trong từng ngành nghề kinh doanh thì nguyên nhân chính vẫn là nhiều cổ đông lớn kiêm quản lý điều hành doanh nghiệp vẫn chưa chủ động nới room.

Quyết định nới room hay không vẫn phụ thuộc vào ĐHCĐ, nhất là các cổ đông lớn, nhưng khi vấn đề nới room được đem ra thảo luận công khai thì cổ đông sẽ biết rõ doanh nghiệp nào có động lực, doanh nghiệp nào không có động lực nới room và lý do vì sao. Điều này cũng sẽ tạo áp lực lên các doanh nghiệp không nới room, khi có nhiều doanh nghiệp khác đang tích cực thực hiện.

Nhìn ra thị trường thế giới, mặc dù rủi ro từ thị trường Trung Quốc vẫn còn đó nhưng thêm thông tin hỗ trợ TTCK toàn cầu là Mỹ sẽ giảm số lần tăng lãi suất tối đa và một số dự đoán cho rằng, dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường mới nổi.

Giới phân tích đang kỳ vọng sau một giai đoạn tích lũy nữa, thay vì điều chỉnh sâu, thị trường có thể có một đợt tăng giá mới.

Tin bài liên quan