Nhiều công ty đại chúng chây ỳ lên sàn bởi có “khoảng trống” trong chế tài xử lý các trường hợp vi phạm

Nhiều công ty đại chúng chây ỳ lên sàn bởi có “khoảng trống” trong chế tài xử lý các trường hợp vi phạm

Không để công ty đại chúng “ẩn nấp” ngoài sàn

(ĐTCK) Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), hết năm 2015, có 1.071 công ty đại chúng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. 

Trong số này có những công ty vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, nhưng do thiếu chế tài xử lý, nên các doanh nghiệp vẫn… thản nhiên ngoài sàn. Được biết, UBCK, Bộ Tài chính đang đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng này.

Trong số hàng nghìn công ty đại chúng chưa lên sàn như công bố của UBCK, có rất nhiều “ông lớn” hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (vốn 10.700 tỷ đồng); Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex (vốn 5.000 tỷ đồng); Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (vốn 11.198 tỷ đồng), Sabeco, Habeco…

Tình trạng nhiều công ty đại chúng chậm trễ lên sàn gây bức xúc cho các cổ đông, giới đầu tư. Đại diện cho tiếng nói của nhà đầu tư cá nhân, cũng như nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam (VAFI) đề nghị, Bộ Tài chính, UBCK cần đề xuất áp dụng các chế tài xử phạt nặng doanh nghiệp vi phạm.

Các tập đoàn, tổng công ty chưa lên sàn sau IPO là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (vốn 10.700 tỷ đồng); Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex (vốn 5.000 tỷ đồng); Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (vốn 11.198 tỷ đồng), Sabeco, Habeco…

Trước mắt, nên công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm quy định lên sàn được đề cập cụ thể tại Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước, để tạo tính răn đe.

Nhiều công ty đại chúng chây ỳ lên sàn, bởi hiện có “khoảng trống” về chế tài xử lý các trường hợp vi phạm. Do đó, để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đang triển khai hai hướng giải pháp: đề xuất áp dụng chế tài mới để tạo tính răn đe đối với doanh nghiệp và ban hành quy định mới nhằm khuyến khích doanh nghiệp lên sàn thông qua việc giúp họ đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian tuân thủ.

Liên quan đến đề xuất áp dụng chế tài mới, tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 108/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán mà UBCK đang hoàn thiện để theo kế hoạch trong tháng 10/2016, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành, có bổ sung chế tài xử lý doanh nghiệp không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán, hoặc thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn theo quy định.

“UBCK vừa nhận được văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp, nên đang tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự thảo và sẽ khẩn trương trình dự thảo nghị định lên Bộ Tài chính, để Bộ trình Chính phủ sớm hơn so với kế hoạch đề ra”, đại diện UBCK cho biết.

Với hướng giải pháp khuyến khích, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiến hành IPO gắn với lên sàn, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tại dự thảo sửa đổi Thông tư 196/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần mà Bộ Tài chính đang hoàn thiện để sắp ban hành, đã bổ sung nội dung mới về đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch cổ phần trúng đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm lưu ký (VSD) thực hiện đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch cho số cổ phần trúng đấu giá đã được thanh toán. Đối với số cổ phần bán cho các cổ đông chiến lược, người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa, số cổ phần tương ứng với phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, thì thực hiện đăng ký, lưu ký, đăng ký giao dịch bổ sung theo quy định pháp luật về chứng khoán.

VSD thực hiện lưu ký số cổ phần của nhà đầu tư vào tài khoản giao dịch của nhà đầu tư tại Đơn đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần. Trường hợp không có tài khoản giao dịch tại đơn này, nhà đầu tư sử dụng Thông báo kết quả đấu giá cổ phần và Phiếu nộp tiền để thực hiện lưu ký cổ phần tại thành viên lưu ký. Thành viên lưu ký có nghĩa vụ tái lưu ký cổ phần của khách hàng tại VSD.

Việc tích hợp hồ sơ IPO với hồ sơ đăng lý lưu ký cổ phiếu tại VSD và hồ sơ đăng ký giao dịch hoặc niêm yết cổ phiếu trên sở giao dịch chứng khoán như trên, theo ông Tiến, sẽ tiết giảm đáng kể thủ tục và thời gian cho doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ lên sàn theo quy định hiện hành.

Tin bài liên quan