Halico là một trong nhiều doanh nghiệp lớn chưa đưa cổ phiếu lên sàn

Halico là một trong nhiều doanh nghiệp lớn chưa đưa cổ phiếu lên sàn

Khó thúc doanh nghiệp lên sàn vì cơ chế bất cập

(ĐTCK) Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương đưa doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa lên sàn. Tuy nhiên, có những bất cập về cơ chế đang cản trở quyết tâm này.

99 cổ đông chưa phải là công ty đại chúng

Để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, cổ đông, tăng sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán trong nước, Chính phủ đã xây dựng cơ chế gắn cổ phần hóa với đưa cổ phiếu của doanh nghiệp lên giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Theo đó, sau 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty cổ phần phải đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa chưa tuân thủ đúng quy định này vẫn rất lớn.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã công khai danh sách hơn 500 công ty đã cổ phần hóa nhưng chưa đưa cổ phiếu lên sàn. Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đang yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tổng hợp các doanh nghiệp còn lại thuộc diện này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý, trong số hơn 500 công ty được Văn phòng Chính phủ nêu tên, có rất nhiều doanh nghiệp đưa ra lý do chưa lên sàn vì chưa đủ điều kiện là công ty đại chúng (cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên).

Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả với những công ty có 99 cổ đông thì vẫn không đủ điều kiện là công ty đại chúng, nên họ đương nhiên không đủ điều kiện lên sàn.

Với trường hợp này, việc doanh nghiệp chưa lên sàn không phải do lỗi chủ quan của họ, mà do quy định pháp lý bất cập. Con số doanh nghiệp thuộc diện này lên tới hàng trăm, trong đó có những cái tên như Công ty cổ phần Xây lắp Điện lực Viễn thông (thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội), Công ty cổ phần Dụng cụ số 1, Công ty cổ phần Cơ khí Cửu Long… (xem bảng)

Luật Chứng khoán (điểm a, khoản 1, Điều 25) có quy định “công ty đại chúng là công ty cổ phần đã thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng”.

Như vậy, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa để chuyển đổi thành công ty cổ phần thông qua hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng cũng là công ty đại chúng. Nhưng mặt khác, luật này (khoản 2, Điều 13) lại quy định, hoạt động chào bán ra công chúng của doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần không phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và được thực hiện theo pháp luật về cổ phần hóa.

Chính vì quy định này mà hiện Ủy ban Chứng khoán không kiểm soát đối tượng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, nhưng không đủ 100 cổ đông và không đủ vốn điều lệ 10 tỷ đồng.

Do đó, Ủy ban Chứng khoán không giám sát được đối tượng này cũng như xem xét nghĩa vụ đăng ký, lưu ký và đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Sẽ sửa Luật Chứng khoán

Một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, qua theo dõi, có những doanh nghiệp sau cổ phần hóa 5 - 6 năm nhưng vẫn không đáp ứng tiêu chí trở thành công ty đại chúng để đưa cổ phiếu lên sàn.

Ở đây, có hay không sự cố tình của doanh nghiệp để trốn tránh nghĩa vụ lên sàn? Điều đáng nói là, trong số này, có rất nhiều doanh nghiệp không thuộc danh mục nhà nước cần nắm giữ cổ phần hoặc nắm giữ cổ phần chi phối, do đó, việc ban lãnh đạo doanh nghiệp chậm trễ trong triển khai thoái vốn là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp chậm được đại chúng hóa.

“Với những doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhiều năm chưa đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng để lên sàn, thì ở đây trách nhiệm trước hết thuộc về ban lãnh đạo doanh nghiệp. Các bộ, các tập đoàn, tổng công ty, ủy ban nhân dân cấp tỉnh… với tư cách là cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng có trách nhiệm trong chậm triển khai việc thoái vốn -  được coi là cổ phần hóa lần hai để gia tăng tính đại chúng cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa, qua đó đưa cổ phiếu lên sàn…”, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cho hay.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, cùng với việc sắp tới tiếp tục báo cáo danh sách các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán lên Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng giải pháp sửa đổi quy định bất cập của Luật Chứng khoán hiện hành, để thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn theo đúng quy định, qua đó, giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáp, hợp pháp cho các cổ đông.    

Tin bài liên quan