Cổ phiếu không có quyền biểu quyết sẽ mở thêm không gian hút vốn ngoại cho DN

Cổ phiếu không có quyền biểu quyết sẽ mở thêm không gian hút vốn ngoại cho DN

Khuyến khích DN phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết

(ĐTCK) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) khuyến khích doanh nghiệp phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết nhằm mở rộng thêm không gian thu hút vốn ngoại.

Trong khi phương án phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) không khả thi với quy định pháp lý hiện hành, thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) khuyến khích doanh nghiệp phát hành một sản phẩm… gần giống NVDR là cổ phiếu không có quyền biểu quyết, nhằm mở rộng thêm không gian thu hút vốn ngoại. 

Chưa mở cơ chế cho phát hành NVDR

Gần đây, một số ý kiến từ các thành viên thị trường tiếp tục đề xuất UBCK xem xét khả năng cho phép phát hành NVDR như phương án mà Sở GDCK TP. HCM từng nghiên cứu và đề xuất, nhằm rộng cửa hơn cho thu hút vốn ngoại tham gia TTCK Việt Nam.

Trước đề xuất trên, một lãnh đạo UBCK cho biết, NVDR là giải pháp chỉ triển khai ở Thái Lan, nhằm mở rộng không gian thu hút vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào các DN mà pháp luật nước này hạn chế tỷ lệ sở hữu đối với đối tượng NĐT này. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu sản phẩm này trong hệ thống pháp luật DN Việt Nam, thì phát sinh một số vấn đề sau:

Thứ nhất, do NĐT nắm giữ NVDR không có quyền biểu quyết, nên chẳng hạn tại một DN mà nhóm NĐT ngoại A đã sở hữu 49% vốn điều lệ, một nhóm NĐT nước ngoài B sở hữu 51% vốn dưới hình thức NVDR sẽ dẫn đến tình huống khi DN họp ĐHCĐ, việc biểu quyết thực chất chỉ được thực hiện trong nội bộ nhóm NĐT ngoại đang nắm giữ 49% vốn. Theo cơ chế này, việc triệu tập ĐHCĐ lần thứ nhất không thể thực hiện được theo quy định tại khoản 1, Điều 141, Luật Doanh nghiệp. Như vậy, DN này chỉ có thể tiến hành ĐHCĐ thành công ở lần thứ hai.

Thứ hai, khi đã triệu tập được ĐHCĐ, do tỷ lệ biểu quyết căn cứ vào số cổ đông có quyền biểu quyết dự họp, trong trường hợp cụ thể nêu trên, toàn bộ các quyết định của DN đều do nhóm NĐT ngoại A biểu quyết thực hiện. Nghĩa là, tuy nắm giữ 49% cổ phần, nhưng họ thực chất đại diện cho 100% cổ phần có quyền biểu quyết. Vô hình trung điều này sẽ “vô hiệu hóa” các quy định về hạn chế tỷ lệ sở hữu tối đa của bên nước ngoài đối với một số ngành, lĩnh vực mà Nhà nước muốn kiểm soát, nắm giữ cổ phần chi phối.

Giả sử, NĐT ngoại A nắm giữ 49% cổ phiếu, nhóm NĐT ngoại B nắm giữ 30% NVDR và nhóm NĐT trong nước C nắm phần còn lại (21%). Như vậy, tỷ lệ cổ phiếu có quyền biểu quyết còn lại của DN là 70% và DN này không gặp vấn đề về việc triệu tập ĐHCĐ, nhưng những quyết định của DN vẫn phụ thuộc vào nhóm NĐT nước ngoài A, vì tỷ lệ chi phối: 49%/70% = 70% quyền biểu quyết thực tế, trong khi nhóm NĐT C là thiểu số nắm 21%/70% = 30% quyền biểu quyết thực tế.

Đó là chưa kể hệ thống pháp lý hiện hành của Việt Nam chưa mở ra cơ chế cho việc thành lập đơn vị đứng ra mua cổ phiếu trên thị trường và phát hành NVDR tương ứng, nên gây khó cho triển khai NVDR. Vì NVDR không giải quyết được nhiều mục tiêu đặt ra, nên UBCK vẫn đang yêu cầu Sở GDCK tiếp tục nghiên cứu giải pháp để triển khai theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

NVDR, theo lãnh đạo UBCK, thực chất là cổ phiếu bị tước quyền biểu quyết, rất khác so với loại cổ phiếu không có quyền biểu quyết (chính là loại cổ phần ưu đãi cổ tức đã được quy định từ Luật Doanh nghiệp 2005 và tiếp tục được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014). Với loại cổ phiếu không có quyền biểu quyết, chẳng hạn DN có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của nước ngoài, trong khi DN muốn huy động thêm vốn ngoại, họ hoàn toàn có thể phát hành lượng cổ phiếu không có quyền biểu quyết với giá trị chẳng hạn 50 tỷ đồng. NĐT nước ngoài nắm giữ lượng cổ phiếu này không có các quyền: biểu quyết, dự họp ĐHCĐ, đề cử người vào HĐQT và ban kiểm soát (như quy định tại Luật Doanh nghiệp), mà có quyền hưởng cổ tức, chênh lệch giá... Có nghĩa là việc NĐT sở hữu lượng cổ phiếu không có quyền biểu quyết hoàn toàn không ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định về quản trị, điều hành tại DN, điều này rất khác so với NVDR, khi mà cứ mỗi một NVDR phát sinh thì lượng cổ phiếu biểu quyết bị giảm đi một đơn vị, kéo theo đó là tỷ lệ sở hữu bị tác động. 

Khuyến khích DN phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết

Theo lãnh đạo UBCK, với các quy định rõ ràng tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định 60/2015, cơ sở pháp lý đã sẵn sàng cho DN phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Mặt khác, đây là giải pháp được triển khai phổ biến trên thế giới và mang lại hiệu quả tích cực, bởi hóa giải khá hiệu quả các rào cản về room. Bởi vậy, UBCK ủng hộ và khuyến khích các DN phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết, để cải thiện khả năng huy động vốn ngoại cho DN và cả TTCK.

“Với những lợi ích tích cực trên, UBCK sẵn sàng đồng hành cùng DN, sở GDCK trong việc hỗ trợ triển khai phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Nghị định 60/2015 cũng đã có quy định rất rõ ràng về việc không hạn chế sở hữu nước ngoài đối với cổ phiếu không có quyền biểu quyết…”, lãnh đạo UBCK nói.

Tin bài liên quan