Khối ngoại đang gia tăng quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam

Khối ngoại đang gia tăng quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc thường trực Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) cho biết, diễn biến gần đây cho thấy khối ngoại đang gia tăng quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong bối cảnh này, nếu chúng ta có thêm các giải pháp linh hoạt và hiệu quả hơn, thì sẽ tạo ra được lực hút mới đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Những tín hiệu nào cho thấy giới đầu tư nước ngoài đang gia tăng quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam, thưa ông?

Gần đây, cùng với động thái khối ngoại mua ròng cổ phiếu trong nhiều phiên, một diễn biến đáng chú ý là truyền thông tài chính nước ngoài đề cập nhiều đến mức độ quan tâm gia tăng của giới đầu tư nước ngoài đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Điều này được thể hiện cụ thể trên thực tế khi mới đây, ngày 5/7, Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam do Dragon Capital quản lý đã niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Luân Đôn. Quỹ VEIL được kỳ vọng sẽ trở thành kênh huy động vốn ngoại hiệu quả để giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trước đó, ngày 1/7, Quỹ KINDEX Vietnam VN30 ETF, do Công ty Quản lý quỹ Korea Investment Management Co (KIM) của Hàn Quốc quản lý, đã niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX). Quỹ này mô phỏng theo diễn biến hàng ngày của chỉ số VN30 do HOSE đang quản lý. Sau hai tuần niêm yết, Quỹ đã thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc, với khối lượng giao dịch bình quân đạt 408.410 chứng chỉ quỹ/ngày, nằm trong số những chứng chỉ quỹ ETF được giao dịch nhiều nhất tại KRX.

Khối ngoại đang gia tăng quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam ảnh 1

 Ông Lê Hải Trà

Giá chứng chỉ quỹ đã tăng 4,87% kể từ ngày niêm yết, đóng cửa ở mức 10.450 Won (KRW), tương đương khoảng 202.800 đồng/chứng chỉ quỹ vào ngày 14/7. Đây là lần đầu  tiên một quỹ ETF niêm yết tại nước ngoài mô phỏng theo chỉ số VN30 của HOSE. Tuy được niêm yết và giao dịch ở nước ngoài, nhưng dòng tiền giao dịch chứng chỉ quỹ ETF KINDEX Vietnam VN30 ETF lại thực chảy vào các cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30.

Diễn biến trên sẽ mở ra hướng tiếp cận mới của HOSE trong hiện thực hóa nỗ lực thu hút vốn ngoại tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Thực ra, HOSE đã có các cuộc tiếp xúc với đối tác của Hồng Kông và Nhật Bản trong việc thiết lập các sản phẩm đầu tư dựa trên chỉ số VN30. Tuy nhiên, đối tác Hàn Quốc dù đến sau, nhưng lại nhanh chân cho ra sản phẩm trước và đang mang lại kết quả tích cực. 

Như phân tích của ông thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút vốn ngoại tốt hơn nếu có thêm các giải pháp linh hoạt?

Có hai vấn đề nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm.

Thứ nhất, thị trường có nguồn hàng hóa mới với quy mô lớn và chất lượng tốt hay không? Các tổ chức đầu tư lớn của nước ngoài thường có nhu cầu giải ngân lớn, nên nếu xuất hiện món hàng mới có chất lượng và khối lượng lớn, họ sẽ cân nhắc quyết định đầu tư. 

Thứ hai, trong trường hợp không có nguồn hàng mới với những đặc tính như trên, điều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là với những cổ phiếu mà họ ưa thích đầu tư hiện đã cạn “room” với khối ngoại, thì cơ chế linh hoạt nào để cho họ được mua thêm cổ phiếu, trên cơ sở đó được hưởng các lợi ích tài chính, chứ họ không quan tâm đến quyền biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông hay sở hữu doanh nghiệp. 

Để hình thành giải pháp có tính linh hoạt trong thu hút vốn ngoại như ông nói, kinh nghiệm các nước giải quyết ra sao?

Luật pháp các nước, ngay cả những thị trường phát triển, chẳng hạn Nhật Bản, hay một thị trường lân cận Việt Nam là Malaysia, đều có quy định về kiểm soát tỷ lệ sở hữu cổ phiếu ở các doanh nghiệp niêm yết trong một số ngành, lĩnh vực nhất định đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, họ cũng đưa ra cơ chế nhằm tạo sự linh hoạt trong cho phép nhà đầu tư nước ngoài vượt trần tỷ lệ sở hữu để đáp ứng một nhu cầu không nhỏ trên thực tế là có những nhà đầu tư tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ thuần túy quan tâm đến lợi ích tài chính khi sở hữu cổ phiếu, mà không có nhu cầu tham gia họp đại hội đồng cổ đông để biểu quyết. Họ cũng không có nhu cầu tham gia ban điều hành, hay kiểm soát doanh nghiệp. Chính cách làm thông thoáng này đã giúp cho nhiều thị trường thu hút dòng vốn nước ngoài rất tốt.

Từ kinh nghiệm này, nếu Việt Nam tạo ra những giải pháp linh hoạt hơn, thì sẽ giúp thị trường chứng khoán tạo ra được lực hút mới đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Tin bài liên quan