Ảnh Internet

Ảnh Internet

Không để cổ phần hóa chậm tái diễn

(ĐTCK) “Theo kế hoạch năm nay phải hoàn thành cổ phần hóa 44 doanh nghiệp, nhưng đến nay mới hoàn thành 21 doanh nghiệp. Với kết quả này, năm nay có thể không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa. Chúng tôi đang đề xuất triển khai nhiều giải pháp để việc cổ phần hóa chậm không tái diễn trong thời gian tới…”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết.

Theo ông, nguyên nhân cổ phần hóa chậm là do đâu?

Theo kế hoạch, năm nay phải hoàn thành cổ phần hóa 44 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành kèm theo Công văn 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm trong giai đoạn 2017-2020… Tuy nhiên, đến nay mới hoàn thành 21 doanh nghiệp.

Tiến độ cổ phần hóa chậm do hiện tiến trình cổ phần hóa trên cả nước đang bước vào giai đoạn triển khai, nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn, tài sản, nhất là quỹ đất lớn, nên thời gian xử lý để xác định giá trị doanh nghiệp kéo dài.

Không để cổ phần hóa chậm tái diễn ảnh 1

 Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính

Việc triển khai cổ phần hóa chậm còn do khâu phê duyệt đề án cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước còn chậm so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các quyết nghị, chỉ đạo của Chính phủ, vẫn còn một số đơn vị còn bị động, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai cổ phần hóa, ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2017.

Ngoài khó đạt kế hoạch về số lượng doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa, ông nhìn nhận gì về chất lượng cổ phần hóa trong năm 2017?

Tính đến ngày 20/12, trong tổng vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt là 93.888 tỷ đồng, thì Nhà nước nắm giữ 42.007 tỷ đồng (chiếm 44,7% tổng vốn điều lệ); bán cho nhà đầu tư chiến lược 36.346 tỷ đồng (chiếm 38,7% tổng vốn điều lệ); số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 15.159 tỷ đồng (chiếm 16,14% tổng vốn điều lệ), còn lại bán cho người lao động và tổ chức công đoàn lần lượt chiếm 0,37% và 0,02% tổng vốn điều lệ... Điều này phần nào cho thấy chất lượng cổ phần hóa đang dần cải thiện.

Để khắc phục tình trạng cổ phần hóa chậm trễ, giải pháp nào được đưa ra trong năm 2018, thưa ông?

Những vướng mắc về cơ chế cổ phần hóa đã được tháo gỡ tại Nghị định 126/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, qua đó sẽ thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2018 và những năm tiếp theo, ngay từ bây giờ phải khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định 01/2017/ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, chủ động xử lý các vấn đề về tài chính, lao động trước khi cổ phần hóa theo quy định, chốt thời điểm xác định giá trị và công bố giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án cổ phần hóa và IPO.

Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường vai trò giám sát đối với doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai cổ phần hóa, các cơ quan giám sát, doanh nghiệp cùng có trách nhiệm thực hiện công khai hóa các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp để các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia IPO. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, thanh tra, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa.

Thời gian qua, việc nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa chậm được một số ý kiến nhìn nhận là có trách nhiệm của các bộ, ngành chủ quản, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, nhưng việc xử lý trách nhiệm xem ra còn chưa quyết liệt. Giải pháp để khắc phục tình trạng này trong năm 2018 là gì, thưa ông?

Một trong những giải pháp trọng tâm trong công tác chỉ đạo, đôn đốc cổ phần hóa năm 2018 là tăng cường xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa. Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế phải chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra tình trạng sắp xếp, cổ phần hóa chậm.

Quyết liệt xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không hiệu quả việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Trường hợp những người này thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Tin bài liên quan