Khủng hoảng: Công ty chứng khoán sống bằng gì?

Khủng hoảng: Công ty chứng khoán sống bằng gì?

Thị trường phục hồi, lãi suất giảm, quy định chỉ tiêu an toàn vốn khiến các công ty chứng khoán buộc phải thay đổi cung cách đầu tư.

Khủng hoảng: Công ty chứng khoán sống bằng gì? ảnh 1

Trái ngược với bức tranh thị trường chứng khoán khởi sắc trong 5 tháng đầu năm, doanh thu các công ty chứng khoán (CTCK) lại thể hiện màu sắc u ám, phản ánh trong kết quả kinh doanh quý I/2012. Theo thống kê, tổng doanh thu các công ty chứng khoán niêm yết chỉ vẻn vẹn 1.050 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng CTCK có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm ngoái khá hiếm hoi.

 

Cơ cấu thu nhập đa dạng

Với một số CTCK lớn như: HSC, BIDV, VietinbankSc… vì có lợi thế là nguồn khách hàng tổ chức lớn hoặc ngân hàng đứng chống lưng nên doanh thu môi giới ổn định là điều dễ hiểu. Trên thực tế, nguồn doanh thu chủ lực của các CTCK lớn đến từ thu nhập tiền lãi, dịch vụ tài chính (repo chứng khoán). Trong quý I, thu nhập khác của HSC lên đến 103,3 tỷ đồng, chiếm tới 65% tổng doanh thu chính. Khá giống với HSC, 45% tổng doanh thu quý I của SSI đến từ thu nhập khác (73,9 tỷ đồng). Với mô hình quản trị rủi ro tốt, cả HSC và SSI đều đi theo hướng chung là ngân hàng đầu tư với cơ cấu thu nhập đa dạng từ môi giới, tư vấn, đầu tư, bảo lãnh, kinh doanh tiền tệ. Khi TTCK sụt giảm mạnh như 2011, kinh doanh tiền tệ đem lại nguồn thu nhập ổn định và dư dả cho các CTCK. Lãi suất vay qua đêm năm 2011 đã từng lên 20%/năm, như vậy, đem gửi tiền sẽ phát huy hiệu quả, an toàn hơn. Quan trọng hơn, các CTCK đã kịp thời tăng vốn mạnh trong thời kỳ thị trường tăng nóng, để mở rộng quy mô tài sản, giữ vị trí dẫn đầu thị trường. Ví dụ như vốn chủ sở hữu SSI là 5.265 tỷ đồng tương đương với 1 ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, trong đó, lượng tiền mặt gửi ngân hàng là 1.530 tỷ đồng, đủ để tạo ra thu nhập lãi bù đắp nguồn doanh thu khác.

Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2012, kinh doanh tiền tệ sẽ kém hấp dẫn do mặt bằng lãi suất giảm xuống nhanh chóng. Lãi suất tiền gửi đã hạ thấp xuống 11%/năm và sẽ giảm tiếp xuống 9%/năm theo thông điệp Thống đốc NHNN đưa ra. Ngoài ra, lãi suất liên ngân hàng sụt giảm mạnh, lãi suất qua đêm là 2,91%/năm, các kỳ hạn từ 1 tuần đến 2 tháng dao động từ 3,87 - 6,23%/năm (theo số liệu ngày 31/05 của NHNN). Do đó, các CTCK sẽ phải đau đầu sử dụng tiếp nguồn vốn dư dả với mục đích gì khi kinh doanh tiền tệ không còn đạt hiệu quả cao như năm 2011.

 

Hoạt động margin: Dễ và khó

Lãi suất giảm còn tác động trực tiếp đến mảng kinh doanh margin của CTCK tức là hoạt động cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán. Đối với HSC, dư nợ cho khách hàng vay chứng khoán là 1.258 tỷ đồng, tạo ra thu nhập 47,82 tỷ đồng trong quý I/2012. Tại hầu hết các CTCK, hoạt động cấp margin cho khách hàng khá phổ biến, càng trở nên sôi động hơn khi lãi suất hạ nhiệt cộng thêm TTCK dự báo vẫn tăng trưởng trung và dài hạn. Cuối tháng 5/2012, các CTCK đồng loạt thông báo hạ lãi suất margin cho vay xuống 20%/năm, giảm khá nhiều so với mức trung bình 25%/năm trong năm 2011. Lãi suất của CTCK Bảo Việt (BVS) khá thấp là 18,5%/năm, trong khi CTCK KimEng công bố lãi suất cho vay lên đến 22 - 26%/năm. Chi phí tài chính thấp là nhân tố thuận lợi cho nhà đầu tư tăng cường sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, trong thị trường biến động như hiện nay, thời gian sử dụng margin không kéo dài mà chỉ áp dụng trong ngắn hạn. Vì vậy, vấn đề lớn đối với các CTCK là huy động được nguồn vốn giá rẻ cho khách hàng vay và sử dụng một cách an toàn, hiệu quả.

Lãi suất NHTM cho CTCK vay là 15%/năm, CTCK cho khách hàng vay lại 18-20%/năm, CTCK đã hưởng chênh lệch lãi biên 3-5%/năm. Có những vấn đề đặt ra: Thứ nhất, nguồn vốn huy động cho vay margin từ đâu? CTCK có tuân thủ yêu cầu an toàn tài chính theo quy định pháp luật không? Các CTCK có vốn chủ sở hữu lớn như SSI hay các CTCK là công ty con các tập đoàn lớn, ngân hàng như BVS, MBS không quá lo ngại về vốn. Đặc biệt với CTCK quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu dưới 300 tỷ đồng, việc đi vay phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 226/2010/TT-BTC, trong đó quy định tỷ lệ vốn khả dụng đạt trên 180%. Nếu không cấu trúc hợp lý tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay, CTCK rơi vào diện bị kiểm soát đặc biệt do mất cân đối tài chính.

Thứ hai, vấn đề quản trị rủi ro vẫn bị các CTCK lơ là, thiếu coi trọng cho đến khi xảy ra mất khả năng thanh toán như trường hợp CTCK Hà Thành hay CTCK SMEs. CTCK HSC là một trong số ít các CTCK tuân thủ chặt chẽ kiểm soát rủi ro khi lãnh đạo công ty này cho biết, việc bán giải chấp cho vay margin khá bình thường và diễn ra hàng ngày. Thách thức lớn của hoạt động margin là hiệu quả của việc cho vay và khả năng thu hồi vốn từ phía khách hàng!

 

Thay đổi xu hướng đầu tư?

Nhìn tổng quan, hoạt động đầu tư đóng góp tỷ trọng lớn cho CTCK khi thị trường thuận lợi. Xu thế đầu tư hiện nay của CTCK là đầu tư vào bất cứ doanh nghiệp nào đều lấy mảng Tư vấn (IB) làm mũi nhọn. Sau đó, CTCK sẽ tham gia Ban kiểm soát, Hội đồng quản trị để nắm bắt tình hình của doanh nghiệp, xử lý kịp thời phát sinh. Về hình thức hạch toán, nếu các khoản đầu tư được ghi nhận dưới hình thức đầu tư tài chính dài hạn, CTCK chỉ ghi nhận cổ tức hoặc chênh lệch giá khi thoái vốn. Nếu chuyển sang hình thức công ty liên kết (nắm giữ trên 20% vốn cổ phần), CTCK còn ghi nhận thêm lợi nhuận phân bổ từ các công ty liên kết này. Điển hình là trường hợp SSI, CTCK đã ghi nhận 43 tỷ đồng lợi nhuận từ các công ty liên kết trong quý I. Đây là cách thức khá sáng suốt để giảm bớt gánh nặng dự phòng đối với danh mục đầu tư dài hạn của CTCK này. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số công ty liên kết của SSI đã lên đến 7 công ty, giá gốc đầu tư 1.387 tỷ đồng bao gồm: Quỹ tầm nhìn SSIVF, Aquatex Bến Tre (ABT), Hùng Vương (HVG), Xuyên Thái Bình (PAN), Gilimex (GIL), Giống cây trồng Miền Bắc (NSC) và Giống cây trồng Miền Nam (SSC). Đồng thời, quỹ Tầm nhìn SSIVF đã đầu tư chéo vào các công ty liên kết của SSI như ABT, SSC. Sở hữu chéo như vậy giảm giao dịch tự do trên thị trường cũng như bớt áp lực giảm giá của nhóm cổ phiếu nói trên.

Thu nhập đầu tư của SSI trong quý I chủ yếu từ cổ tức và trái tức (25 tỷ đồng), cao hơn hẳn so với thu nhập từ hoạt động mua bán (14,9 tỷ đồng). Điều này cho thấy, công ty lựa chọn giải pháp an toàn: hạn chế mua bán, chủ yếu hưởng cổ tức, trái tức. Cách thức đầu tư này chỉ phù hợp trong thời điểm thị trường suy thoái, không tận dụng cơ hội đầu tư ngắn và trung hạn trong thị trường biến động như hiện nay. Thêm vào đó, theo dự thảo Thông tư quản lý các CTCK, tỷ lệ đầu tư tự doanh các CTCK chỉ chiếm tối đa là 70% so với vốn chủ sở hữu. Đồng thời, theo thông tư 226/2010/TT-BTC, giá trị rủi ro tài sản sẽ tính tăng thêm 10-20% nếu giá trị khoản đầu tư chiếm từ 10 đến 25% vốn chủ sở hữu. Siết chặt quản lý an toàn vốn của các CTCK sẽ khiến cho hoạt động đầu tư của các công ty phải tuân theo khuôn khổ. Dẫu sao, sự nhanh nhạy của ban điều hành các CTCK lớn như SSI hay HSC luôn đi trước thị trường.